Bộ y tế
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long là Trưởng Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc
24/06/2021 - 178
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo; 9 phó trưởng ban là các đồng chí lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần...
Tại Quyết định số 3043/QĐ-BYT về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc do Bộ Y tế ban hành, Ban Chỉ đạo triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 toàn quốc do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 làm Trưởng ban; Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản làm Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long luôn nhấn mạnh quan điểm của Bộ Y tế là “tiêm đến đâu an toàn đến đó” Ảnh:Trần Minh
9 phó trưởng ban là các đồng chí lãnh đạo các Bộ: Y tế, Công an, Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần (Bộ Quốc phòng)...
Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn có 5 Tiểu ban gồm: Tiểu ban Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin; Tiểu ban Tiêm chủng; Tiểu ban An toàn tiêm chủng; Tiểu ban Giám sát chất lượng vắc xin; Tiểu ban Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông và Văn phòng thường trực.
Riêng Tiểu ban Giám sát chất lượng vắc xin, Tiểu ban An toàn tiêm chủng và Tiểu ban Tiêm chủng có nhiệm vụ phối hợp với các tiểu ban khác giám sát chất lượng vaccine từ khi tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản cho đến khi triển khai tiêm chủng tại các điểm tiêm trên toàn quốc.
Ngoài ra, chỉ đạo xây dựng các hướng dẫn về tiêm chủng, xử trí cấp cứu đối với sự cố bất lợi sau tiêm chủng, đồng thời tổ chức đào tạo, tập huấn và theo dõi, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ…
Trước đó, trả lời báo chí về chiến dịch tiêm chủng này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện nay, nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021 và đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng.
Mà muốn có miễn dịch cộng đồng việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị cũng như Chính phủ trong vấn đề mua vắc xin và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để làm sao đảm bảo người dân tiếp cận được vắc xin.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, an toàn tiêm chủng là vấn đề Bộ Y tế đặc biệt quan tâm. Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua ở Việt Nam (không chỉ đối với vắc xin phòng COVID-19 mà còn nhiều vắc xin khác) Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.
Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì các điểm tiêm sẽ trì hoãn tiêm.
Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân trên địa bàn TPHCM Ảnh:Khôi Nguyên
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm
Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng, tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng./.
Nguồn; Suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT