Ngày 06/3/2021, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch tiêm chủng vaccin COVID-19 với hơn 700 điểm cầu trên toàn quốc. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế; Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên; Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn; lãnh đạo, chuyên gia các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ; Viện, Bệnh viện trực thuộc Bộ… ; các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; các tổ chức quốc tế WHO, UNICEF…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, GS. TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh khẳng định việc tiêm vaccine không bảo đảm phòng bệnh 100%. Theo thông tin của nhà sản xuất thì vaccine của Pfizer có hiệu quả bảo vệ trên 90%, vaccine AstraZeneca là 76% mũi 1, 81% mũi 2. Vaccine COVID-19 là vaccine được phát triển, sản xuất và đưa vào sử dụng nhanh nhất. Vì vậy thời gian để theo dõi toàn bộ tiến trình thử nghiệm lâm sàng, đánh giá về hiệu quả cũng chưa đủ dài nên những khẳng định của nhà sản xuất, cơ quan nghiên cứu ở một số vaccine, thời gian bảo vệ có khác nhau. Có thể có có những tai biến không mong muốn xảy ra, nhưng không thể vì thế mà không tiêm chủng. Lợi ích của tiêm vaccine là rất rõ ràng và quan trọng trong việc bảo vệ bản thân, cộng động và trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 24/02/2021, hơn 117.600 liều vaccine AstraZeneca đã về tới Việt Nam, Bộ Y tế đã làm việc với phía nhà sản xuất tại Hàn Quốc, hiện đã có giấy kiểm định chất lượng lô vaccine xuất xưởng. Bộ Y tế cũng đã giao một đơn vị kiểm nghiệm lô vaccine này, đến nay đã đủ điều kiện tiêm cho người dân Việt Nam, Bộ Trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết.
Ngày 08/3/2021 những liều vaccine đầu tiên sẽ được tiêm cho người dân Việt Nam theo đúng tinh thần Nghị quyết 21 ngày 26/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Ưu tiên những người trực tiếp tham gia quá trình điều trị bệnh nhân tại các cơ sở đang điều trị bệnh nhân COVID-19; các đối tượng theo Nghị quyết 21, 13 tỉnh có dịch, trong đó tập trung nhất cho Hải Dương… Những người đã tiêm chủng sẽ được quản lý, theo dõi bằng hồ sơ sức khoẻ điện tử.
Bộ Y tế đang tích cực phối hợp và đề nghị COVAX chuyển sớm vaccine về Việt Nam. Đồng chí Bộ trưởng hy vọng tháng 3 lượng vaccine về dồi dào, hơn khoảng 1,3 triệu liều, đến tháng 4-5 nguồn cung sẽ tăng lên. Trong tháng 3, lượng vaccine chưa nhiều, người dân cần hết sức bình tĩnh, khi có những lô tiếp theo ngành y tế sẽ tiêm ngay.
Các đơn vị tham gia Hội nghị trực tuyến
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt lưu ý: Đây là loại vaccine phòng COVID-19 lần đầu sử dụng, theo nguyên tắc đảm bảo an toàn tối đa nhất cho người dân. Vì thế, Bộ Y tế trong thời gian qua đã tích cực trao đổi, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn để tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm và chiến dịch tiêm một cách an toàn nhất. Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng thực hiện tốt sàng lọc trước tiêm để đảm bảo an toàn tiêm chủng ở mức cao nhất.
Bên cạnh việc tiêm vaccine phòng COVID-19, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng dịch, thực hiện nghiêm yêu cầu "5K", đặc biệt là đeo khẩu trang, không tụ tập đông người và thực hiện nghiêm các hướng dẫn phòng, chống dịch tại công sở, cơ quan, nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn khi làm việc...
Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Đặng Quang Tấn phổ biến kế hoạch triển khai tiêm chủng vaccin phòng COVID-19 giai đoạn 2021 - 2022
Ngày 05/3/2021, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022. Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên toàn quốc, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng này, tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vaccine, bảo đảm tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân. Đây là căn cứ để các địa phương xây dựng kế hoạch và thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19. Kế hoạch này sẽ được cập nhật theo tình hình và khả năng cung ứng vaccine.
Đối tượng triển khai là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, gồm: người làm việc trong các cơ sở y tế; người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên...); quân đội; công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao nước ngoài của Việt Nam được cử đi nước ngoài; hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch; cung cấp dịch vụ điện, nước...; giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mãn tính, người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; các đối tượng khác do Bộ Y tế quyết định căn cứ yêu cầu phòng chống dịch.
Phạm vi triển khai sẽ ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng trên tại các tỉnh, thành phố đang có dịch; trong tỉnh, thành phố ưu tiên tiêm chủng trước cho các đối tượng ở vùng đang có dịch; tỉnh, thành phố có các đô thị lớn, có mật độ dân số cao, có nhiều khu công nghiệp; tỉnh, thành phố có đầu mối giao thông quan trọng.
Hình thức triển khai: tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.
Lộ trình triển khai:
Đợt 1: Nguồn vaccine mua của Tập đoàn AstraZeneca với số lượng 117.600 liều cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch, bao gồm: nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19; người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ covid dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm); quân đội, công an.
Phạm vi triển khai: tại 13 tỉnh, thành phố hiện đang có dịch bao gồm: TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Bình Dương, Điện Biên và Hà Giang.
Thời gian triển khai: tháng 3 - 4/2021.
Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vaccine thực tế. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể theo từng đợt.
Ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố chịu trách nhiệm bố trí kinh phí và chỉ đạo việc tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương.
Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã tập huấn đối với tất cả các đơn vị tiêm chủng trên toàn quốc trong vấn đề tiếp nhận, sử dụng, xử lý tai biến sau tiêm… Tài liệu Kế hoạch tiêm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2021 – 2022; Hướng dẫn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; An toàn tiêm chủng; Phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ ;Sổ sức khỏe điện tử; Truyền thông tiêm chủng./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT