Bộ y tế
Đoàn đại biểu Bộ Y tế tham dự Kỳ họp lần thứ 75 của Tổ chức Y tế Thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương: Tổng giám đốc WHO chúc mừng Việt Nam được công nhận đã thành công trong thanh toán bệnh mắt hột
22/10/2024 - 45
Phiên họp sáng ngày 22/10/2024 bắt đầu với bài phát biểu trực tuyến của TS. Tedros Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO. Trong bài phát biểu của mình, Tổng Giám đốc WHO đánh giá cao những thành tựu đã đạt được trong công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm tại khu vực Tây Thái Bình Dương, đặc biệt là thành công trong công tác phòng chống sốt rét ở khu vực tiểu vùng Mê Kông (Việt Nam, Lào, Campuchia) với tỷ lệ ca sốt rét giảm 98%. Tổng giám đốc WHO đã chúc mừng Việt Nam được WHO công nhận đã thành công trong thanh toán bệnh mắt hột, trở thành quốc gia thứ 5 trong khu vực được WHO công nhận kể từ năm 2016 tới nay.
Nội dung phiên họp sáng ngày 22/10/2024 tập trung vào thảo luận về Kết quả thực hiện Chương trình ngân sách 2022 – 2023 và Kế hoạch thực hiện Chương trình Ngân sách 2026 - 2027.
Việt Nam hoan nghênh các kết quả đạt được của Chương trình ngân sách năm 2022-2023 và đánh giá cao nỗ lực của WHO trong việc hợp tác với các quốc gia thành viên và các đối tác khác khi tổng ngân sách được phê duyệt đã tăng từ 335,7 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 2020-2021 lên 421,6 triệu đô la Mỹ trong giai đoạn 2022-2023. Trong hai năm, ngân sách của khu vực tiếp tục tăng ròng và số tiền phân bổ cho khu vực tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2023 là 519,8 triệu đô la Mỹ.
Báo cáo kết quả cho thấy quá trình hướng tới các mục tiêu ba tỷ và các mục tiêu phát triển bền vững - SDG (đến năm 2030) hiện đang gặp nhiều khó khăn, bao gồm 3 trụ cột/ưu tiên trong chiến lược của WHO, cụ thể là (1) Bao phủ y tế toàn dân tốt hơn, (2) Bảo vệ tốt hơn các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và (3) Cải thiện hơn sức khoẻ người dân. Việt Nam tin rằng hệ thống y tế toàn cầu đang gặp phải nhiều thách thức, bao gồm tác động của biến đổi khí hậu, xung đột toàn cầu gia tăng, chiến tranh và bất ổn, các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm mới, cũng như khả năng phục hồi của lực lượng y tế và gián đoạn cung cấp dịch vụ y tế sau đại dịch Covid-19. Do đó, nhân cơ hội này, Việt Nam muốn kêu gọi sự đoàn kết và hành động hợp tác giữa Chính phủ các nước với WHO và các đối tác khác. Đây là cách hiệu quả để đẩy nhanh tiến độ bảo vệ, nâng cao sức khỏe cho người dân trên toàn thế giới.
Nhân dịp này, Việt Nam đã cảm ơn WHO và các đối tác quốc tế khác về sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính cho hệ thống y tế tại Việt Nam và mong muốn tiếp tục hợp tác hiệu quả với các đối tác trong thời gian tới.
Đối với Chương trình ngân sách đề xuất cho năm 2026-2027, Việt Nam hoan nghênh đối với đề xuất từ WHO. Việt Nam lưu ý rằng tổng ngân sách đề xuất cho giai đoạn 2026-2027 là 7,7 tỷ đô la Mỹ theo kịch bản 1 và 9,5 tỷ đô la Mỹ theo kịch bản 2. Tổng ngân sách đề xuất cho giai đoạn 2026-2027 theo cả hai kịch bản đều cao hơn ngân sách Chương trình đã được phê duyệt cho giai đoạn 2024-2025 là 6,8 tỷ đô la Mỹ. Vì một tỷ lệ lớn của ngân sách dự kiến sẽ được tài trợ bằng các khoản đóng góp tự nguyện được chỉ định, Việt Nam mong muốn điều chỉnh tăng cường hơn nữa huy động tài trợ theo chủ đề để tạo điều kiện cho các thành viên chuyển đổi từ đóng góp tự nguyện "được chỉ định" sang "theo chủ đề". Điều này sẽ giúp gia tăng tính linh hoạt trong việc triển khai các quỹ theo chủ đề, do đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động của Chương trình, giảm bớt thời gian dành cho việc huy động quỹ.
Tại Phiên thảo luận về chủ đề Đổi mới Chăm sóc sức khỏe ban đầu, Việt Nam chia sẻ UHC và SDG là một trong những mục tiêu chính của Chính phủ Việt Nam và xây dựng hệ thống CSSKBĐ vững mạnh là nền tảng quan trọng cho các mục tiêu này. Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực và gia tăng các cam kết chính trị để thúc đẩy UHC và SDG. Theo Báo cáo giám sát UHC năm 2022, chỉ số bao phủ dịch vụ của Việt Nam đạt 70 trên 100 điểm, so với mức trung bình của Đông Nam Á là 61 và mức trung bình toàn cầu là 67. Hệ thống bảo hiểm y tế đã đạt 93,3% dân số bao phủ, trong đó Chính phủ trợ cấp toàn bộ cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên và một phần cho người cận nghèo và các nhóm dễ bị tổn thương khác.
Việt Nam đã và đang thực hiện chuyển đổi cách tiếp cận trong cung cấp dịch vụ y tế với chuyển đổi từ việc quá tập trung vào hệ thống cơ sở y tế sang lấy người dân làm trung tâm, từ điều trị bệnh sang điều trị cho người bệnh. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều trong việc củng cố hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu để mở rộng các dịch vụ y tế chất lượng theo nguyên lý y học gia đình cùng với việc phát triển năng lực của đội ngũ nhân viên y tế tại tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Việc xây dựng hệ thống chăm sóc sức khoẻ ban đầu bền vững, mạnh mẽ cũng đòi hỏi phải chuyển dịch chăm sóc sức khỏe ban đầu từ dựa trên bệnh tật sang tương tác liên tục với các cá nhân trong suốt cuộc đời, cần có một mô hình mới cho chăm sóc sức khỏe ban đầu; đưa ra mô hình cung cấp dịch vụ phù hợp, điều chỉnh cơ chế tài chính cho việc cung cấp dịch vụ; chương trình đào tại phù hợp và các điều kiện cho phép kết nối cung ứng dịch vụ ở các cấp độ chăm sóc sức khỏe.
Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới, Việt Nam đặt mục tiêu tăng cường hệ thống y tế cơ sở với hệ thống y tế huyện, bao gồm cả tuyến xã, để trở thành nền tảng vững chắc cho chăm sóc sức khỏe ban đầu. Cụ thể hơn, điều này đòi hỏi phải cải thiện tổ chức và quản lý hệ thống y tế huyện, sửa đổi mô hình cung cấp dịch vụ và gói dịch vụ, cải cách hệ thống thanh toán cho nhà cung cấp để hỗ trợ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu chất lượng và phát triển lực lượng lao động y tế có năng lực và đảm bảo đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe thay đổi trong tương lai. Ngoài ra, việc kết hợp các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu tư nhân vào mạng lưới cung cấp dịch vụ y tế cơ sở là điều cần thiết. Hơn nữa, Bộ Y tế đã đẩy nhanh việc đưa ra các phương pháp tiếp cận mới bằng cách áp dụng rộng rãi chuyển đổi số vào quá trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Việt Nam tin tưởng rằng với sự hỗ trợ liên tục từ cộng đồng quốc tế, Việt Nam có thể đảm bảo thành công các nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Vụ Hợp tác Quốc tế đưa tin từ Manila, Philippines
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT