Bộ Y tế đối thoại với các doanh nghiệp dược, tháo gỡ khó khăn, điểm nghẽn để thúc đẩy phát triển
25/03/2022 - 214
news-relate
Bộ Y tế tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp dược năm 2022 để lắng nghe về các khó khăn, vướng mắc từ phía các doanh nghiệp dược trong thực thi chính sách, pháp luật hiện hành; đặc biệt là những đề xuất, những sáng kiến để Bộ Y tế có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển...
Hội nghị đối thoại giữa Bộ Y tế với doanh nghiệp dược năm 2022 diễn ra tại TP HCM trong ngày 24/3 theo hình thức trực tiếp và kết nối trực tuyến đến 340 điểm cầu trên cả nước.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên chủ trì hội nghị quan trọng này. Đại diện Lãnh đạo các Cục/ Vụ: Quản lý Dược; Quản lý Y, Dược cổ truyền; Kế hoạch tài chính; Pháp chế và các đơn vị khác trực thuộc Bộ Y tế, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc cùng có mặt tại hội nghị, lắng nghe và có những trao đổi về giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về chính sách
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: Bộ Y tế ghi nhận sự đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp dược trong việc nghiên cứu, sản xuất thuốc, vaccine phục vụ công tác phòng và điều trị. Mặc dù bị tổn thất nhiều về mặt kinh tế do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19; nhiều doanh nghiệp đã chung tay, tham gia hỗ trợ thuốc, trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển và nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác.
"Đây thực sự là những nghĩa cử cao đẹp, thể hiện sâu sắc truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái của dân tộc"- Thứ trưởng Bộ Y tế nói.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng cho biết, Bộ Y tế đã và đang từng bước tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế chính sách… để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
"Những nỗ lực của Bộ Y tế nói chung và các đơn vị trực thuộc Bộ nói riêng trong thời gian qua đã được cộng đồng doanh nghiệp dược ủng hộ và đánh giá cao.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại trong công tác cải cách thủ tục hành chính, một số khó khăn, bất cập cho doanh nghiệp dược trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật do chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.
Cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng thấu hiểu, chia sẻ với nhau nhiều hơn
Tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp quan tâm nhiều đến các vấn đề: Cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc; Hoàn thiện sửa đổi Luật Dược và các văn bản liên quan khác; giải quyết các hồ sơ cấp phép còn tồn đọng; thực hiện khoản 5, điều 6, Nghị quyết 12 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng chống dịch…; Vấn đề thoái vốn nhà nước tại Tổng Công ty Dược Việt Nam…
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, sau một ngày đối thoại và lắng nghe hàng chục ý kiến thảo luận của các doanh nghiệp cùng từng đó ý kiến trao đổi lại của cơ quan quản lý, đa số các đại biểu đều bày tỏ mong muốn tiếp tục có những cuộc đối thoại như này để cơ quan quản lý và doanh nghiệp cùng lắng nghe, trao đổi, tháo gỡ thẳng thắn và minh bạch những vấn đề đang khó khăn, tồn tại.
Từ cuộc đối thoại này, Bộ Y tế cũng thấy thêm được khó khăn của doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cũng chia sẻ và hiểu thêm những khó khăn của cơ quan quản lý để có sự đồng cảm, từ đó cùng nhau hướng tới đích cần đạt đến.
"Những ý kiến tâm huyết tại cuộc đối thoại hôm nay sẽ là cơ sở quan trọng để Bộ Y tế nghiên cứu, xem xét nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể để tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp"- Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói và khẳng định:
Bộ Y tế luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết thấu đáo những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp, và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những kiến nghị vượt thẩm quyền của Bộ.
Chắt lọc để ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển
Trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp nêu ra trong hội nghị đối thoại, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các Vụ, Cục tiếp thu, chắt lọc để ban hành cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế; đối với các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, nhanh chóng tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Thứ trưởng giao Vụ Pháp chế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Dược và các đơn vị liên quan tham mưu cho Bộ Y tế sớm trình Quốc hội sửa một số điều trong Luật Dược 2016 không còn phù hợp với thực tiễn nhằm tạo cơ sở pháp lý sửa các Nghị định và thông tư liên quan đến Luật dược để giải quyết bất cập trong việc thực thi pháp luật gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì, phát triển;
Tổ chức rà soát, đánh giá đồng bộ tác động những bất cập, không phù hợp của Luật Dược, Nghị định 54/2017/NĐ- CP và các thông tư hướng dẫn thi hành luật dược để xây dựng, ban hành đồng bộ, mang tính ổn định lâu dài hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về dược nhằm tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tránh tình trạng một văn bản quy phạm pháp luật liên tục sửa đổi bổ sung gây khó khăn cho việc thực thi;
Đồng thời khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 1661/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Y tế.
Thứ trưởng giao Cục Quản lý Dược làm đầu mối phối hợp với Viện Chiến lược và Chính sách y tế, các đơn vị liên quan tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược 68 và xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2045 (thay thế Chiến lược 68), hoàn thiện các thủ tục để báo cáo Bộ Y tế trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, tăng cường chuyển đổi số; phân cấp, ủy quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính…
Cục Quản lý Dược cũng phải xây dựng và triển khai kế hoạch giải quyết hồ sơ đăng ký thuốc tồn đọng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung ứng thuốc trên thị trường; Tiếp tục hoàn thiện các tiện ích trên hệ thống trực tuyến dự kiến hoàn thành trước 30/04/2022....
Thứ trưởng giao Vụ Kế hoạch –Tài chính làm đầu mối phối hợp với Vụ Bảo hiểm y tế, Cục Quản lý Dược, Trung tâm mua sắm tập trung thuốc quốc gia... tiếp thu các kiến nghị của doanh nghiệp về các bất cập trong đấu thầu thuốc, kê khai giá thuốc để sửa đổi, bổ sung Thông tư 15/2019/TT-BYT cho phù hợp.
Đối với các doanh nghiệp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường; chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh được duy trì ổn định; Tiếp tục đồng hành cùng với Bộ Y tế trong sự nghiệp phát triển ngành dược nói riêng và ngành y tế nói chung…
×Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.