Bộ y tế
Đẩy nhanh tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; Tập trung tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi nguy cơ cao, bệnh nền, béo phì
19/07/2022 - 180
Tiến độ tiêm vaccine COVID-19 bắt đầu tăng lên, trung bình gần đây khoảng gần 500.000 liều/ngày. Số mũi tiêm tăng chủ yếu là do tiêm mũi 4 tăng. Tuy nhiên vẫn còn khá nhiều người không đi tiêm mũi 3 và 4, tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi còn chậm, trong khi biến thể BA.4, BA.5 đã xâm nhập vào Việt Nam.
Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp thảo luận giải pháp về tăng tốc độ tiêm vaccine COVID-19 diễn ra chiều 18/7 tại Bộ Y tế kết nối đến các điểm cầu.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì cuộc họp với sự tham dự của các đơn vị liên quan trực thuộc Bộ và đại diện các chuyên gia nghiên cứu về y tế và truyền thông.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì cuộc họp thảo luận giải pháp về tăng tốc độ tiêm vaccine COVID-19 Ảnh: Trần Minh
Vì sao tiến độ tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4; tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi còn chậm?
Báo cáo của Cục Y tế dự phòng cho biết, đến ngày 17/7, cả nước đã tiêm 239 triệu liều vaccine COVID-19, trong đó tiêm mũi 1 và 2 cho người trên 18 tuổi cơ bản đạt 100%, mũi 3 khoảng 70%, mũi 4 là 46%;
Về tiêm cho trẻ em từ 12-17 tuổi, ghi nhận 8.679.535 trẻ tiêm đủ 2 mũi đạt 99,1%; Tiêm mũi 3 đạt 1.733.366 trẻ (19,8%);
Đối với nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi, tổng số mũi tiêm đến ngày 17/7 là 10.222.352 mũi, trong đó mũi 1 là 7.023.539 trẻ (61,4%); Mũi 2: 3.198.813 trẻ (27,9%).
So với hầu hết các quốc gia trên thế giới, Việt Nam là một trong những nước triển khai tiêm vaccine COVID-19 với quy mô rộng rãi, nhiều đối tượng, nhiều mũi tiêm (phần lớn các nước chỉ tiêm mũi 3 cho người từ 12 - dưới 18 tuổi có nguy cơ, tiêm mũi 4 cho người cao tuổi, người có suy giảm miễn, người bị bệnh nền, có nguy cơ nhiễm trùng cao và những người làm việc tại các cơ sở y tế) và đa dạng các loại vaccine.
Báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, tiến độ tiêm đã bắt đầu tăng lên, trung bình những ngày gần đây tiêm khoảng gần 500.000 liều/ ngày. Số mũi tiêm vaccine tăng chủ yếu là do tỷ lệ tiêm mũi 4 tăng. Một số tỉnh, thành có khu công nghiệp đã đề xuất phân bổ thêm vaccine, Viện đã phân bổ thêm khoảng 1,2 triệu liều. Tuy nhiên tiến độ tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi tại các địa phương còn chậm.
Về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn này nên tập trung cho những trẻ em có nguy cơ cao, bị bệnh nền, béo phì; các đối tượng trẻ em khác theo chỉ định tiêm càng nhiều càng tốt...Ảnh: Trần Minh
Làm rõ thêm, các chuyên gia cho biết mặc dù Bộ Y tế và các phương tiện thông tin thường xuyên thông tin, tuyên truyền về hiệu quả và sự cần thiết của tiêm chủng vaccine COVID-19, tuy nhiên vẫn còn có nhiều thông tin, dư luận trái chiều ảnh hưởng đến tâm lý của người dân trong tham gia tiêm chủng đầy đủ.
Một bộ phận người dân không đi tiêm mũi 3, đặc biệt là người đã mắc COVID-19 vì cho rằng đã có miễn dịch tự nhiên sau khi mắc bệnh, hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng khi mắc COVID-19 dẫn đến tâm lý chủ quan không tiêm mũi 3.
Cùng đó sự di biến động dân cư nhiều, một số lượng lớn các đối tượng quay trở lại các thành phố lớn để học tập, làm việc dẫn đến việc thống kê đối tượng tiêm mũi 3 gặp khó khăn.
"Có khoảng 15 triệu người đã tiêm liều bổ sung, trong đó một lượng lớn đối tượng sau khi tiêm bổ sung thì không tiếp tục tiêm liều nhắc lại, mặc dù đã có sự truyền thông, tư vấn, vận động của nhân viên y tế"- Đại diện Cục Y tế dự phòng cho hay.
Liên quan đến tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, thông tin tại cuộc họp cho hay, số trẻ mắc COVID-19 thời gian qua nhiều (khoảng 3,5 triệu trẻ mắc COVID-19 trong tháng 2-4/2022) nhưng đa phần ở mức độ nhẹ dẫn đến tâm lý chủ quan của các bậc phụ huynh cho rằng con đã có miễn dịch phòng bệnh và không muốn cho con đi tiêm chủng hoặc chưa đủ thời gian tiêm sau khi mắc bệnh.
Đồng thời nhiều phụ huynh có tâm lý lo lắng về phản ứng sau tiêm, sợ ảnh hưởng đến học tập và sinh hoạt của con nên không đồng ý cho con tiêm chủng. Các phụ huynh cũng e ngại các tác hại lâu dài của vaccine đối với trẻ em trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em ở độ tuổi này tại nhiều quốc gia phát triển như Mỹ,.. còn ở mức thấp.
Bên cạnh đó hiện tại hầu hết trẻ đang trong thời gian nghỉ hè nên khó huy động trẻ đến tiêm chủng so với giai đoạn trước đây.
Nên tập trung tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi có nguy cơ cao, bị bệnh nền, béo phì
Qua thảo luận, các chuyên gia tiêm chủng, dịch tễ, điều trị và các chuyên gia nghiên cứu về y tế và truyền thông đều cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp, đặc biệt biến thể phụ BA.4, BA.5 được cho là đang khiến ca mắc tại nhiều nước gia tăng đã xâm nhập vào Việt Nam, việc đẩy mạnh tiêm mũi 3 và mũi 4 cho người từ 12 tuổi trở lên theo hướng dẫn; tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 - dưới 18 tuổi là rất cần thiết.
Tuy nhiên theo các chuyên gia để làm việc này ngoài sự nỗ lực tích cực của ngành y tế, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành liên quan, đặc biệt trong tiêm cho trẻ rất cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của chính quyền các địa phương để đẩy nhanh tiến độ tiêm nhằm chuẩn bị cho trẻ đến trường năm học mới cũng như cho đối tượng nguy cơ cao theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Cũng về tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi, các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn này nên tập trung cho những trẻ có nguy cơ cao, bị bệnh nền, béo phì; Có sẵn sàng vaccine để tiêm theo đăng ký/nhu cầu, mong muốn của gia đình (đối với nhóm trẻ em không béo phì, bệnh nền....).
Các chuyên gia cũng đề nghị đẩy mạnh truyền thông dựa trên căn cứ khoa học về giảm hiệu lực của vaccine theo thời gian sau tiêm mũi 1, mũi 2 và mũi 3...
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT