Bộ y tế
Bộ Y tế đề nghị Pháp tiếp tục hỗ trợ triển khai các nghiên cứu về HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi
16/11/2023 - 189
Trong khuôn khổ hội thảo khoa học Hướng tới chấm dứt dịch bệnh tại Việt Nam, do Bộ Y tế Việt Nam phối hợp với ANRS-MIE, tổ chức tại Hải Phòng, trong 2 ngày 15-16/11, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã có buổi làm việc với các nhà khoa học quốc tế tham dự hội nghị.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã cảm ơn sự hỗ trợ của các nhà khoa học quốc tế, Chính phủ Pháp, Cơ quan Nghiên cứu HIV/AIDS, Viêm gan siêu vi và các bệnh truyền nhiễm mới nổi của Cộng hòa Pháp (ANRS-MIE), vì những hỗ trợ cho lĩnh vực y tế công cộng nói riêng và sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân Việt Nam nói chung trong suốt thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương (trái) và Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương (phải) trong buổi làm việc với các nhà khoa học ANRS-MIE.
Bộ Y tế đánh giá cao sự hỗ trợ nhiệt tình và mạnh mẽ từ phía các nhà khoa học, ANRS (sau này là ANRS-MIE). Từ khi triển khai hợp tác năm 2000, cho đến nay, ANRS-MIE đã hỗ trợ Việt Nam cả về kỹ thuật và tài chính để thực hiện hơn 40 đề tài nghiên cứu về các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu sinh học – lâm sàng và nghiên cứu khoa học xã hội, tập trung vào mảng phòng, chống HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.
Ngoài ra, các dự án ANRS-MIE còn góp phần thúc đẩy và thực hiện chuyển giao cũng như áp dụng các công nghệ kỹ thuật mới vào lĩnh vực nghiên cứu khoa học về HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm mới nổi khác. Qua đó ngày càng cải thiện chất lượng các dịch vụ y tế tại Việt Nam, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ và hệ thống cơ sở vật chất của các đơn vị tham gia nghiên cứu, đồng thời đưa hoạt động nghiên cứu khoa học của Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới.
Hội thảo lần này là cơ hội tốt để cộng đồng các nhà khoa học, các nghiên cứu viên của Việt Nam, Cộng hoà Pháp và các nước tham gia các nghiên cứu do ANRS tài trợ được chia sẻ kinh nghiệm, các bài học quý báu trong công tác phòng, chống dịch bệnh, cũng như việc đưa các kết quả nghiên cứu vào thực hành cũng như vận động chính sách.
GS. Sharon Lewin, Chủ tịch Hiệp Hội Chuyên gia quốc tế về HIV/AIDS (IAS)
Phát biểu tại buổi làm việc, GS. Sharon Lewin, Chủ tịch Hiệp Hội Chuyên gia quốc tế về HIV/AIDS (IAS) khẳng định: Việt Nam đang đi đúng hướng. Các yếu tố then chốt để đảm bảo thành công là thuốc miễn phí - sự lãnh đạo, cam kết chính trị và đặc biệt là sự tham gia của cộng đồng. Thông qua mô hình dựa vào cộng đồng để tăng tỷ lệ sử dụng PrEP, Việt Nam cần đầu tư vào cơ sở hạ tầng để quản lý tốt các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, lao, HIV, và nâng cao năng lực xét nghiệm… để ứng phó tốt với các đại dịch trong tương lai.
Ông Olivier Brochet - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam cho biết, hợp tác y tế là một trong những trụ cột trong quan hệ hợp tác song phương giữa Pháp và Việt Nam. Cuộc hội thảo lần này cũng là dịp kỷ niệm bề dày quan hệ hợp tác giữa hai nước. Thông qua những trao đổi trong hội thảo cũng như bên lề hội thảo chúng ta sẽ đưa ra được tầm nhìn và giải pháp cho các vấn đề mà chúng ta quan tâm, mở rộng tầm hoạt động như chúng ta mong muốn, làm sao triển khai các dự án chung được thực hiện nhanh chóng, hiệu quả hơn nữa.
Chúng tôi luôn tạo điều kiện để kết nối giới y khoa Việt Nam với các cơ quan chức năng Pháp và các nhà khoa học Pháp. Trong thời gian tới sẽ tăng cường đào tạo, tập trung vào các chuyên ngành ưu tiên cũng như một số bệnh mà Việt Nam đang quan tâm nhiều hơn, ví dụ những bệnh không lây nhiễm, bệnh hiếm cũng như các vấn đề liên quan đến quản lý bệnh viện… Đấy là những chủ đề mà chúng ta có thể hợp tác cùng nhau.
Ông Olivier Brochet - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hoà Pháp tại Việt Nam.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị, các nhà khoa học quốc tế tiếp tục hỗ trợ triển khai các nghiên cứu, đặc biệt là những nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm mới nổi ở Việt Nam; tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong quá trình xây dựng và phê duyệt các đề xuất viện trợ do Quỹ Toàn cầu tài trợ và huy động thêm nguồn ngân sách cấp cho Việt Nam từ cộng đồng quốc tế; mở rộng các hoạt động hợp tác, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ khoa học, xây dựng cơ sở vật chất, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, triển khai các đề tài nghiên cứu trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS, viêm gan B, C và các bệnh truyền nhiễm tại Việt Nam.
Bộ Y tế cũng đề nghị các nhà khoa học tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật và chọn Việt Nam là một trong các điểm nghiên cứu toàn cầu trong lĩnh vực y tế nói chung và theo dõi tình trạng mô hình dịch bệnh nói riêng; hỗ trợ triển khai các can thiệp cho người sử dụng và nghiện ma túy tổng hợp; xây dựng các chính sách, năng lực hệ thống để đáp ứng thực hiện mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Đồng thời, hỗ trợ Việt Nam trong việc đàm phán về giá thành thuốc điều trị viêm gan C cũng như sinh phẩm xét nghiệm tải lượng HIV; hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng kế hoạch và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS...
Quang cảnh buổi làm việc.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT