zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Bộ Y tế chủ động triển khai ứng phó cơn bão số 3 (bão YAGI) năm 2024

06/09/2024 - 81

 

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế chủ trì cuộc họp triển khai công tác y tế ứng phó cơn bão số 3 (bão YAGI) năm 2024

 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; sáng ngày 06/9/2024, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế chủ trì cuộc họp triển khai công tác y tế ứng phó cơn bão số 3 (bão YAGI) năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; tham dự cuộc họp có các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế, các Vụ, Cục thuộc Bộ, lãnh đạo một số bệnh viện Trung ương, lãnh đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và các đơn vị trực thuộc liên quan.

Theo thông báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 07 giờ ngày 06/9/2024, vị trí tâm siêu bão YAGI ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm siêu bão mạnh cấp 16 (184-201km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20km/h.

Các đại biểu tham dự họp báo cáo về công tác chuẩn bị ứng phó với cơn bão số 3 (bão YAGI) năm 2024

Tại cuộc họp, Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó trước siêu bão YAGI, tập trung sẵn sàng ứng trực cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất để phục vụ công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh. Các bệnh viện tuyến Trung ương chủ động các phương án đảm bảo an toàn bệnh viện, thành lập các tổ (Đội) cấp cứu lưu động sẵn sàng ứng cứu các địa phương trong tình huống khẩn cấp. Các Vụ, Cục chuyên môn báo cáo những phương án cụ thể nhằm hướng dẫn các địa phương kịp thời ứng phó và xử lý các tình huống khi cơn bão đi qua; trong đó tập trung đảm bảo duy trì hoạt động khám chữa bệnh, phòng, chống các dịch bệnh sau bão và xử lý môi trường.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu kết luận

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các địa phương và các đơn vị có liên quan căn cứ đặc điểm của bão YAGI, đó là mức độ ảnh hưởng diện rất rộng tại 28 tỉnh (kéo dài từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Hà Tĩnh), với sức gió mạnh cấp 16 giật cấp 17, dự kiến sức tàn phá rất nặng nề. Căn cứ đặc điểm của từng địa phương, dự báo khả năng thiệt hại có thể xảy ra để có biện pháp ứng phó cụ thể; mỗi tỉnh, thành phố dự báo khả năng thiệt hại có thể xảy ra của từng huyện để có chỉ đạo ứng phó kịp thời. Cùng với đó, các địa phương phải theo dõi diễn biến chặt chẽ của cơn bão để có giải pháp ứng phó kịp thời.

          Ngành Y tế các địa phương nghiên cứu kĩ và thực hiện nghiêm công điện 1101/CĐ-BYT ngày 5/9/2024 của Bộ Y tế với các nội dung: (1). Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban chỉ huy phòng thủ dân sự các địa phương và Bộ Y tế về việc chủ động ứng phó với bão và mưa lũ, bảo đảm an toàn cho người dân; (2). Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa, lũ, thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy theo thông báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia; chủ động triển khai công tác phòng, chống, ứng phó bão lũ. Rà soát kế hoạch, phương án phòng, chống bão lũ của đơn vị đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn của địa phương; (3). Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24; sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, lũ gây ra; không để gián đoạn trong công tác cấp cứu, điều trị cho người dân; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Triển khai các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa lũ; chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, lũ quét, lũ ống, sạt lở đất; (4). Tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh, đảm bảo công tác an toàn thực phẩm do bão, mưa lũ gây ra; sắp xếp, ổn định các cơ sở khám chữa bệnh, bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân sau mưa lũ; (5). Báo cáo tình hình thiệt hại, nhu cầu, khả năng bảo đảm của địa phương và đề xuất hỗ trợ khi vượt quá khả năng bảo đảm của địa phương về Bộ Y tế (qua Vụ Kế hoạch - Tài chính) để tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định.

Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ, Trung Bộ, các đơn vị có liên quan khẩn trương tổ chức và phối hợp triển khai nhiệm vụ.

Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão của Sở Y tế phân công thành viên ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão trực tại địa phương để trực tiếp chỉ đạo.

          Các đơn vị rà soát các nội dung về chuẩn bị phương án, nhân lực, cơ sở vật chất trước khi bão đổ bộ cần phải thực hiện công tác gì; trong bão có phương án xử lý như thế nào? Lên phương án đề phòng các bệnh dịch sau bão (tiêu chảy, bệnh ngoài da, đau mắt...); kiểm tra các cơ sở y tế sẵn sàng cấp cứu trong đó làm rõ trách nhiệm của Tiểu Ban tiền phương và hậu phương. Tiểu Ban tiền phương xử lý cấp cứu bệnh nhân ngoài hiện trường và chuyển về Tiểu Ban hậu phương để điều trị. Tiểu Ban hậu phương chuẩn bị cơ số giường, thuốc, vật tư để xử lý cấp cứu. Bên cạnh đó, cần đặc biệt lưu ý đến máy phát điện để sử dụng trong hoạt động cấp cứu tại các cơ sở y tế.

Sở Y tế các tỉnh, thành phố phải dự kiến một số tình huống có thể xảy ra và phương án xử lý của ngành Y tế để không bị động, bất ngờ; phải duy trì chế độ trực chỉ huy và trực lực lượng phòng, chống lụt bão 24/24; thực hiện nghiêm phương châm bốn tại chỗ. Các địa phương, bệnh viện và các đơn vị liên quan ban hành quyết định thành lập các tổ (Đội) cấp cứu lưu động để có cơ sở thực hiện và đảm bảo chế độ cho các cán bộ tham gia.

Trong quá trình ứng phó với cơn bão cần lưu ý xử lý các tình huống tai nạn ban đầu, đảm bảo nguồn thưc phẩm, nước sạch và xử lý môi trường. Sau khi cơn bão đi qua cần tiếp tục điều trị cho các trường hợp chưa ra viện, xử lý vệ sinh môi trường và đảm bảo nguồn nước sạch.

Các Vụ, Cục chuyên môn của Bộ Y tế cần rà soát các văn bản hướng dẫn cụ thể, nếu cần thiết phải ban hành văn bản hướng dẫn trước14h ngày 06/9/2024; chủ động thành lập tổ công tác sẵn sàng đến địa phương để hướng dẫn công tác phòng, chống dịch.

Các Bệnh viện tuyến Trung ương khẩn trương ra quyết định thành lập các tổ (Đội) cấp cứu lưu động để hỗ trợ trong các tình huống khẩn cấp; chuẩn bị phương tiện, vật tư, sẵn sàng lên đường ứng cứu khi có tình huống khẩn cấp xảy ra.

Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế yêu cầu các Vụ, Cục, các địa phương và các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp ứng phó với siêu bão YAGI, hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.