Bộ y tế
Công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính
14/09/2024 - 97
Toàn cảnh cuộc họp
Chiều ngày 13/9/2024, tại trụ sở Bộ Y tế đã diễn ra cuộc họp về công tác kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính. Cuộc họp diễn ra dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến với dự tham dự của đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, một số bệnh viện Trung ương, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam (WHO). Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chủ trì cuộc họp.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Nguyễn Trọng Khoa báo cáo tyaij cuộc họp
Báo cáo của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ về việc giải quyết Công văn số 1748/BHXH-CSYT ngày 11/6/2024 của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính và công văn số 2685/SYT-QLBHYTCNTT ngày 18/6/2024 của Sở Y tế thành phố Hà Nội đề nghị triển khai thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú 02 tháng đối với một số bệnh mạn tính tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, ngày 20/6/2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức cuộc họp xin ý kiến các cơ quan, đơn vị, hội y khoa liên quan đối với đề nghị của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và của Sở Y tế thành phố Hà Nội.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh có công văn số 1197/KCB-NV ngày 23/07/2024 đánh giá thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 Quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc. Hiện tại, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đang triển khai tổng hợp ý kiến của các đơn vị để xây dựng báo cáo thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT.
Tính đến ngày 16/08/2024, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhận được báo cáo đánh giá thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT của 1.288 đơn vị, bao gồm: 19 Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, 37/63 Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 1.037 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Sở Y tế (gồm bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế, trạm y tế xã), 19 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bộ/ngành, 176 cơ sở tư nhân. Đa số đơn vị báo cáo triển khai thực hiện Thông tư 52/2017/TT-BYT theo quy định nhưng trong quá trình triển khai có một số vướng mắc đề xuất cần điều chỉnh. Tổng hợp ý kiến có tới 1.191/1288 đơn vị tham gia góp ý đồng ý giữ nguyên nội dung quy định tại Thông tư 52/2017/TT-BYT.
Một số nội dung đề xuất điều chỉnh chủ yếu: Điều chỉnh thời gian kê đơn thuốc ngoại trú tối đa đối với một số bệnh mạn tính; cập nhật quy định về phân cấp chuyên môn kỹ thuật theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023; một số vướng mắc liên quan đến triển khai kê đơn thuốc điện tử; nội dung về in và lưu trữ đơn thuốc khi ứng dụng kê đơn thuốc điện tử.
Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và Hội đồng tư vấn xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú (theo Quyết định số 2497/QĐ-BYT ngày 22/08/2024).
Các đại biểu tham dự thảo luận về các vấn đề liên quan đến hoạt động kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến hoạt động kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính. Đa phần đều đồng tình với việc kéo dài thời gian kê đơn thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính như dự thảo của Thông tư. Bên cạnh đó cũng có một số ý kiến như kê đơn dài hơn 30 ngày đối với một số bệnh điều trị dài ngày cần có đánh giá cụ thể về vấn đề kiểm soát điều trị, những biến chứng có thể xảy ra, những tác động của việc điều chỉnh đối với các bệnh nhân bị bệnh mạn tính, với một số bệnh đặc thù không thể kê đơn thuốc quá 30 ngày thì sẽ có hướng xử lý như thế nào?
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đồng ý về mặt chủ trương thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày và giao thẩm quyền cho người đứng đầu các bệnh viện. Cụ thể thời gian như thế nào sẽ tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác. Tóm lại, cần phải dựa vào đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cần có đề xuất cụ thể, lựa chọn các bệnh viện phù hợp đưa vào thí điểm để dựa vào đó các Giám đốc bệnh viện sẽ ban hành danh mục thí điểm cho từng đơn vị. Thời gian thí điểm là 6 tháng bắt đầu từ ngày 01/10/2024 đến hết tháng 3/2025. Sau đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh sẽ đánh giá, tổng kết, đề xuất và chúng ta sẽ chính thức đưa vào Thông tư một cách phù hợp.
Trong khi chờ thí điểm, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tiếp tục hoàn thiện thông tư, xin ý kiến các đơn vị về dự thảo Thông tư. Sau khi có đủ thông tin góp ý, sẽ triển khai các hội nghị, hội thảo hoàn thiện Thông tư, đánh giá hiệu quả hoạt động thí điểm kéo dài thời gian kê đơn thuốc ngoại trú các loại bệnh mạn tính, đặc biệt lưu ý tới hiệu quả của hoạt động điều trị với các mặt bệnh đặc thù (lao, HIV…) với sự phối hợp của giám đốc các bệnh viện./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT