Ngày 10/03/2022 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em/sức khoẻ sinh sản năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh
Tham dự đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; Sở Y tế; các Bệnh viện Sản Nhi; Trung tâm kiểm soát bệnh tật/Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ sinh sản; các Bệnh viện chuyên khoa sản/chuyên khoa nhi/chuyên khoa sản-nhi
và Bệnh viện Đa khoa các tỉnh, thành phố…
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại điểm cầu Thành phố Hồ Chí Minh
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng, chống dịch của nhiều quốc gia trong có Việt Nam. Năm 2021, cùng với hệ thống y tế nói chung, mạng lưới chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em/sức khoẻ sinh sản (CSSKBMTE/SKSS) trên toàn quốc đã vượt qua mọi khó khăn, vừa tham gia tích cực trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, vừa triển khai thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm mà Chính phủ và Bộ Y tế giao.
Năm 2021, các chỉ tiêu về chăm sóc trước, trong và sau sinh, giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ sơ sinh, giảm suy dinh dưỡng thấp còi đều tốt so với năm 2020…
Trong thời điểm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trẻ em, sức khoẻ sinh sản cần đặc biệt quan tâm.
“Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 của toàn ngành Y tế, hệ thống CSSKBMTE/CSSKSS cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn địa phương tổ chức đưa/đón, tiếp nhận, chăm sóc công dân Việt Nam là phụ nữ mang thai, trẻ em ở các khu cách ly, điều trị COVID-19; Hướng dẫn tổ chức các kíp chuyên môn tại chỗ hoặc từ tuyến trên hỗ trợ về chăm sóc sản khoa và sơ sinh khi cần thiết. Các bệnh viện được Bộ Y tế phân công chỉ đạo tuyến trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa/nhi khoa thành lập và duy trì kíp hỗ trợ gồm đầy đủ chuyên khoa về sản khoa, sơ sinh, gây mê-hồi sức, sẵn sàng hỗ trợ cho các địa phương và cơ sở tuyến dưới khi cần thiết. Nhìn chung công tác ứng phó với đại dịch COVID- 19 của các cơ sở sản khoa, nhi khoa tương đối tốt, góp phần đáng kể giảm số ca nhiễm cũng như số ca tử vong ở phụ nữ mang thai, sản phụ và trẻ sơ sinh”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết thêm.
Hình ảnh các điểm cầu tham dự trực tuyến
Bên cạnh những thành tựu công tác CSSKBMTE/ SKSS cũng còn nhiều bất cập và bộc lộ một số hạn chế cần được khắc phục. Tử vong mẹ, tử vong trẻ em, suy dinh dưỡng trẻ em tuy đã giảm nhưng còn có sự khác biệt rất lớn giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi. Cơ sở vật chất và trang thiết bị còn nhiều khó khăn, chưa đáp ứng nhiệm vụ được giao cũng như nhu cầu CSSKBMTE/SKSS của nhân dân; Đội ngũ cán bộ sản nhi còn thiếu về số lượng, trình độ chuyên môn còn hạn chế nhất là ở tuyến huyện và xã….
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị, hệ thống CSSKBMTE/SKSS tập trung thực hiện tốt một số nội dung chính sau:
- Tiếp tục rà soát, xây dựng mới, bổ sung cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật, quy trình chuyên môn sản khoa/sơ sinh, các đề án, dự án, chương trình, kế hoạch hành động theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế làm cơ sở cho địa phương triển khai đồng bộ các can thiệp về CSSKBMTE/SKSS.
- Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn hỗ trợ các cơ sở CSSKBMTE/SKSS xây dựng và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19 với các cấp độ khác nhau.
- Nâng cao năng lực và phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các đơn vị được giao chỉ đạo tuyến về sản phụ khoa và sơ sinh nhằm tăng cường chất lượng giám sát hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ sở y tế tuyến dưới trong CSSKBMTE.
- Khẩn trương triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, kế hoạch của Chính phủ và của Bộ Y tế về công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em giai đoạn 2021-2025, bao gồm: Đề án giảm tử vong trẻ em dưới 5 tuổi; Chương trình chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; Chương trình sức khỏe học đường; các nội dung về chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng bà mẹ, trẻ em thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia; Kế hoạch hành động quốc gia giảm suy dinh dưỡng thấp còi vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
- Tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và trình độ chuyên môn cho đội ngũ sản khoa/nhi khoa các tuyến, chú trọng việc nâng cao chất lượng dịch vụ kỹ thuật chuyên sâu cho tuyến tỉnh, dịch vụ y tế về sản khoa/nhi khoa cho tuyến huyện/tuyến xã.
- Chủ động thực hiện tốt công tác truyền thông, đáp ứng có hiệu quả khi xảy ra các sự cố y khoa cũng như huy động các nguồn lực trong và ngoài nước mở rộng triển khai các mô hình, can thiệp đã được chứng minh có hiệu quả về CSSKBMTESKSS.
Hình ảnh tại điểm cầu Bộ Y tế
Tại hội nghị, các đại biểu cũng nghe và thảo luận một số nội dung như: Báo cáo kết quả giám sát tử vong mẹ và đáp ứng các tỉnh khu vực phía Bắc; Hướng dẫn chăm sóc, xử trí trẻ em nhiễm COVID-19 tại nhà; Báo cáo kết quả và kinh nghiệm về chăm sóc, xử trí phụ nữ mai thai nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Từ Dũ; Báo cáo kết quả và kinh nghiệm về chăm sóc, xử trí trẻ sơ sinh là con của sản phụ nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương; Tham luận về kinh nghiệm trong phân loại, phân tầng chăm sóc, điều trị trẻ em nhiễm COVID-19 có suy hô hấp tại Bệnh viện Nhi đồng I; Tham luận về chăm sóc, điều trị trẻ sơ sinh nhiễm COVID-19 tại BV Nhi đồng I; Tham luận về chăm sóc bà mẹ và sơ sinh trong và ngay sau đẻ ở sản phụ nhiễm COVID-19; Tham luận về phối hợp liên viện trong xử trí sản phụ nhiễm COVID-19 có suy hô hấp tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT