Bộ y tế
Hội nghị tổng kết dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2022
14/03/2023 - 211
Ngày 13/3/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tổng kết dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2022. GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội nghị.
Tham dự có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế ; Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường thuộc Bộ Quốc phòng (NACCET); Hội Phục hồi chức năng Việt Nam; Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin; Hội Người khuyết tật Việt Nam; Đại diện 11 tỉnh tham gia dự án (Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre) và một số đơn vị liên quan.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị cho biết, thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Quyết định 651/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả chất độc hoá học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến 2020”, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5305/QĐ-BYT (Quyết định 5305) về việc phê duyệt Dự án “Chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hoá học/dioxin” giai đoạn 2018-2021. Tiếp đó, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3567/QĐ-BYT năm 2021 về gia hạn dự án đến 31/12/2022.
Dự án được phê duyệt với mục tiêu chung là cải thiện sức khoẻ và chất lượng cuộc sống, giúp nạn nhân chất độc hoá học/dioxin và người khuyết tật từng bước hoà nhập cộng đồng thông qua các biện pháp phát hiện sớm, can thiệp sớm các vấn đề sức khoẻ và khuyết tật, nâng cao năng lực và phát triển mang lưới chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật tại cơ sở y tế và cộng đồng.
Dự án đã triển khai 21 hoạt động chính tại 11 tỉnh triển khai dự án. Hàng chục nghìn nạn nhân và người khuyết tật được lập hồ sơ quản lý sức khoẻ, được hướng dẫn khám chữa bệnh, phục hồi chức năng tại bệnh viện và tại nhà; Hàng nghìn cán bộ y tế và nhân viên y tế cơ sở, cộng tác viên, người thân nạn nhân được tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tự chăm sóc cho nạn nhân tại nhà. Đáng lưu ý Trường Đại học Y tế công cộng đã nghiên cứu và công bố 7 bài báo khoa học trong nước và 1 bài báo quốc tế về lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin.Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, việc thực hiện và tốt các hoạt động của dự án khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và các Bộ, ngành trong việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của nạn nhân chất độc hóa học và người khuyết tật; thể hiện công tác đền ơn đáp nghĩa của Đảng, Nhà nước của nhân dân đối với những người có công với cách mạng, những người đã tham gia kháng chiến không may bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học/dioxin và con cháu của họ.
Quang cảnh hội nghị
Để phát huy những thành quả đạt được, tiếp tục hiện thực hoá các chính sách, chế độ ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với người có công với cách mạng, thực thi Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật mà Việt Nam đã phê chuẩn, trong thời gian tới Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế, các cơ sở khám chữa bệnh, các trường đại học y và các đơn vị có liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
1. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao cần nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền phê duyệt chương trình/dự án hoặc kế hoạch thực hiện nghiêm và đầy đủ các nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định số 2215/QĐ-TTg năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/dioxin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 – 2030.
2. Tiếp tục nhân rộng mô hình chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với nạn nhân chất độc hoá học và người khuyết tật; Mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật ra nhiều tỉnh/thành phố trong cả nước.
3. Sau tổng kết dự án, giao cục Quản lý khám, chữa bệnh xây dựng kế hoạch triển khai trình lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt để triển khai hoạt động chăm sóc và phục hồi chức năng cho nạn nhân và người khuyết tật. Các Sở Y tế căn cứ kế hoạch Bộ Y tế và tình hình của địa phương xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện tại địa phương. Trong quá trình triển khai thực hiên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan Trung ương và địa phương (Bộ Lao động- Thương binh Xã hội và Sở Lao động- Thương binh Xã hội..) và các tổ chức hội (Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Cựu chiến binh...) đồng thời lồng ghép với các hoạt động y tế khác trên địa bàn./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT