Sáng ngày 28/01/2021, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết dự án “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam” do Ngân hàng thế giới hỗ trợ.GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc danh mục Dự án của Ngân hàng thế giới; đại diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục,Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Ngân hàng thế giới và một số đơn vị liên quan.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: hiện nay trên thế giới dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, số ca mắc mới và tử vong vẫn tăng liên tục trong những tháng gần đây, cùng với sự biến chủng của các chủng nguy hiểm.
Chúng ta đang trải qua giai đoạn khủng hoảng về an ninh dịch bệnh, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, tất cả các mặt của đời sống từ sức khoẻ, kinh tế, xã hội, an ninh… Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng và hậu quả sẽ có kèo dài và nặng nề.
Hiện nay trên thế giới dịch bệnh vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, số ca mắc mới và tử vong vẫn tăng liên tục trong những tháng gần đây, cùng với sự biến chủng của các chủng nguy hiểm. Tính đến ngày 23/01/2021, sau hơn 1 năm của đại dịch số ca mắc đã lên 99.1 triệu ca và 2.13 triệu ca tử vong, trung bình mỗi ngày thế giới ghi nhận 600-700 nghìn ca mắc mới, 12-13 nghìn ca tử vong trong tháng 1 ngày gần đây. Trong đó, các quốc gia có hệ thống y tế tốt như Hoa Kỳ, Nga, Vương Quốc Anh là những nước có số ca mắc và tử vong cao nhất thế giới. Các quốc gia trong khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản, Australia vẫn đang tiếp tục phải đối mặt với các làn sóng mới của đại dịch.
Chúng ta đang trải qua giai đoạn khủng hoảng về an ninh y tế, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, tất cả các mặt của đời sống từ sức khoẻ, kinh tế, xã hội, an ninh… Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng và hậu quả sẽ còn kéo dài và nặng nề.
Tại Việt Nam, đến ngày 23/01/2021 có 1548 ca mắc, 35 ca tử vong và là 1 trong 5 quốc gia có số ca mắc/triệu dân thấp nhất và được thế giới đánh giá là 1 trong các quốc gia thành công nhất trong kiểm soát đại dịch. Để có được thành công này là có sự quyết tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, sự vào cuộc của các bộ ngành và toàn bộ người dân, sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và chung tay của các cộng đồng doanh nghiệp, khối tư nhân chúng ta đã khống chế thành công các làn sóng của đại dịch tại Việt Nam.
Một trong những tổ chức quốc tế quan trọng đã hỗ trợ Việt Nam là Ngân hàng Thế giới. Sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới luôn kịp thời và hiệu quả trong đáp ứng với đại dịch. Ở giai đoạn đầu của dịch, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để triển khai hoạt động đào tạo củng cố năng lực xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị và dự phòng cho hệ thống y tế tại Việt Nam.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết thêm: Ngân hàng Thế giới là một trong những tổ chức quốc tế hỗ trợ mạnh mẽ, kịp thời và hiệu quả nhất cho Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm vừa qua. Ở giai đoạn đầu của dịch, Ngân hàng Thế giới đã tài trợ cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để triển khai hoạt động đào tạo củng cố năng lực xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị và dự phòng cho hệ thống y tế tại Việt Nam.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn trân trọng cảm ơn đến Chính phủ, các Bộ, Ban, Ngành Trung ương, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính đã tạo điều kiện giúp đỡ Bộ Y tế đã hoàn thành dự án trong thời gian rất ngắn và cảm ơn Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam luôn hỗ trợ và đồng hành với Bộ Y tế trong các vấn đề sức khoẻ của người dân Việt nam và vấn đề an ninh y tế toàn cầu.
Bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc danh mục Dự án của Ngân hàng thế giới phát biểu tại Hội nghị
Tại Hội nghị, bà Stefanie Stallmeister, Giám đốc danh mục Dự án của Ngân hàng thế giới cho biết: Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ Việt Nam khoản kinh phí 6.2 triệu đô la nhằm tăng cường phát hiện và ứng phó với đại dịch COVID-19 thông qua việc tập trung nâng cao hệ thống xét nghiệm an toàn sinh học cấp độ 2 và 3, đào tạo những kỹ thuật xét nghiệm mới, nhanh và hiệu quả, tăng cường năng lực nghiên cứu sản xuất các sinh phẩm chẩn đoán và vắc xin đảm bảo cung ứng trong nước, một năng lực thiết yếu trong đáp ứng với đại dịch, được ký Hiệp định giữa Ngân hàng Thế giới và Nước Cộng hoà xã hội chủ Nghĩa Việt Nam vào ngày 30/7/2020 và Bộ Y tế giao cho Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Trung Tâm Nghiên cứu và phát triển vắc xin, sinh phẩm thực hiện.
PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng chia sẻ tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS.Phan Lê Thu Hằng, Phó Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế nhấn mạnh: Đại dịch COVID-19 đang diễn ra trên toàn cầu đã gây ra những thiệt hại chưa từng có về sức khỏe, nhân mạng và kinh tế, cũng như đang đặt ra những thách thức chưa có tiền lệ cho tất cả hệ thống y tế của mọi quốc gia. Để ứng phó hiệu quả với những thách thức này, bên cạnh nỗ lực của từng hệ thống y tế, cần có sự phối hợp và tương trợ ở cấp độ khu vực cũng như toàn cầu. Vai trò của các đối tác phát triển, trong đó có Ngân hàng Thế giới, trong việc hỗ trợ hệ thống y tế ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình ứng phó hiệu quả với đại dịch COVID-19, do vậy có vai trò hết sức quan trọng.
Nhằm khẩn cấp hỗ trợ Hệ thống Y tế Việt Nam ứng phó nhanh chóng và hiệu quả với đại dịch COVID-19, Ngân hàng Thế giới đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện Dự án “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam” do Ngân hàng Thế giới tài trợ từ nguồn ủy thác của Quỹ Hỗ trợ Tài chính khẩn cấp chống đại dịch với tổng kinh phí trên 6,5 triệu đô la Mỹ (bao gồm trên 6,2 triệu đô la Mỹ vốn ODA viện trợ không hoàn lại và 0,33 triệu đô la Mỹ vốn đối ứng) với các mục tiêu:
(i) Tăng cường năng lực giám sát và xét nghiệm SARS-CoV-2 của Viện Vệ sinh Dịch tễ TW;
(ii) Nâng cao khả năng nghiên cứu Vắc xin phòng COVID-19 và Kít chẩn đoán COVID-19;
(iii) Củng cố năng lực xét nghiệm trong đáp ứng với đại dịch COVID-19 của hệ thống các phòng xét nghiệm trên cả nước.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
Quang cảnh Hội nghị
Tới nay, sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện (từ tháng 6/2020 tới tháng 01/2021), Dự án đã hoàn thành đúng hạn định thời gian, về cơ bản đã thực hiện với chất lượng cao toàn bộ các hoạt động can thiệp dự kiến. Việc thực hiện thành công Dự án (với những can thiệp ưu tiên được lựa chọn nhằm nhanh chóng hỗ trợ nâng cao năng lực giám sát, xét nghiệm COVID-19 cũng như năng lực phát triển Vắc xin và sinh phẩm phòng, chống COVID-19) đã hỗ trợ kịp thời cho Hệ thống Y tế Việt Nam ứng phó hiệu quả với những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 trong thời gian qua. Việc xây dựng, thẩm định phê duyệt và triển khai thực hiện Dự án trong một thời gian ngắn kỳ lục cũng tạo ra một mẫu hình thành công về sự phối hợp hiệu quả giữa các bên liên quan (Nhà tài trợ, Bộ Y tế, các Bộ Ngành liên quan, và các đơn vị trực tiếp thực hiện Dự án) cùng nỗ lực vì mục tiêu và tầm nhìn chung, cũng như cho thấy năng lực quản lý và triển khai Dự án rất hiệu quả của Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ TW.
Hy vọng rằng, việc triển khai thực hiện rất thành công Dự án “Ứng phó khẩn cấp đại dịch COVID-19 của Việt Nam” sẽ tạo tiền đề thuận lợi cho những cơ hội hợp tác giữa Ngành Y tế Việt Nam và các đối tác phát triển trong thời gian tới./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT