Bộ y tế
Chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công vaccine phòng COVID-19
14/04/2021 - 178
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động; tích cực đàm phán, tìm kiếm các nguồn vaccine; tạo mọi điều kiện để thử nghiệm vaccine trong nước, chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bộ Y tế khẩn trương trình phương án cụ thể, rõ ràng về việc đàm phán mua các loại vaccine nước ngoài. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đây là những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 về kế hoạch mua, sử dụng vaccine phòng COVID-19; tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 trong nước, sáng 14/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.
Quyết liệt thực hiện phòng dịch chủ động
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh các nước biên giới như Lào, Thái Lan, Campuchia… diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Việt Nam. Do đó, đại diện Bộ Công an đề xuất cần siết chặt công tác xuất nhập cảnh với 2 đối tượng: Nhập cảnh hợp pháp (trong đó, chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp); đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp qua đường mòn, lối mở, đường biên…; xử lý hình sự tất cả trường hợp phát hiện nhập cảnh trái phép.
Đồng quan điểm tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh, đại diện Bộ Quốc phòng kêu gọi, cộng đồng tiếp tục vận động gia đình có người thân ở nước ngoài tuân thủ công tác phòng chống dịch nước sở tại, trong trường hợp có nguyện vọng, cam kết trở về nước hợp pháp. Đồng thời, người dân chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện người về từ vùng dịch hoặc từ nước ngoài về không khai báo theo quy định.
Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch chủ động – thực hiện nghiêm thông điệp 5K, có vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt vấn đề đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng, tập trung đông người… Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tự cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (bên trái): Đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vaccine. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đua tranh khốc liệt trong tìm kiếm nguồn vaccine
Liên quan đến kế hoạch mua, sử dụng vaccine phòng COVID-19, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp tiêm vaccine chặt chẽ, từ công tác tập huấn tiêm đến khi tiêm xong, người tiêm được theo dõi sức khỏe liên tục để đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm. Đại diện Bộ Y tế khẳng định, đến nay, vaccine AstraZeneca vẫn đảm bảo an toàn nên sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm theo thứ tự ưu tiên, thực hiện nghiêm Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine phòng COVID-19.
Trước những quan điểm khác nhau về vaccine ngừa COVID-19, đại diện Bộ Y tế khẳng định, thế giới đang có hiện tượng vaccine cung cấp không đủ mua, đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt”. Do đó, Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vaccine ngừa COVID-19 sớm nhất.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vaccine, thậm chí“phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vaccine”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình phương án cụ thể, rõ ràng về việc đàm phán mua các loại vaccine nước ngoài, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT khẩn trương thẩm định, trình Chính phủ.
Chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công
Báo cáo về tình hình sản xuất vaccine trong nước, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 15/4 tới sẽ kết thúc việc lấy mẫu máu người tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 của vaccnien Nano Covax tại 2 điểm nghiên cứu: Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng); Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Dự kiến đầu tháng 5/2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3.
Về sức khỏe sau khi tiêm của 554 tình nguyện viên (6 tình nguyện viên rút khỏi đợt thử nghiệp), Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau khi tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vaccine ngừa COVID-19 Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của các tình nguyện viên đều ổn định, vaccine Nano Covax an toàn với người được tiêm, kháng thể tăng cao, khả năng trung hòa virus tốt.
“Nên ủng hộ, hỗ trợ nhiều hơn nữa quá trình nghiên cứu, sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trong nước”, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết nhấn mạnh.
Với dân số 100 triệu người, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị (không kể đơn vị sự nghiệp, DN nhà nước hay tư nhân) thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng COVID-19 , và chuẩn bị phương án đầu tư, sản xuất nếu thử nghiệm thành công.
Đối với việc kiểm soát người nhập cảnh trong khi đợi chính sách về hộ chiếu vaccine, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề nghị phải tiếp tục siết chặt bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang tăng trở lại; tiếp tục thực hiện cơ chế tổ công tác gồm 5 bộ (Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, GTVT) trong điều phối các chuyến bay đưa các đối tượng chuyên gia người nước ngoài, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam, và xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên vào nhập cảnh./.
Nguồn: Chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT