Ngày 13-12, Bệnh viện ĐK Thống Nhất (Đồng Nai) tổ chức Hội thảo “Cập nhật hồi sức phòng sinh phiên bản 8” với sự tham dự của hơn 100 đại biểu gồm các bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh của các khoa: Sản, Gây mê hồi sức, Hồi sức tích cực chống độc,… của các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe BS CKII Huỳnh Thị Thanh, phụ trách khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai thuyết giảng về tầm quan trọng của hồi sức sơ sinh; quy trình hồi sức sơ sinh như: Thông đường thở, hỗ trợ hô hấp dành cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh hoặc khi có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở; nhận diện các tình huống khẩn cấp bé ngưng tim, ngưng thở; cập nhật lưu đồ cấp cứu hồi sức sơ sinh cho bé;…
Các đại biểu tham dự Hội thảo.
Hồi sức sơ sinh là các bước hồi sức tim phổi dành cho trẻ sơ sinh ngay sau sinh hoặc khi có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở; các trường hợp ngạt có thể xảy ra cho bé khi người mẹ bị các bệnh lý tim mạch, hô hấp, sinh non, đa thai, chuyển dạ kéo dài, sa dây rốn, nhiễm trùng ối hoặc dịch ối có lẫn phân su,…
Các bước hồi sức sơ sinh cần được thực hiện ngay trong phút đầu nếu thấy bé có biểu hiện không khóc, không thở hoặc thở nấc trong vòng 30 giây sau sinh. Khoảng thời gian đó được ví là những giây phút vàng quan trọng để nhân viên y tế chạy đua, giữ lại sự sống cho trẻ.
BS CKII Huỳnh Thị Thanh chia sẻ, hồi sức sơ sinh là một kỹ thuật khó, phức tạp, đòi hỏi tay nghề, kinh nghiệm của người thực hiện cũng như sự phối hợp nhịp nhàng từ cả ekip. Do đó, việc trang bị kiến thức chuyên môn là chưa đủ mà đòi hỏi nhân viên y tế phải có kỹ năng thực hành và trải nghiệm các tình huống. Bởi lẽ, không phải tất cả các trường hợp cấp cứu ngưng tim, ngưng thở đều giống nhau mà phụ thuộc vào tình trạng của bé lúc chào đời. Điều quan trọng nhất là nhân viên y tế phải đánh giá được tình huống đang đối mặt để xử trí kịp thời./.
Bích Ngọc
nguồn: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH ĐỒNG NAI