Đó là đề nghị của đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng điều hành Bộ Y tế tại Đại hội Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027 diễn ra ngày 14/6/2022 tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội có, đồng chí Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); đồng chí Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Bộ Nội vụ; BHXHVN; VCCI…
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng điều hành Bộ Y tế phát biểu tại Đại hội
Báo cáo tại Đại hội cho biết, Hiệp hội doanh nghiệp Dược Việt Nam hiện có 186 hội viên, trong nhiệm kỳ 2016-2021 Hiệp hội tập trung vào phát triển Hội; hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả theo hướng chuyên nghiệp, phát triển bền vững; tham gia xây dựng hệ thống VBQPPL, phản biện xã hội, phổ biến tuyên truyền về pháp luật, chính sách và cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đào tạo phát triển doanh nghiệp dược; xúc tiến thương mại-đầu tư và hợp tác quốc tế; thực hiện tốt nguyên tắc đạo đức kinh doanh trong lĩnh vực dược; minh bạch tài chính và thi đua khen thưởng của Hiệp hội…
Về phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ 2022-2027, tiếp tục kiện toàn bộ máy Ban Chấp hành, đổi mới hoạt động Hiệp hội; thực hiện tốt công tác đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp và các hội viên;
Tiếp tục phát huy tốt vai trò cầu nối tăng cường tác động đến cơ quan quản lý Nhà nước thúc đẩy xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách VBQPPL, cải cách thủ tục hành chính tạo hành lang pháp lý thông thoáng, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành Dược Việt Nam;
Nâng cao vai trò là trung tâm, liên kết các doanh nghiệp Dược hội viên, kết nối doanh nghiệp trong và ngoài Hiệp hội tạo công đồng doanh nghiệp dược Việt Nam hợp tác, phát triển;
Kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế...
Phát biểu tại Đại hội, đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng điều hành Bộ Y tế cho biết: trong nhiệm kỳ từ năm 2016 - 2021, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị và đã chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương nhằm cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh và tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.
Bộ Y tế cũng đã trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược để phù hợp với yêu cầu thực tiễn trong thời kỳ mới như Luật dược năm 2016; Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ đã ban hành sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế và nhiều Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện cho các doanh nghiệp.
“Với việc ban hành Nghị định 155/2018/NĐ-CP, đối với lĩnh vực dược - mỹ phẩm đã cắt giảm, đơn giản hóa: 68/123 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 55,3%), 76/82 thủ tục hành chính (đạt 92,7%) và góp phần tạo đà cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội vươn lên, phát triển và hội nhập, đã giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại trước đây mà doanh nghiệp quan tâm”- Thứ trưởng cho biết.
Quang cảnh Đại hội
Giai đoạn từ 2016-2021, Lãnh đạo Bộ Y tế và các Vụ/Cục/Đợn vị trực thuộc cũng đã thường xuyên tham gia các hội nghị/tọa đàm/buổi làm việc trực tiếp do Hiệp hội tổ chức nhằm tập trung giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp. Đại COVID-19 bùng phát tại Việt Nam từ đầu năm 2020 đến nay nhưng các doanh nghiệp dược Việt Nam vẫn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu thuốc phòng, chữa bệnh của người dân cũng như các cơ sở y tế.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu mới về công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành. Tiếp tục công khai, minh bạch hơn nữa trong mọi hoạt động đến với người dân và doanh nghiệp.
Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Hiệp hội Dược Việt Nam trong nhiệm kỳ tới cần tiếp tục làm cầu nối kết nối các doanh nghiệp dược Việt Nam và các doanh nghiệp dược nước ngoài đầu tư tại Việt Nam thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; bảo đảm cung ứng đủ thuốc có chất lượng cho nhân dân.
Bộ Y tế đã tổng hợp các ý kiến của Hiệp hội, các đơn vị có liên quan và kiến nghị sửa đổi Luật Dược và các văn bản pháp luật trong lĩnh vực dược theo hướng tiếp tục cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính và điều kiện kinh doanh để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển.
“Để sớm ban hành các văn bản này, Hiệp hội và các thành viên tiếp tục có các ý kiến góp ý, kiến nghị phù hợp với thực tiễn, đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện”- Thứ trưởng đề nghị./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT