zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Cần quan tâm hơn về hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở

29/04/2022 - 220

 

Đó là thông tin được đưa ra tại cuộc họp về hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên và Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đồng chủ trì vào sáng 29/4/2022.

Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế; Bệnh viện và các đơn vị liên quan.

Quang cảnh cuộc họp về hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại tuyến y tế cơ sở do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đồng chủ trì

Báo cáo tại cuộc họp cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật kép, trong khi dịch bệnh COVID 19 diễn biến phức tạp thì gánh nặng bệnh tật và tử vong do các bệnh không lây nhiễm (BKLN) chủ yếu gồm bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh hô hấp mạn tính đang gia tăng nhanh.

Các BKLN đang là nguyên nhân tử vong hàng đầu, lớn hơn tất cả các nguyên nhân tử vong khác cộng lại. Năm 2019, ước tính có 592.000 ca tử vong do các BKLN, chiếm 81,4% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong đó chủ yếu là tử vong do các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh hô hấp mạn tính, chiếm 66,2% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân. Trong số tử vong do các BKLN tại Việt Nam có 41,5% tử vong sớm xảy ra trước tuổi 70.

Tỷ lệ hiện mắc các BKLN phổ biến cũng đã tăng nhanh qua các năm và số người hiện mắc bệnh trong cộng đồng hiện tại rất lớn. Số liệu điều tra cho thấy tỷ lệ hiện mắc tăng huyết áp ở người trưởng thành năm 2021 là 26,2%, tương đương với khoảng 17 triệu người; tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường/tăng đường huyết ở người trưởng thành là 7,06%, tương đương với 4,6 triệu người. Đối với ung thư, theo số liệu công bố của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), ước tính năm 2020 Việt Nam có 182.500 ca mắc mới ung thư. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới là ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng và tiền liệt tuyến. Những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày và gan. Ước tính từ một nghiên cứu dịch tễ học, tỷ lệ mắc COPD trong cộng đồng dân cư từ 40 tuổi trở lên là 4,2%.

Tại Việt Nam năm 2019, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm đang chiếm tới 73,7% tổng gánh nặng bệnh tật và tử vong toàn quốc (tính bằng DALY), trong đó bệnh tim mạch chiếm 20,5%, ung thư 13,3%, bệnh hô hấp mạn tính 4% và đái tháo đường chiếm 3,9% tổng gánh nặng bệnh tật. Các rối loạn tâm thần kinh (bao gồm rối loạn tâm thần, động kinh, sa sút trí tuệ...) chiếm 5,3% tổng số tử vong và gây ra gánh nặng bệnh tật rất lớn, chiếm tới 9,8% tổng số DALY do mọi nguyên nhân…

Báo cáo kết quả triển khai quản lý bệnh tại tuyến y tế cơ sở hoạt động phòng, chống bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và hen phế quản (BPTNMT&HPQ) năm 2016 – 2020 theo mục tiêu của Quyết định 1125/QĐ-TTg của Bệnh viện Bạch Mai cho biết:  tỷ lệ người BPTNMT&HPQ được phát hiện ở giai đoạn sớm trước khi có biến chứng đạt 35%; tỷ lệ người BPTNMT&HPQ được phát hiện được điều trị theo hướng dẫn chuyên môn đạt 39,3%; tỷ lệ hen phế quản (HPQ) được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớn trước khi có biến chứng đạt 37,41%; tỷ lệ người HPQ được điều trị kiểm soát hen đạt 88,33%; tỷ lệ người HPQ được điều trị đạt kiểm soát hen hoàn toàn đạt 61,06%. Hiện có 245 phòng quản lý BPTNMT&HPQ trên cả nước, 106 phòng quản lý tuyến tỉnh; 139 phòng quản lý tuyến huyện; 2.264 trạm y tế xã/ phường có hoạt động dự phòng BPTNMT&HPQ…

Báo cáo kết quả triển khai hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường, quản lý bệnh đái tháo đường tại tuyến cơ sở của Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, năm 2020 Bệnh viện phối hợp với các đơn vị mạng lưới trên cả nước tổ chức điều tra tỷ lệ đái tháo đường lứa tuổi 30 - 69 tỷ lệ là 7,3%, đạt mục tiêu là dưới 10%; tỷ lệ tiền đái tháo đường là 17,8%...Bệnh viện đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hoạt động phòng, chống bệnh đái tháo đường. Đồng thời có các công văn hướng dẫn các hoạt đông chuyên môn cho 63 đơn vị mạng lưới trên cả nước, để xây dựng kế hoạch trên Bệnh viện cũng đã thực hiện theo các Quyết định của Bộ Y tế như Quyết định số 4299/QĐ-BYT ngày 09/8/2016 quyết định phê duyệt Dự án chủ động dự phòng phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị các bệnh không lây nhiễm giai đoạn 2016 - 2020, Quyết định số 1125/QĐ-TTG ngày 21/7/2017 Phê duyệt chương trình mục tiêu Y tế Dân số giai đoạn 2016 – 2020 và các Quyết định hàng năm của Bộ Y tế. Trên cơ sở đó các đơn vị tuyến tỉnh xây dựng kế hoạch hoạt động phòng chống bệnh đái tháo đường, quản lý bệnh đái tháo đường phù hợp.

Hoạt động bảo vệ sức khỏe Tâm thần tính đến cuối năm 2020, Bệnh viện Tâm thần Trung ương cho biết: 88% số xã/phường triển khai bệnh tâm thần phân liệt; 80% số xã/phường triển khai bệnh động kinh; 5% số xã/phường triển khai bệnh trầm cảm; 85% số bệnh nhân được điều trị ổn định trong số bệnh nhân được phát hiện và quản lý; Số bệnh nhân đang quản lý, điều trị, chăm sóc là: tâm thần phân liệt: 195,000 người; động kinh: 125,000 người; trầm cảm: 54,960 người. So với tỷ lệ mắc bệnh thì số bệnh nhân được quản lý điều trị còn rất thấp…

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị, các đại biểu từ cơ sở, địa phương, đơn vị thảo luận, đưa ra các giải pháp triển khai hiệu quả nhất theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 20/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống BKLN 2015-2025; Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu – Ban chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Quyết định 1092/QĐ-TTg ngày 02/9/2018 phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam; Quyết định số 155/QĐ-TTg ngày 29/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025 nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của tuyến y tế cơ sở, y tế dự phòng…

Đại diện các địa phương cũng đưa ra số khó khăn, thách thức như: sàng lọc, phát hiện sớm BKLN chủ yếu thông qua các chương trình, dự án, chưa thường xuyên, dựa vào NSNN nên rất hạn chế. Năm 2020-2021 tập trung phòng, chống dịch COVID-19 nên hoạt động sàng lọc rất hạn chế; Tỷ lệ người dân được khám sàng lọc còn thấp; Tỷ lệ phát hiện và quản lý điều trị chưa đáp ứng được yêu cầu; Hệ thống cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; Trình độ chuyên môn của cán bộ tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, phải kiêm nhiệm nhiều công việc, thay đổi; Do dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm qua hầu như không tổ chức tập huấn cho các đơn vị về BKLN…

Đã có tương đối đủ các quy định, hướng dẫn, tuy nhiên việc tổ chức triển khai tại các địa phương còn bất cập, chưa thống nhất

Nhiều địa phương áp dụng, thực hiện chưa thống nhất các hướng dẫn, quy định về danh mục kỹ thuật xét nghiệm, chứng chỉ hành nghề (Thông tư 39/2017/TT-BYT; Thông tư 49/2018/TT-BYT nên nhiều TYT chưa thực hiện xét nghiệm đường máu thanh toán BHYT, ảnh hưởng đến triển khai quản lý, điều trị ngoại trú đái đái tháo đường tại trạm y tế…

Một số quy trình, hướng dẫn về sàng lọc, phát hiện sớm đối với một số bệnh không lây nhiễm còn chưa đầy đủ; chưa có các hướng dẫn về kê đơn dinh dưỡng và vận động thể lực cho người bệnh, hướng dẫn tư vấn và trị liệu tâm lý cho người bệnh ung thư …

Hình ảnh bệnh nhân của khoa uống thuốc Bệnh viện Tâm thần Bến Tre

Đối với chăm sóc sức khỏe tâm thần, mạng lưới CSSK tâm thần còn thiếu, mỏng và yếu, nhiều tỉnh không có cơ sở y tế điều trị nội trú hoặc không đủ giường bệnh; hiện còn thiếu các hướng dẫn và các chương trình sàng lọc, phát hiện sớm các rối loạn tâm thần; tỷ lệ bệnh nhân rối loạn tâm thần được quản lý, cấp thuốc còn thấp và đang có chiều hướng giảm tại các xã, phường triển khai (do đang chuyển đổi từ việc cấp thuốc miễn phí của chương trình sang việc các địa phương tự bố trí kinh phí mua thuốc hoặc thuốc thanh toán qua BHYT…).

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn giao: Cục Y tế dự phòng, xây dựng “Đề án dự phòng, phát hiện và quản lý điều trị bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022-2025” làm cơ sở để bố trí kinh phí cho các hoạt động ở Trung ương; hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và bố trí kinh phí địa phương cho triển khai hoạt động tại địa phương;

Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh: rà soát, cập nhật, xây dựng các hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật trong các lĩnh vực: Hướng dẫn sàng lọc, phát hiện sớm các rối loạn tâm thần; Hướng dẫn về kê đơn dinh dưỡng và vận động thể lực cho người bệnh; Hướng dẫn tư vấn và trị liệu tâm lý cho người bệnh ung thư … Tổ chức đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, tập huấn lại cho các tuyến về công tác chuyên môn đặc biệt sau 2 năm y tế cơ sở tập trung toàn lực cho phòng, chống dịch COVID-19.

Giao Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch tài chính rà soát, hoàn thiện các quy định, chính sách về tài chính, bảo đảm điều kiện cho triển khai quản lý BKLN tại trạm y tế.

Giao các đơn vị thuộc Bộ Y tế phối hợp với các đơn vị liên quan: có giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động quản lý, cấp thuốc cho bệnh nhân tâm thần tại TTYT và tại cộng đồng khi chuyển đổi từ việc cấp thuốc miễn phí của chương trình sang việc các địa phương tự bố trí kinh phí mua thuốc hoặc thuốc thanh toán qua BHYT: xây dựng thông tư về quản lý bệnh tâm thần; quy định, hướng dẫn về đào tạo, cấp chứng chỉ…

Tăng cường công tác giám sát, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai quản lý BKLN (văn bản hướng dẫn, tổ chức đi kiểm tra, đôn đốc và hỗ trợ các địa phương; hướng dẫn đôn đốc các địa phương xây dựng Kế hoạch hoạt động).

Đối với các Sở Y tế, sớm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện hoạt động quản lý bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần tại địa phương; Chỉ đạo quyết liệt trung tâm y tế huyện để triển quản lý tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn tâm thần tại trung tâm y tế xã triển khai quản lý BKLN.

Riêng đối với hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần giao Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Pháp chế, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Viện Pháp y phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng chương trình, đề án trình lãnh đạo Bộ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.