Bộ y tế
Bộ Y tế lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT
29/08/2024 - 78
Ngày 29/8/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị xin ý kiến Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT). Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; BHXH Việt Nam; một số Bộ, ban, ngành liên quan.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.
Bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết: BHYT là chính sách an sinh xã hội mang ý nghĩa nhân đạo, nhân văn sâu sắc luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Sau 15 năm triển khai thực hiện Luật BHYT, chính sách BHYT đã từng bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định tính đúng đắn và phù hợp trong việc lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, tạo nguồn tài chính bền vững cho chăm sóc sức khỏe (CSSK) và thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và xây dựng hệ thống y tế Việt Nam theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, tiếp cận tới mục tiêu bao phủ CSSK toàn dân.
Phát huy những kết quả, kinh nghiệm trong phát triển BHYT, bên cạnh nỗ lực của ngành Y tế, ngành BHXH Việt Nam trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT; còn có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chỉ đạo sát sao của các Bộ, ban, ngành, UBND các cấp, tới nay công tác BHYT đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Công tác quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHYT được chú trọng và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật BHYT năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 đã có một số quy định của Luật không còn phù hợp với sự phát triển kinh tế- xã hội, một số nội dung mới phát sinh trong trong thực tiễn triển khai. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 15 trên thế giới về dân số, và đang bước vào giai đoạn già hóa dân số, mô hình bệnh tật thay đổi, gia tăng các bệnh không lây nhiễm, nhu cầu điều trị ngày càng tăng và khuynh hướng điều trị đòi hỏi theo xu hướng tiên tiến để bảo đảm quyền bình đẳng mọi người dân trong chăm sóc, bảo vệ sức khỏe; được bình đẳng về trách nhiệm tham gia và quyền lợi được hưởng trong khám bệnh chữa bệnh BHYT và tiếp cận các dịch vụ có liên quan.
Đoàn chủ tọa hội nghị.
Những năm qua, nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đã xác định rõ các phương hướng, nhiệm vụ và các mục tiêu cụ thể liên quan đến lĩnh vực BHYT. Bên cạnh đó, một số nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đều có các nội dung định hướng hoàn thiện pháp luật về BHYT. Đây là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để sửa đổi, bổ sung Luật BHYT. Các định hướng, chiến lược của Đảng và Quốc hội trong những năm qua cần phải được thể chế vào Luật để có hiệu lực pháp lý cao và bảo đảm các quyền, lợi ích của người dân liên quan đến BHYT.
Trên cơ sở đầy đủ lý luận và thực tiễn, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Trong quá trình xây dựng, Bộ Y tế đã phối hợp với Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan rà soát và thống nhất hoàn thiện hồ sơ theo hướng tập trung sửa đổi, bổ sung tối đa một số vấn đề vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, một số vấn đề đã có đầy đủ thông tin, dữ liệu và đạt được sự đồng thuận cao, cập nhật, pháp điển hóa một số nội dung đã được quy định tại các văn bản pháp luật có liên quan.
Ngày 22/8/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và biểu quyết thông qua việc bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) theo quy trình tại một kỳ họp dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Sau cuộc họp, Bộ Y tế đã tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật để bổ sung, hoàn thiện các báo cáo, xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các nội dung thực sự cần thiết, cấp bách, đã rõ, có sự đồng thuận cao, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với các quy định của Luật Khám chữa bệnh (KCB), Luật BHXH và tháo gỡ những bất cập, vướng mắc, khó khăn đã được tổng kết qua thực tiễn, nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị cùng thảo luận và tham gia đóng góp ý kiến để để Bộ Y tế tổng hợp hoàn thiện hồ sơ và dự thảo chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT trình Quốc hội cho phù hợp với thực tiễn, góp phần thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước, bảo đảm quyền, lợi ích của người tham gia BHYT đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ KCB BHYT và sử dụng an toàn, hiệu quả Quỹ BHYT.
Bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế phát biểu.
Đảm bảo sự bền vững của quỹ BHYT.
Tại hội nghị, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) đã trình bày khái quát dự thảo chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT và Kế hoạch xây dựng Dự thảo Luật. Theo đó, mục tiêu của sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT nhằm giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt sự đồng thuận cao nhằm thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHYT. Đồng thời, tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT; bảo đảm thống nhất với Luật Khám chữa bệnh số 15/2023/QH15 và các luật, quy định có liên quan, kịp thời có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
“Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật BHYT được thông qua sẽ góp phần bảo đảm người dân được tham gia BHYT theo nhóm đối tượng phù hợp và bảo đảm quyền lợi BHYT phù hợp với nhu cầu của người dân trong CSSK, yêu cầu chuyên môn và khả năng chi trả của quỹ BHYT. Tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ KCB BHYT; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến CSSK ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành có liên quan tới BHYT, kịp thời trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2025”- bà Trần Thị Trang cho biết.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, đại diện Bộ Quốc phòng, BHXH Việt Nam, Sở Y tế các tỉnh, thành phố đã thảo luận, góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT. Các ý kiến, tham luận tập trung vào các lĩnh vực: Đối tượng tham gia BHYT; phạm vi được hưởng BHYT; đăng ký KCB BHYT ban đầu, thông tuyến, chuyển tuyến; mức đóng BHYT; quản lý sử dụng quỹ BHYT; tên gọi của cơ sở KCB; hợp đồng KCB BHYT; giám định BHYT; quản lý, trách nhiệm của các bên có liên quan trong thực hiện chính sách BHYT; chưa có cơ chế giải quyết tranh chấp, vướng mắc về BHYT, các chế tài còn thiếu hoặc chưa đủ mạnh để bảo đảm tính tuân thủ và hiệu lực thực thi pháp luật…/.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT