Theo Cục quản lý Khám, chữa bệnh, song song với việc chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, các bệnh viện còn phải đảm bảo công tác an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong 2 ngày 30 và 31/12, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp […]
Theo Cục quản lý Khám, chữa bệnh, song song với việc chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, các bệnh viện còn phải đảm bảo công tác an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Trong 2 ngày 30 và 31/12, Cục quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo góp ý Hướng dẫn quốc gia an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa và phòng chống dịch trong bệnh viện tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Trước đó, hội thảo góp ý cũng được tổ chức tại Hà Nội, vào ngày 22/12.
Theo cảnh báo của WHO, nhiễm khuẩn bệnh viện ảnh hưởng tới 10% số người bệnh nhập viện; chẩn đoán chậm và không chính xác là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây tổn hại cho người bệnh và ảnh hưởng tới hàng triệu người bệnh.
Đã có hơn một triệu người bệnh tử vong do tai biến phẫu thuật mỗi năm…, trong khi sự cố được báo cáo chiếm 7-15% sự cố nghiêm trọng xảy ra.
Tiến sỹ Dương Huy Lương, Trưởng phòng Phòng Quản lý chất lượng và chỉ đạo tuyến, Cục quản lý Khám, chữa bệnh, cho biết trong cuộc chiến chống COVID-19, bệnh viện là nơi diễn ra các hoạt động y tế sàng lọc, phát hiện sớm cũng như xử trí các ca bệnh giúp ngăn chặn khống chế dịch bệnh.
Tuy vậy, việc nhiều người thường xuyên qua lại, trong đó có những người mang nguy cơ nhiễm bệnh và phát tán bệnh, dễ dàng có các tiếp xúc gần trong khi bệnh viện vẫn phải duy trì hoạt động liên tục kể cả vào thời kỳ“cách ly toàn xã hội” khiến cho đây là môi trường đặc biệt dịch dễ lây lan.
Hơn bao giờ hết, các cán bộ y tế phải lường trước tình huống dịch COVID-19 xuất hiện trong bệnh viện để tích cực chuẩn bị chủ động giám sát và kịp thời ứng phó.
Vì vậy, song song với việc chống dịch là nhiệm vụ hàng đầu, các bệnh viện còn phải đảm bảo công tác an toàn người bệnh, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Trong thời gian qua, các bệnh viện đã tích cực cải tiến chất lượng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế. Các công cụ, chính sách được ban hành đã được các bệnh viện đón nhận và triển khai áp dụng như Thông tư 19, Bộ 83 tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện, Thông tư số 43 năm 2018 về phòng ngừa, báo cáo sự cố y khoa… Các văn bản này đã định hướng giúp các bệnh viện phát triển tốt hơn.
Thực tế cho thấy, bệnh viện nào tích cực cải tiến chất lượng, bệnh viện đó được người bệnh, nhân viên y tế hài lòng hơn, thu nhập của nhân viên cao hơn, uy tín tăng cao hơn.
Trong tình hình có dịch COVID-19 thì an toàn bệnh viện phải đặt lên hàng đầu. Không an toàn chống dịch, bệnh viện sẽ phải đối mặt với nguy cơ đóng cửa, nhân viên y tế không có việc làm, người bệnh quay lưng…
Tại hội thảo, các đại biểu đã góp ý vào 3 nội dung quan trọng đó là dự thảo hướng dẫn quốc gia phòng ngừa sự cố y khoa triển khai thông tư 43/2018/TT-BYT; Hướng dẫn quốc gia về an toàn người bệnh xác định đúng người bệnh; Sổ tay hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19.
Trong nhiều năm qua, Cục quản lý Khám, chữa bệnh và các bệnh viện đẩy mạnh công tác quản lý an toàn người bệnh, phòng ngừa sự cố y khoa, thay đổi văn hóa báo cáo và giải quyết sự cố y khoa để không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và hài lòng người bệnh. Mục tiêu của công tác quản lý chất lượng là làm đúng ngay từ đầu, làm đúng các lần tiếp theo và cải tiến liên tục./.
Lê Hảo
Link tài liệu Hội nghị tại đây:
https://drive.google.com/drive/folders/1dHIc1ZzH-QW4R5XNmkygixD15IImex_Y
Nguồn: Cục Quản Lý Khám Chữa Bệnh BYT