Sáng 24/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, dưới dự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đồng thời tiến hành thảo luận tại hội trường. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành Phiên họp.
Trong buổi sáng đã có gần 30 ý kiến của các Đại biểu Quốc hội thảo luận về các vấn đề đang quan tâm liên quan đến dự thảo luật Khám chữa bệnh (sửa đổi). Thay mặt cơ quan soạn thảo phát biểu giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cảm ơn các Đại biểu Quốc hội đã tham gia đóng góp ý kiến rất quan trọng đối với dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi).
Bộ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định, các ý kiến của các đại biểu thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm với mong muốn Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) lần này thực sự đổi mới căn bản về chất, đồng thời giải quyết được những vấn đề khó khăn, vướng mắc của ngành y tế đang gặp phải trong thực tiễn và đúng quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm, với mục tiêu chất lượng, hiệu quả phát triển trong công tác chăm sóc cho sức khỏe Nhân dân.
Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi), Bộ trưởng Đào Hồng Lan ghi nhận đầy đủ ý kiến của Đại biểu Quốc hội và sẽ phối hợp với các Uỷ ban của Quốc hội và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình thấu đáo, chỉnh lý dự thảo báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội để đảm bảo tính khoa học, tính khả thi và tính thống nhất trong hệ thống văn bản pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.
Chỉ quy định về mặt nguyên tắc vị trí pháp lý, nhiệm vụ của Hội đồng y khoa
Về thiết chế Hội đồng y khoa, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, một trong những yêu cầu quan trọng nhất của việc đảm bảo chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chính là năng lực chuyên môn của người hành nghề.
Tại nhiều nước trên thế giới, trước khi cấp giấy phép hành nghề, người muốn được hành nghề phải trải qua kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề do tổ chức độc lập thực hiện.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế thực tiễn tổ chức hệ thống khám, chữa bệnh, đồng thời kế thừa Luật Khám, chữa bệnh hiện hành, dự thảo luật lần này quy định Hội đồng y khoa quốc gia thực hiện việc tổ chức kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề và cơ quan quản lý nhà nước sẽ căn cứ vào kết quả này để cấp giấy phép hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đảm bảo tính khách quan trong đánh giá năng lực chuyên môn của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, việc quy định giao Hội đồng Y khoa Quốc gia tổ chức đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW năm 2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và trên thực tế mô hình Hội đồng Y khoa quốc gia này đã được Thủ tướng Chính phủ thành lập và đang hoạt động với nhiệm vụ chuẩn bị các nội dung phục vụ tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực hành nghề, vì vậy đã sẵn sàng cho việc đánh giá năng lực hành nghề theo lộ trình được xác định trong dự thảo Luật.
Tuy nhiên, do đây là lần đầu tiên Việt Nam áp dụng mô hình Hội đồng Y khoa Quốc gia thực hiện việc đánh giá năng lực hành nghề, nên dự thảo Luật chỉ quy định nguyên tắc về vị trí pháp lý, nhiệm vụ và giao Chính phủ quy định cụ thể là phù hợp.
Về thời hạn, một số ý kiến Đại biểu Quốc hội nói là trong dự thảo Luật có một số mốc như: 2027, 2029 và 2032, trong phần báo cáo, giải trình của Bộ Y tế về ý kiến này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan thông tin: Mốc 2027 áp dụng đối với việc đào tạo y sĩ để đảm bảo có thời gian cho các cơ sở đào tạo thay đổi hình thức đào tạo cũng như đảm bảo cho người đang học theo trình độ y sĩ hiện nay vẫn được sử dụng. Đối với mốc 2029, việc kiểm tra đánh giá năng lực đối với các chức danh bác sĩ để đảm bảo học gì thi đó chúng ta có đủ thời gian một khóa các em học sinh theo chương trình đào tạo và đáp ứng năng lực mới.
Đối với mốc 2032 kiểm tra, đánh giá năng lực với các chức danh còn lại đảm bảo tính khả thi khi thực hiện.
Tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám chữa bệnh
Về vấn đề dinh dưỡng trong khám bệnh và chữa bệnh, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu rõ, suy dinh dưỡng là một loại bệnh và có các mức độ khác nhau, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính nặng là mức độ nặng nhất của bệnh.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, suy dinh dưỡng có thể gặp ở tất cả các đối tượng, lứa tuổi nhưng thường xảy ra phổ biến ở trẻ em sinh sống ở các vùng kinh tế - xã hội khó khăn, người cao tuổi, người bị suy kiệt do mắc bệnh mạn tính, người phải điều trị bệnh phức tạp, kéo dài.
Khi người bệnh bị suy dinh dưỡng, căn cứ vào tình trạng bệnh cụ thể của và đánh giá tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng mỗi người bệnh, việc điều trị được thường thực hiện thông qua việc bổ sung các khoáng chất, vi chất, vitamin, chất đạm, chất béo, đường (là các axit amin, protein, lipid, gluco, glucid,...). Hiện nay, Quỹ Bảo hiểm y tế đang chi trả chi phí sử dụng các chất này theo danh mục do Bộ Y tế quy định tại thông tư 30/2018.
"Bộ Y tế nhận thấy rất rõ tầm quan trọng của vấn đề dinh dưỡng trong khám chữa bệnh nên việc dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có điều khoản quy định về dinh dưỡng là cần thiết. Trong phạm vi Luật này, để bảo đảm cân đối với các điều khoản khác cũng như bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì việc quy định như Điều 65 dự thảo Luật là phù hợp"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.
Vì sao cần phân cấp cơ sở khám chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật?
Trong phần giải trình về hệ thống cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và phân cấp chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, hiện tại dự thảo luật đưa ra 3 cấp chuyên môn kỹ thuật với quy định liên quan đến phạm vi hoạt động của mỗi cấp và giao Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn việc phân cấp cụ thể hệ thống này.
Phương án này đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về phân cấp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật: cụ thể là cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu, cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản, cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu theo tinh thần của Nghị quyết số 20-NQ/TW và Nghị quyết 19-NQ/TW và giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể về việc phân cấp này, cũng như quy định danh mục kỹ thuật tối thiểu mà mỗi cấp khám bệnh, chữa bệnh bắt buộc phải cung cấp dịch vụ.
Việc phân thành 3 cấp chuyên môn kỹ thuật sẽ thiết lập được hệ thống chuyển tuyến theo cấp độ chuyên môn và đảm bảo sự kết nối trong cung ứng dịch vụ y tế giữa các cấp chăm sóc. Phương án này cũng tạo tiền đề cho việc đầu tư phát triển y tế cơ sở; bảo đảm tính liên thông, liên tục về khám bệnh, chữa bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Đồng thời khắc phục được một số tồn tại, bất cập liên quan đến cách thức và tiêu chí phân hạng bệnh viện hiện nay, cũng như khắc phục được bất cập liên quan đến thanh toán bảo hiểm y tế giữa các tuyến…
Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, sau một buổi làm việc tích cực, dân chủ, khẩn trương đã có 25 ý kiến đại biểu phát biểu và 3 ý kiến đại biểu tranh luận.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, trên tinh thần xây dựng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng đã phát biểu giải trình, tiếp thu, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Qua thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, nhiều ý kiến đánh giá cao cơ quan trình cũng như cơ quan thẩm tra về tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ trong quá trình soạn thảo, nghiêm túc tiếp thu nhiều ý kiến góp ý.
Tuy nhiên, đây là dự án Luật có tác động đến nhiều đối tượng, nhiều chính sách và có tính chuyên môn cụ thể. Vì vậy, phiên thảo luận cũng đã nhận được nhiều ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội góp ý cho những vấn đề chung cũng như những vấn đề cụ thể của dự thảo Luật.
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, các ý kiến góp ý của các Đại biểu Quốc hội sẽ được tổng hợp đầy đủ để nghiên cứu, tiếp thu. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu kỹ lưỡng, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật và trình xin ý kiến Quốc hội, đảm bảo yêu cầu chất lượng cao nhất, đồng thời đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, cũng như tính ổn định khi được Quốc hội thông qua.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn