Bộ y tế
Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân
21/02/2023 - 168
Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân. Đó là đề nghị của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tại buổi thăm và làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023) vào chiều 20/02/2023
Tham gia đoàn công tác về phía Ban Tuyên giáo Trung ương có các đồng chí Phó Trưởng Ban: Phan Xuân Thủy, Trần Thanh Lâm; cùng các đồng chí Lãnh đạo Văn phòng, Vụ chức năng thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tiếp đoàn, về phía Bộ Y tế có đồng chí Đào Hồng Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế; các đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn, Lê Đức Luận và lãnh đạo các Cục/ Vụ/ Văn phòng trực thuộc Bộ Y tế.
Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Bộ Y tế
Báo cáo với đồng chí Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cùng với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế, công tác y tế tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế trong truyền thông về phòng, chống dịch đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng các cơ quan báo chí thực hiện các chương trình tọa đàm, phóng sự, cung cấp khuyến cáo, hướng dẫn về điều trị, chăm sóc người bệnh COVID-19 tại nhà; tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và phòng, chống các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ, cúm…
Trong năm 2022, ngành Y tế đã thực hiện vượt và đạt 3/3 chỉ tiêu. Trong đó, chỉ tiêu số bác sĩ trên 10 nghìn dân là 11,5 bác sĩ (vượt chỉ tiêu được giao 9,4 bác sĩ/10 nghìn dân); số giường bệnh trên 10 nghìn dân là 31 giường bệnh (vượt chỉ tiêu được giao 29,5 giường bệnh/10 nghìn dân); tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế là 92,03% dân số (đạt chỉ tiêu được giao 92% dân số). Công tác khám chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi sau hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống y tế tư nhân tiếp tục phát triển cả về quy mô và số lượng, với hơn 300 bệnh viện tư nhân và khoảng 30 nghìn phòng khám tư nhân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức với ngành Y tế, đặc biệt là 3 năm chống dịch COVID-19. Tính từ ngày 01-01-2021 đến 30-6-2022, báo cáo tại các tỉnh, thành phố và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế có 9.680 nhân viên y tế xin thôi việc hoặc chuyển công tác. Tuy nhiên, tổng số tuyển dụng viên chức từ ngày 01-01-2021 đến nay của các địa phương và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế được bổ sung là 19.283 người.
Bộ Y tế đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều nhiệm vụ trọng tâm để bảo đảm duy trì nhân lực y tế cần thiết phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân như kịp thời động viên tinh thần, biểu dương, khen thưởng; tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng; quan tâm, thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách tiền lương, phụ cấp cho viên chức y tế, huy động các nguồn lực hỗ trợ khác của xã hội...
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương tặng hoa chúc mừng ngành Y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2023)
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo hai đơn vị đã tập trung thảo luận làm rõ những thuận lợi, khó khăn thách thức đối với ngành Y tế hiện nay. Trong đó, có các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn để các y, bác sĩ và nhân viên y tế yên tâm cống hiến, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời có các giải pháp nhằm tháo gỡ bất cập trong công tác đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế và thuốc chữa bệnh; việc phối hợp giữa hai đơn vị trong triển khai các chương trình, hoạt động phối hợp, phổ biến, tuyên truyền các chính sách mới của ngành Y tế…
Những đóng góp của ngành Y tế là hết sức tự hào
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng,Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những đóng góp, cống hiến của các thế hệ bác sĩ và nhân viên y tế trong chặng đường 68 năm qua. Đồng chí Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, cùng với sự phát triển toàn diện các mặt kinh tế - xã hội, Việt Nam được đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới xã phường, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân. Lĩnh vực y tế dự phòng ngày càng phát triển, ngăn chặn được các bệnh dịch nguy hiểm…, Công tác an toàn thực phẩm được nâng cao, các chỉ số sức khỏe của người dân đã được nâng lên rõ rệt và cao hơn so với nhiều nước có cùng mức thu nhập. Chất lượng dân số từng bước được cải thiện. Từng người dân, từ người yếu thế, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… đều được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ y tế.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu
Cũng theo đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương: Đại dịch COVID-19 vừa qua đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, đến toàn ngành Y tế và từng bác sĩ, người lao động trong ngành Y tế và mỗi người dân. Trong những thời điểm gian nan, chúng ta đã chứng kiến nghĩa cử cao đẹp, đức hy sinh, trái tim nhiệt huyết, sự tỏa sáng từ tấm lòng nhân ái của đội ngũ bác sĩ, cán bộ và nhân viên y tế không ngại hy sinh gian khổ, dấn thân đi vào tâm dịch tiếp xúc với những mối nguy hiểm, nhận về mình rủi ro, hết lòng phục vụ, chăm sóc người dân trong các khu cách ly, các bệnh viện dã chiến…, trong số đó có nhiều bác sĩ, nhân viên y tế đã hy sinh, mãi mãi không trở về…
“Trong suốt quá trình phát triển của đất nước, những đóng góp của ngành Y tế là hết sức tự hào. Niềm tự hào đó cùng với sự tin tưởng của nhân dân và đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống trong điều kiện toàn cầu hóa và phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số là động lực để ngành Y tế tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân, xây dựng nền y tế Việt Nam “khoa học, dân tộc và đại chúng” như lời Bác Hồ căn dặn”.
Tập trung tháo gỡ nút thắt trong triển khai thực hiện nhiệm vụ
Chia sẻ với những khó khăn trong thời gian qua của toàn ngành Y tế, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: Ngành Y tế trong thời gian tới cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức như đại dịch COVID-19 được dự báo vẫn có thể xuất hiện các biến chủng mới nguy hiểm hơn, diễn biến phức tạp, khó lường hơn; sự xuất hiện, gia tăng của một số dịch bệnh mới nổi, đặt ra những yêu cầu mới về kiểm soát dịch bệnh. Nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ngày càng cao, tạo sức ép lớn đối với việc cung cấp dịch vụ y tế; chi phí cho chăm sóc sức khoẻ ngày càng nhiều, trong khi nguồn lực của đất nước vẫn còn hạn hẹp, đời sống một bộ phận nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, những khó khăn như vậy cũng là cơ hội khẳng định những giá trị trân quý của nghề chữa bệnh cứu người, là dịp để ngành Y tế nhận diện thấu đáo thực trạng, xem xét toàn diện thách thức để xây dựng cho được những giải pháp dài hạn, thúc đẩy ngành có những bước phát triển mới.
“Toàn ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ để thực hiện tốt công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khoẻ nhân dân, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ nút thắt trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao”.
Bên cạnh đó, chủ động nắm bắt, làm tốt công tác tư tưởng, xây dựng đội ngũ cán bộ bản lĩnh chính trị vững vàng, thường xuyên giáo dục y đức cho cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động trong ngành Y tế; Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, tiếp cận và làm chủ kỹ thuật tiến tiến, bảo đảm yêu cầu phát triển của ngành Y tế…Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tài chính y tế, tăng cường hợp tác công tư trong đầu tư cho sự nghiệp y tế. Tạo điều kiện cho mỗi người dân đều được tiếp cận các dịch vụ y tế một cách thuận lợi nhất; Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp giữa Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế giai đoạn 2021- 2025, theo Quyết định số 238-QĐ/TW ngày 30/9/2020 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Quyết tâm vượt qua mọi khó khăn thách thức sau đại dịch COVID-19 để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Cùng với đó, mỗi bác sĩ, người lao động ngành Y tế cần chú trọng đến y đức, thái độ phục vụ người bệnh tốt hơn. Đồng thời, chú trọng công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong nhân dân về các chủ trương, chính sách mới; đẩy mạnh các hoạt động hướng đến 70 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam…
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu
Tiếp thu các ý kiến của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các thành viên trong đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng cảm ơn đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí trong đoàn đã dành sự quan tâm, đồng hành và chia sẻ, động viên ngành Y tế và lực lượng cán bộ y tế trên toàn tuyến.Bộ trưởng Đào Hồng Lan cũng bày tỏ mong muốn đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng các đồng chí trong Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ và chia sẻ với Bộ Y tế trong thực hiện nhiệm vụ, trong truyền thông, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của Bộ về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giới thiệu thành tựu của ngành Y tế tại triển lãm ảnh nhân dịp kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại trụ sở Bộ Y tế
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT