Bộ y tế
Bộ Y tế thiết lập Trung tâm hồi sức tại Bình Dương, hỗ trợ nhân lực đẩy nhanh tiêm chủng
30/07/2021 - 185
Tại buổi làm việc với Bình Dương về công tác phòng chống dịch COVID-19, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh tỉnh cần thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16 và test nhanh để “đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt”. Bộ Y tế sẽ thiết lập Trung tâm hồi sức tại Bình Dương, hỗ trợ nhân lực đẩy nhanh tiêm chủng của tỉnh.
Đoàn công tác của Bộ Y tế do GS.TS Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh vào chiều ngày 29/7.
Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn – Trưởng Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh miền Đông Nam Bộ phòng chống dịch COVID-19.
Về phía tỉnh Bình Dương làm việc với đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư Tỉnh ủy, ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chủ trì buổi làm việc
Nâng cao năng lực xét nghiệm lên từ 100.000- 300.000 mẫu gộp/ngày
Báo cáo tại buổi làm việc, đại diện tỉnh Bình Dương cho biết tính đến chiều ngày 29/7, trong đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương đã ghi nhận 9.946 ca mắc COVID-19, trong đó: 2.479 ca bệnh phát hiện qua khám tại cơ sở y tế, 1.442 ca bệnh phát hiện trong khu phong toả, 4.831 ca bệnh phát hiện trong khu cách ly, 1.143 ca bệnh trong cộng đồng (chợ, khu không phong tỏa) và 5 ca phát hiện tại chốt kiểm dịch y tế.
Tỉnh Bình Dương hiện có 12 khu điều trị bệnh nhân COVID-19 với 5.019 ca mắc COVID-19 đang được điều trị (các bệnh nhân mới phát hiện đang được điều phối sang các khu điều trị và một số người nhiễm không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời), có 107 người có diễn biến nặng; 712 bệnh nhân khỏi bệnh.
Công tác điều trị COVID-19 hiện nay của tỉnh theo mô hình tháp 3 tầng. Người nhiễm COVID-19 không có triệu chứng (chiếm khoảng 80%) được bố trí ở các khu cách ly tập trung có điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo, có đủ thầy thuốc và các xét nghiệm cơ bản tối thiểu, có máy chụp XQ di động. Những trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng được theo dõi sát sao, nếu có triệu chứng sẽ chuyển tuyến.
Các bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được điều trị tại các TTYT tuyến huyện.
Những bệnh nhân có triệu chứng nặng được chuyển tới BVĐK tỉnh Bình Dương (hiện có 200 giường ICU) để điều trị.
Đại diện tỉnh Bình Dương cũng cho biết, tỉnh Bình Dương đã có kế hoạch xây dựng 20.000 giường bệnh.
Hiện tỉnh đang đẩy mạnh hình thành 3 trung tâm xét nghiệm bảo đảm xét nghiệm nhanh, trả kết quả trong vòng 24 giờ (năng lực xét nghiệm hiện tại khoảng 8.000 mẫu đơn/ngày; tương đương 80.000 mẫu gộp). Tỉnh đang nhanh chóng phối hơp với các đơn vị nâng cao năng lực lên 100.000- 300.000 mẫu/ngày.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lưu ý tỉnh Bình Dương thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16 và test nhanh để “đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt”
Tập trung tiêm vắc xin ở những “vùng đỏ” đã quét sạch F0
Tại buổi làm việc, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương mong muốn Bộ Y tế tiếp tục giúp Bình Dương về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, công tác xét nghiệm, quan tâm phân bổ vắc xin cho lực lượng công nhân lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng thông báo chiến lược tiêm vắc xin của tỉnh sẽ tập trung tiêm cho người dân ở “vùng đỏ” trong vòng 1 tuần sau khi đã quét F0. Tiếp đến sẽ tổ chức những điểm tiêm nhỏ đi đến các ngõ phố để tiêm và không giới hạn số lượng người tiêm vắc xin trong ngày.
Tỉnh chủ trương bảo vệ “vùng xanh” phía Bắc, do đó người dân từ “vùng đỏ” qua “vùng xanh” phải thực hiện cách ly theo quy định.
Tại buổi làm việc, các chuyên gia về điều trị, quản lý môi trường y tế và thành viên của Đoàn công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ các tỉnh miền Đông Nam Bộ phòng chống dịch COVID-19 đã có những trao đổi, hướng dẫn thêm về chuyên môn trong công tác phòng chống dịch của Bình Dương.
Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu đang cùng ekip chuyên gia của Bệnh viện hỗ trợ Bình Dương về điều trị cho rằng Bình Dương làm rất tốt công tác chăm sóc, điều trị các ca F0 nhẹ, không triệu chứng, tuy nhiên nhân lực y tế có trình độ chuyên môn còn thiếu. Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế đang quá tải và chịu áp lực rất lớn trong các khu điều trị bệnh nhân COVID-19. Tỉnh cần nhanh chóng mua sắm trang thiết bị, chuẩn bị thành lập Trung tâm hồi sức tích cực (ICU).
Thực hiện nghiêm giãn cách theo Chỉ thị 16 và test nhanh để “đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt”
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bày tỏ nhất trí với chiến lược phòng chống dịch của Bình Dương.
Tuy nhiên, điều đầu tiên Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý Bình Dương cần thực hiện nghiêm hơn nữa Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách càng mạnh, càng nghiêm thì chúng ta sẽ giảm được tốc độ lây lan dịch bệnh, nhất là đối với các khu đông dân cư.
Thời gian giãn cách của Bình Dương có thể sẽ dài hơn 2 tuần và “thành hay bại” là ở chỗ tỉnh có tận dụng tốt hay không “thời gian vàng” để thực hiện xét nghiệm, dập dịch. Do đó, tỉnh cần huy động lực lượng thực hiện nghiêm giãn cách và kêu gọi người dân thực hiện nghiêm Chỉ thị 16.
Thứ hai, Bình Dương còn có cơ hội để cắt đứt nguồn lây, do vậy tỉnh cần kết hợp nhuần nhuyễn giữa Chỉ thị 16 và test nhanh để “đưa F0 ra khỏi cộng đồng càng nhanh càng tốt” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói đồng thời lưu ý tỉnh tiếp tục truy vết vùng đỏ và quyét liên tục vùng này với tần suất dày hơn, giảm mật độ tiếp xúc ở những khu vực tập trung đông người.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cùng Đoàn khảo sát của Bộ Y tế đi khảo sát Xưởng khởi nghiệp Trường Đại học Quốc tế miền Đông
Bộ Y tế thiết lập Trung tâm hồi sức tại Bình Dương
Thứ ba, về công tác điều trị, sau khi lắng nghe phân tích của chuyên gia Đoàn công tác của Bộ Y tế, Bộ trưởng Nhuyễn Thanh Long chia sẻ: Vấn đề Bộ Y tế đang quan tâm hiện nay ở Bình Dương là công tác hồi sức tích cực.
Hiện Bình Dương có 80 - 85% ca F0 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ, do đó khi xây dựng tầng 1 khu điều trị cần có thêm phần cung cấp oxy nữa thì giải quyết được 80% F0 nhẹ.
Ở tầng 1 khu điều trị, khuyến khích hình thức tự chăm sóc sức khỏe không cần nhiều bác sĩ, y tá, nên dành lực lượng cho tầng 2 và tầng 3.
Ở tầng 2 (khu điều trị ở các cơ sở y tế với bệnh nhân nhẹ và trung bình) không được phép để thiếu hụt oxy. Tỉnh cần đầu tư bồn oxy và hệ thống oxy trung tâm. Làm tốt điều trị ở tầng 2 sẽ giảm bớt bệnh nhân phải chuyển lên tầng 3.
Ở tầng 3 là khu điều trị bệnh nhân nặng, được theo dõi qua hệ thống monitor và camera.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực (ICU) tại Bình Dương và giao PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu làm giám đốc.
“Chúng tôi sẽ điều chuyên gia y tế đến, tuy nhiên tỉnh cũng phải nhanh chóng lên kế hoạch điều động nhân lực để, mua sắm trang thiết bị để cùng Bộ Y tế thiết lập ngay Trung tâm này”- Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng thông tin Bộ Y tế sẽ thành lập 8 đơn vị hồi sức tích cực tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, trong đó Bình Dương sẽ thiết lập 1 trung tâm (yêu cầu cần có 200 máy thở). Nếu công tác điều trị được làm tốt ở cả 3 tầng thì tỉ lệ ca bệnh chuyển nặng và tử vong sẽ giảm đáng kể.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng
Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại cuộc làm việc
“Chiến lược tiêm chủng vắc xin của tỉnh tập trung đánh vào “vùng đỏ” trước, tôi cho rằng đây là cách làm rất sáng tạo và Bộ Y tế đánh giá cao chiến lược này”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm, để đẩy nhanh thêm tiến độ tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho Bình Dương, Bộ Y tế sẽ điều động thêm nhân lực đến hỗ trợ tỉnh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Bí thư tỉnh uỷ Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã tiếp thu những ý kiến đóng góp của Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của Bình Dương, đồng thời khẳng định Bình Dương sẽ cùng với Bộ Y tế hoàn chỉnh Trung tâm ICU trong thời gian sớm nhất.
Sau cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đi khảo sát Xưởng khởi nghiệp Trường Đại học Quốc tế miền Đông (Thành phố mới Bình Dương), nơi dự kiến xây dựng Trung tâm ICU với quy mô 500 giường.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT