Bộ y tế
Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ của Nghị quyết 41 về chất vấn
18/05/2022 - 157
Kết quả thực hiện Nghị quyết số 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long gửi đến Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long vừa có báo cáo gửi Quốc hội về kết quả thực hiện Nghị quyết số 41 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV về lĩnh vực y tế.
Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định: Đến nay, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau khi Nghị quyết số 41/2021/QH15 của Quốc hội khóa XV (gọi tắt là Nghị quyết số 41) và Công văn số 9211/VPCP-QHĐP ngày 17/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XV ban hành, Bộ Y tế đã nghiêm túc quán triệt, chấp hành, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết số 41 và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung thực hiện các giải pháp đã đề ra, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.
"Đến nay, Bộ Y tế cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Nghị quyết số 41"- Báo cáo của Bộ Y tế nêu rõ.
Một số kết quả cụ thể:
Tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết số 38/NQ-CP về Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian 2 năm 2022 - 2023;
Hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19 bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% và phấn đấu hoàn thành tiêm mũi thứ ba;
Đã triển khai tiêm vaccine cho nhóm tuổi từ 12-17 với tỷ lệ tiêm mũi 1 là 99,6% và mũi 2 là 94,7%;
Hoàn thiện Hồ sơ các dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, trình Quốc hội trong năm 2022;
Phối hợp với các cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế bao gồm kit xét nghiệm COVID-19 vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá;
Đề xuất Bộ Tài chính là đơn vị ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế;
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế.
Đến nay Việt Nam đã hoàn thành tỷ lệ tiêm chủng đủ liều vaccine phòng COVID-19 bao phủ dân số trên 18 tuổi đạt 100% và phấn đấu hoàn thành tiêm mũi thứ ba. Ảnh: Trần Minh
Chủ động kiểm tra, giám sát việc triển khai xét nghiệm COVID-19, bảo đảm đúng quy định về giá
Đối với nhiệm vụ nghiên cứu xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá; ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị định số 98/2021/NĐ-CP ngày 08/11/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.
Nghị định này thay đổi cơ bản vấn đề về quản lý trang thiết bị y tế, cụ thể: Công khai, minh bạch toàn bộ trong quá trình quản lý; Chuyển từ phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; Phương thức quản lý phù hợp với quốc tế. Đặc biệt đối với vấn đề về quản lý giá trang thiết bị cũng như sinh phẩm chẩn đoán đã chính thức được đưa vào mặt hàng được quản lý giá.
Theo Bộ Y tế: Đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể và Bộ Y tế đang tích cực triển khai thực hiện với các hoạt động cụ thể như:
- Việc xem xét, đưa một số loại trang thiết bị, vật tư y tế (bao gồm kit xét nghiệm COVID-19) vào danh mục quản lý giá, bình ổn giá: Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó giao Chính phủ "quy định cụ thể mặt hàng trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 áp dụng biện pháp bình ổn giá".
Hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát để báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
- Việc ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân, hiện nay, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, theo quy định tại điểm 5 Điều 88 Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định: "Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân được quyền quyết định và phải niêm yết công khai giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh".
Tuy nhiên, để kiểm soát giá xét nghiệm COVID-19 với các cơ sở y tế tư nhân, Bộ Y tế đã ban hành nhiều văn bản đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.
Trường hợp cần thiết báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, đặc biệt là việc tuân thủ các quy định về giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế tư nhân; yêu cầu các cơ sở y tế phải thực hiện việc xây dựng, quyết định mức giá và kê khai, công bố công khai giá dịch vụ xét nghiệm COVID-19 theo quy định của pháp luật về giá.
Xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ xét nghiệm COVID-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn.
Theo Bộ Y tế, giá khám bệnh, chữa bệnh tư nhân không thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế, vì vậy, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính chủ trì phối hợp ban hành quy định về mức giá trần xét nghiệm COVID-19 đối với cơ sở y tế tư nhân.
Bộ Y tế đã có các văn bản gửi các địa phương, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện đầu cơ, tích trữ trang thiết bị y tế; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19...
Nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện đầu cơ, tích trữ trang thiết bị y tế; tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19
Trong báo cáo này, đề cập đến việc tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định pháp luật trong lĩnh vực y tế; chủ động kiểm tra, giám sát các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập trong việc triển khai xét nghiệm COVID-19, bảo đảm đúng quy định về giá, Bộ Y tế cho biết:
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá, đấu thầu và mua sắm trong lĩnh vực y tế, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị sản xuất, nhập khẩu và cung ứng trang thiết bị y tế nghiêm cấm việc tăng giá tùy tiện đầu cơ, tích trữ và thực hiện đúng quy định về quản lý giá thuốc, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh thuốc điều trị COVID-19;
Nghiêm túc việc thực hiện việc kê khai, cập nhật công khai giá trang thiết bị y tế theo quy định tại Nghị định số 98/2021/NĐ-CP, ngày 08/11/2021 quy định quản lý trang thiết bị y tế trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế tại địa chỉ https://kekhaigiattbyt.moh.gov.vn/ và trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược tại địa chỉ https://dichvucong.dav.gov.vn/congbogiathuoc/index; Chịu trách nhiệm về giá công bố và tính chính xác và đầy đủ các thông tin liên quan đến hàng hóa theo quy định...
Trong thời gian qua, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi lãnh đạo Tỉnh uỷ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố; Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19; Tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.
Đối với nhiệm vụ này, Bộ Y tế nêu "đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể và Bộ đang tích cực triển khai thực hiện".
Tại Nghị quyết 41, Quốc hội yêu cầu xem xét cấp phép sản xuất cho vaccine, thuốc điều trị COVID-19 trong nước và đưa vào sử dụng, tiến tới tự chủ nguồn thuốc và vaccine.
Cho biết đây là nhiệm vụ không quy định thời hạn hoàn thành cụ thể, Bộ trưởng cho biết Bộ Y tế đang tích cực triển khai thực hiện.
Đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cho 3 thuốc điều trị COVID-19 chứa hoạt chất Molnupiravir và có 3 "ứng cử viên" vaccine phòng COVID-19 là Nanocovax của Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen; Covivac do Viện Vaccine và sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) nghiên cứu, vaccine chuyển giao công nghệ ARCT-154.
Cả ba ứng viên vaccine phòng COVID-19 của Việt Nam đều đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ sở sản xuất, cơ sở nghiên cứu để rà soát, hướng dẫn đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, tổ chức nghiệm thu và thẩm định đảm bảo khách quan, khoa học theo đúng quy định./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT