Bộ y tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp thứ 27 của UBTVQH: Tập trung cho ý kiến sâu sắc, đảm bảo chất lượng, sát hợp thực tế và tính khả thi cao
11/10/2023 - 162
Sáng 11/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 27. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp sẽ kéo dài trong 5 ngày để cho ý kiến về 16 nội dung quan trọng và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, cho ý kiến sâu vào các tờ trình, các báo cáo để đảm bảo chất lượng, sát hợp với thực tế và có tính khả thi cao.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 27
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp này của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến thì kéo dài trong 5 ngày và tập trung vào 16 nhóm nội dung quan trọng.
Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến đối với 12 nội dung phải chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.
Thứ nhất là các báo cáo của Chính phủ về thực hiện tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp
Thứ hai là các báo cáo của Chính phủ về vấn đề tài chính ngân sách bao gồm: tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024 (trong đó có tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, lộ trình và các phương án để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và các Nghị quyết của Quốc hội dự kiến tiến hành từ 01/7/2024); đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 – 2025; đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại phiên này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến để trình với Quốc hội không chỉ về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách của năm, đồng thời là dịp đánh giá giữa nhiệm kỳ thì hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm, Kế hoạch vay trả nợ công, Kế hoạch đầu tư công trung hạn đều là những nội dung lớn và rất quan trọng.
Chủ tịch Quốc hội cho biết tại phiên họp này Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến vào 16 nhóm nội dung quan trọng
Cho biết vừa qua Hội nghị Trung ương 8 vừa mới kết thúc đã cho ý kiến về các nội dung trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở ý kiến, kết luận của Trung ương đối với những vấn đề có liên quan, đặc biệt Diễn đàn Kinh tế - Xã hội năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu cho ý kiến sâu vào các tờ trình, các báo cáo theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 là “phải đảm bảo chất lượng, sát hợp với thực tế và có tính khả thi cao”, để một bước chuẩn bị để trình cho Quốc hội thảo luận, xem xét, quyết định các nội dung rất quan trọng này.
Thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; Kết quả tiếp công dân xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023.
Thứ tư là báo cáo của Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2023, trong đó, tổng hợp cả nội dung báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
Thứ năm là tham gia ý kiến về Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo quy định và thông lệ tại phiên khai mạc kỳ họp cuối năm thì ngay trong ngày khai mạc đầu tiên,các báo cáo trên đây sẽ được trình bày trước Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng để tham gia ý kiến cụ thể, làm cơ sở cho Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chính phủ và Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở nghiên cứu để hoàn thiện có chất lượng cao nhất và đảm bảo là phản ảnh một cách đầy đủ, khái quát, trung thực các ý kiến phản ánh và nguyện vọng của Nhân dân và cử tri cả nước về những vấn đề lớn mà phải báo cáo với Quốc hội.
Thứ sáu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, đây là vấn đề này đã được nêu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV để báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Trên cơ sở báo cáo này mới xác định những gì chồng chéo, vướng mắc liên quan cụ thể đến luật nào, nghị định, thông tư nào và trách nhiệm của từng cấp. Những vấn đề liên quan đến thẩm quyền của Quốc hội thì Quốc hội xem xét để giải quyết. Vấn đề liên quan đến trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành thì các cơ quan phải xem xét giải quyết.
Các đại biểu, khách mời tham dự phiên họp
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, để thực hiện công việc này, Chính phủ đã thành lập Tổ công tác chuyên ngành do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã làm Tổ trưởng. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã thành lập Tổ công tác do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định làm Tổ trưởng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị phát huy kết quả nghiên cứu, giám sát và nghiên cứu độc lập của các cơ quan của Quốc hội và Tổ công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở báo cáo của Chính phủ để cho ý kiến. Dự kiến tại kỳ họp, đây là nội dung sẽ cùng thảo luận với tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và tài chính ngân sách để có định hướng trong thời gian tới để tiếp tục làm công tác này. Chủ tịch Quốc hội làm rõ thêm, tại kỳ họp này sẽ chưa thể nói là sửa luật này hay luật kia mà phải thực hiện theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Tờ trình của Chính phủ về kết quả thực hiện, khó khăn vướng mắc trong triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021-2023 và đề xuất giải pháp, cơ chế đặc thù tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại hai phiên họp trước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về kết quả giám sát đối với việc triển khai 03 chương trình mục tiêu quốc gia nhưng đến nay Chính phủ mới trình báo cáo này. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí thời gian để cho ý kiến về những kiến nghị, đề xuất để xem xét đưa vào nội dung của Nghị quyết giám sát chuyên đề.
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, Trung ương đã thảo luận và đã kết luận đồng ý về việc cho phép triển khai thí điểm việc khoán kinh phí của 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn cấp huyện là giao cho địa phương để tăng cường chủ động trong công tác điều hành. Đối với những nội dung liên quan đến quy phạm pháp luật nếu thấy cần thiết, cấp bách và đã đủ chín, đủ rõ mới đưa vào trong nghị quyết giám sát chuyên đề, đồng thời phải hoàn thiện lại báo cáo kết quả giám sát để trình với Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thứ tám, cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thứ chín, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham dự phiên họp
Mười là, cho ý kiến về công tác chuẩn bị lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn tại Kỳ họp thứ 6.
Mười một, cho ý kiến lần thứ hai đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Đây là nội dung được cho ý kiến cùng với việc ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Chủ tịch Quốc hội lưu ý đây là hết sức quan trọng, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét kỹ lưỡng điều kiện để đưa vào chương trình kỳ họp và trình Quốc hội ban hành nghị quyết ngay tại kỳ họp này chưa?
Mười hai, trên cơ sở xem xét toàn diện công tác chuẩn bị và các nội dung trình Quốc hội, sau khi tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến lần cuối cùng về chương trình nội dung Kỳ họp thứ 6 để trình Quốc hội xem xét, biểu quyết thông qua tại phiên họp trù bị.
Nhóm vấn đề thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét 4 nội dung theo thẩm quyền.
Một là, tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021”. Hai là, cho ý kiến phương án phân bổ, sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2022 và nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 đã bố trí cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn dư. Ba là, việc bổ sung dự toán thu chi vốn viện trợ nước ngoài năm 2023 của tỉnh Quảng Bình. Bốn là, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, độ khó cao, thời gian gấp rút. Thời gian phiên họp khoản 5 ngày, đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phát huy tinh thần các phiên họp trước để cho ý kiến vào các nội dung và đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Kiểm toán Nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí tham dự nội dung họp để bảo đảm chất lượng phiên họp là tốt nhất. Đồng thời, đề nghị Tổng Thư ký Quốc hội sớm ban hành các thông báo kết luận nội dung để cho các cơ quan, tổ chức hữu quan này có cơ sở để tổ chức thực hiện.
Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Quốc hội
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT