Bộ y tế
Đoàn công tác Bộ Y tế tiếp tục tham gia các phiên họp kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới
01/06/2024 - 105
Ngày 30/5/2024, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương dẫn đầu tiếp tục tham gia các phiên họp của Ủy ban A và Ủy ban B (kỳ họp Đại hội đồng sẽ có phiên toàn thể và có các phiên họp mang tính kỹ thuật, chia thành hai ủy ban, gọi là Ủy ban A và Ủy ban B) trong khuôn khổ Kỳ họp lần thứ 77 Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA-77).
Ủy ban A bắt đầu với phần tham luận về các nội dung sau: Lộ trình đối với các bệnh nhiệt đới bị lãng quên; thúc đẩy hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đối với sức khỏe bà mẹ và tử vong ở trẻ em; tăng cường năng lực ứng phó cấp độ toàn cầu và quốc gia về kháng kháng sinh.
Tiếp đó, Ủy ban A đã tiến hành tham luận về các mục sau trong chương trình nghị sự: Công việc của WHO trong các trường hợp khẩn cấp về y tế; thực hiện các Điều lệ Y tế quốc tế (2005); sáng kiến về sức khỏe toàn cầu và hòa bình.
Ủy ban B bắt đầu cuộc họp với trụ cột 4 gồm: Các vấn đề về nhân sự; báo cáo hàng năm về nguồn nhân lực; sửa đổi quy chế và quy định về nhân sự; báo cáo của Ủy ban Dịch vụ dân sự quốc tế; bổ nhiệm các đại diện cho Ủy ban lương hưu nhân viên của WHO; các vấn đề về quản lý, pháp chế và quản trị; kế hoạch thực hiện cải cách của Ban Thư ký; hợp tác trong hệ thống Liên hợp quốc và với các tổ chức liên Chính phủ khác.
Đoàn công tác của Bộ Y tế đã có tham luận trình bày đối với một số nội dung quan trọng tại các phiên họp trên, trong đó bao gồm nội dung lộ trình đối với các bệnh nhiệt đới bị lãng quên; thúc đẩy hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững đối với sức khỏe bà mẹ và tử vong ở trẻ em; tăng cường năng lực ứng phó của toàn cầu và quốc gia về kháng kháng sinh.
Đại diện Bộ Y tế cho biết để ứng phó với tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 đối với công tác phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiệt đới bị bỏ quên, Việt Nam đã xây dựng và triển khai khung một sức khỏe và kế hoạch hành động quốc gia phù hợp với kế hoạch hành động toàn cầu của WHO về phòng ngừa và kiểm soát những bệnh bị lãng quên. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã loại trừ thành công hoặc kiểm soát hiệu quả một số bệnh truyền nhiễm như bại liệt, sởi, viêm gan virut, kiểm soát tốt dịch HIV/AIDS và bệnh lao. Tuy nhiên, việc duy trì những nỗ lực trong việc kiểm soát và loại bỏ những căn bệnh bị lãng quên này vẫn đòi hỏi sự quan tâm liên tục và nỗ lực liên ngành từ chính phủ, các tổ chức y tế và cộng đồng.
Về vấn đề sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của Chính phủ cũng như hỗ trợ kỹ thuật và tài chính từ các đối tác phát triển trong đó có Liên hợp quốc, Việt Nam đã đạt được những thành công to lớn hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững năm 2030 của Liên hợp quốc về sức khỏe phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như: vẫn còn sự chênh lệch lớn về tình trạng sức khỏe và tử vong bà mẹ, trẻ em giữa các vùng và các dân tộc. Tại phiên tham luận, đại diện Bộ Y tế cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục ưu tiên các chương trình, sáng kiến tập trung cải thiện tình trạng sức khỏe của bà mẹ và trẻ em như tăng cường năng lực hệ thống y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo phổ cập tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tăng cường chương trình truyền thông về sức khỏe phụ nữ, bà mẹ và trẻ em.
Để đấu tranh với kháng kháng sinh và triển khai kế hoạch hành động toàn cầu về kháng kháng sinh được thông qua năm 2015, Việt Nam đã phê duyệt kế hoạch hành động quốc gia về kháng kháng sinh 2013 – 2020. Đại diện Bộ Y tế cho biết để thúc đẩy cuộc chiến chống lại kháng kháng sinh, Việt Nam hoàn toàn ưu tiên chiến lược và hoạt động của WHO để giải quyết các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn kháng thuốc trong lĩnh vực y tế con người.
Nhân dịp tham dự Kỳ họp WHA-77, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cùng Đại sứ Mai Phan Dũng, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva, đã có buổi làm việc với bà Aurelia Nguyen, Giám đốc Chương trình của Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) để thảo luận về các hỗ trợ của GAVI hiện tại và tương lai cho Việt Nam trong Chiến lược viện trợ các quốc gia có thu nhập trung bình trong giai đoạn 2021-2025 và 2026 – 2030.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao những đóng góp của GAVI và cá nhân bà Aurelia Nguyen đối với công tác tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Đối với viện trợ vaccine Rota, Bộ Y tế sẽ sớm tiếp nhận và cùng với vaccine Rotavin sản xuất trong nước sẽ triển khai cho trẻ em dưới một tuổi trong quý IV năm 2024.
Phía Gavi cũng thông báo sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ triển khai hai vaccine mới cho Việt Nam là vaccine phế cầu, và vaccine HPV. Thứ trưởng Bộ Y tế đã chỉ đạo Chương trình Tiêm chủng mở rộng Việt Nam hoàn chỉnh hồ sơ đề xuất GAVI hỗ trợ triển khai vaccine phế cầu cho trẻ em dưới 1 tuổi và vaccine phòng ung thư cổ tử cung cho trẻ gái 11 tuổi gửi GAVI trong tháng 9/2024. Đối với các hỗ trợ triển khai vaccine mới trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị GAVI hỗ trợ Việt Nam triển khai trong thời gian 3 năm tới đồng thời tiếp tục hỗ trợ nâng cao chất lượng và tăng tỷ lệ tiêm chủng do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhằm đảm bảo tính bền vững và duy trì các thành quả của tiêm chủng Việt Nam.
Bên lề Kỳ họp lần WHA-77, Thứ trưởng Bộ Y tế và các thành viên trong đoàn cũng đã có buổi làm việc với TS. Kayla Laserson, Giám đốc Trung tâm Sức khỏe Toàn cầu của CDC Hoa Kỳ để trao đổi về Thỏa thuận thành lập Trung tâm của ASEAN về ứng phó với Y tế công cộng khẩn cấp và các bệnh mới nổi (ACPHEED) và việc thành lập Trung tâm CDC tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã cập nhật cho phía CDC Hoa Kỳ về tiến trình thành lập Trung tâm của ACPHEED về dự phòng và chuẩn bị sẵn sàng đặt tại Việt Nam cùng việc tham gia xây dựng Hiệp định thành lập Trung tâm ACPHEED cho đến thời điểm hiện tại. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng đã chia sẻ một số vấn đề còn tồn tại và khó khăn của việc thành lập Trung tâm ACPHEED về dự phòng và chuẩn bị sẵn sàng mà Việt Nam đang gặp phải. Do đây là trung tâm quốc tế về dự phòng và chuẩn bị sẵn sàng đầu tiên của ASEAN đặt tại Việt Nam, vì vậy cần có sự tham gia trực tiếp của nhiều Bộ, ngành liên quan trong nước cũng như sự phối hợp và hỗ trợ của các quốc gia, tổ chức quốc tế. Vì vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ nói chung và CDC Hoa Kỳ nói riêng tiếp tục hỗ trợ Bộ Y tế Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm mới nổi và đáp ứng với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp; hỗ trợ Việt Nam về kỹ thuật và nguồn lực trong quá trình thành lập và vận hành Trung tâm ACPHEED tại Việt Nam.
Nhân buổi làm việc với TS. Kayla Laserson, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng đã thông tin về tiến trình thành lập Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung ương (CDC Trung ương). Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết việc thành lập CDC Trung ương được thực hiện dựa trên Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Năm 2023, Bộ Y tế đã ký ý định thư với CDC Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ Bộ Y tế thành lập CDC Trung ương. Hiện nay Bộ Y tế đang tích cực triển khai xây dựng Đề án thành lập CDC Trung ương trên cơ sở tìm hiểu, vận dụng các mô hình CDC trên thế giới phù hợp với bối cảnh cụ thể của Việt Nam./.
Đoàn công tác Bộ Y tế đưa tin từ Thụy Sĩ
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT