Bộ y tế
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long: Hà Nội cần đặt công tác phòng chống dịch COVID-19 lên mức độ cao
11/12/2020 - 182
Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực của Hà Nội trong kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên thời gian tới trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng. Trong khi tình hình dịch bệnh hiện khá phức tạp, do đó Hà Nội cần đặt công tác phòng chống dịch COVID-19 lên mức độ cao.
GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế đã nhấn mạnh những điều này trong buổi làm việc của đoàn công tác Bộ Y tế với UBND TP Hà Nội về công tác y tế trên địa bàn thành phố chiều ngày 10/12.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng lãnh đạo các Vụ/Cục/ Văn phòng/Thanh tra/Tổng Cục và các Bệnh viện, Viện, Trường trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn Hà Nội tham gia buổi làm việc.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác của Bộ Y tế, về phía UBND TP Hà Nội có đồng chí Chu Ngọc Anh- Chủ tịch UBND TP cùng nhiều đồng chí lãnh đạo UBND TP, các sở ban , ngành đoàn thể, quận huyện liên quan.
Gần 4 tháng, Hà Nội không ghi nhận ca mắc COVID-19 tại cộng đồng.
Các đại biểu tham dự cuộc làm việc giữa Bộ Y tế và UBND TP Hà Nội chiều ngày 10/12 Ảnh: Trần Minh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, thành phố có mạng lưới y tế phát triển rộng khắp với 41 bệnh viện công, 5 trung tâm chuyên khoa, 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã; 52 phòng khám đa khoa khu vực, 4 nhà hộ sinh; 579 trạm y tế xã, phường, thị trấn; 3.953 cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, 8.142 cơ sở dược…
TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, trong năm 2020, ngành Y tế Thủ đô đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch thành phố giao, trong đó có chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên (giảm 0,1% so với năm 2019); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm từ 7,8% xuống còn 7,7%; 579/579 xã, phường đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân tăng lên và đạt 27,1 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân cũng tăng và đạt 13,5 bác sĩ/vạn dân…
Bên cạnh đó, trong năm 2020, thành phố đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Từ đầu năm 2020 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 173 trường hợp mắc COVID-19, không có trường hợp tử vong. Đặc biệt, từ ngày 18/8 đến nay, đã qua 116 ngày liên tiếp (gần 4 tháng), thành phố không ghi nhận ca mắc COVID-19 tại cộng đồng. Cùng với đó, các dịch bệnh khác như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não… cũng được kiểm soát. Cụ thể, số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay là 6.376 trường hợp, trong đó có 2 trường hợp tử vong, số mắc giảm 47% so với cùng kỳ năm 2019.
Tại buổi làm việc, ngành Y tế Thủ đô đã gửi đến Bộ Y tế một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến công tác y tế nói chung, công tác phòng chống dịch nói riêng...
Tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đã giải đáp những kiến nghị, đề xuất của Hà Nội đối với những lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế; đối với đề xuất không thuộc thẩm quyền, Bộ Y tế ghi nhận và sẽ tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Hà Nội quan tâm để các đơn vị của Bộ Y tế tiếp cận nguồn vốn, quỹ đất phù hợp.
Phát biểu tại buổi làm việc, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý Hà Nội cần ưu tiên, quan tâm hơn nữa cho vấn đề đầu tư, phát triển y tế, có chính sách thu hút nhân lực y tế cho các cơ sở công lập, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học. Ảnh: Trần Minh
Lắng nghe các ý kiến thảo luận và trao đổi giữa đoàn công tác của Bộ Y tế và TP Hà Nội, phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá công tác y tế của Thủ đô khá tốt, đáp ứng được nhu cầu của người dân, đặc biệt các chương trình, đề án, hướng dẫn của Bộ Y tế, Thủ đô Hà Nội triển khai thức hiện rất nghiêm túc.
Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam đang nỗ lực, quyết liệt trong công tác phòng dịch COVID-19, dứt khoát không được để dịch quay lại, nếu có chỉ là “những đốm lửa nhỏ” phải dập ngay. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, bài học được rút ra trong thời gian qua là xét nghiệm càng nhanh, phát hiện càng nhanh thì cách ly khoanh vùng dập dịch càng nhanh. Do đó, để đáp ứng yêu cầu phòng dịch, Hà Nội phải chủ động công tác xét nghiệm, bảo đảm công suất, năng lực xét nghiệm khoảng từ 20.000-30.000 mẫu/ngày.
Một vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại buổi làm việc, đó là hiện nay Hà Nội có số giường bệnh / vạn dân thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (Hà Nội đạt 26,8 trong khi chung cả nước là 28), do đó Hà Nội cần ưu tiên, quan tâm hơn nữa cho vấn đề đầu tư, phát triển y tế, có chính sách thu hút nhân lực y tế cho các cơ sở công lập, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, có vậy mới xây dựng được Thủ đô là trung tâm y tế chuyên sâu.
Cùng đó, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ mong muốn sẽ có sự trao đổi, chia sẻ, gắn kết chặt chẽ giữa các đơn vị của Bộ Y tế với y tế Thủ đô. “Mong lãnh đạo Hà Nội sẽ tạo điều kiện, ưu tiên các bệnh viện, đơn vị trực thuộc Bộ có thể tiếp cận kể cả về nguồn vốn, quỹ đất nội đô phù hợp cho sự phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân, giúp ngành Y tế nước nhà vươn cao, vươn xa”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.
Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý Hà Nội cần quan tâm, có chính sách thu hút, mở rộng thu hút đầu tư lĩnh vực sản xuất dược, trang thiết bị y tế. Theo Bộ trưởng đây chính là vấn đề kinh tế y tế.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại buổi làm việc Ảnh:Trần Minh
Đồng tình, nhất trí với ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ Y tế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ngành Y tế Thủ đô hoàn thành tốt các nhiệm vụ thành phố giao, trong đó có công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Đồng chí Chu Ngọc Anh cho rằng, dù công tác y tế của Thủ đô thời gian qua đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận nhưng hiện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đối với tuyến y tế cơ sở. Hiện nay, nguồn nhân lực y tế của tuyến y tế cơ sở còn nhiều hạn chế.
Do đó, thời gian tới, thành phố tiếp tục tăng cường phát triển nguồn nhân lực y tế, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, trong đó đẩy mạnh phát triển y tế cơ sở. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường hơn nữa đầu tư phát triển y tế chuyên sâu, tăng cường gắn kết giữa các đơn vị y tế của Thủ đô với các đơn vị y tế của trung ương đóng trên địa bàn.
Về công tác phòng, chống dịch COVID-19, UBND thành phố tiếp tục bám sát tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế trong công tác kiểm soát COVID-19. Thành phố đặt công tác phòng dịch COVID-19 ở mức cao nhất và ưu tiên hàng đầu./.
Nguồn: Báo Sức khỏe đời sống
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT