Bộ y tế
Hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023
25/02/2023 - 225
Ngày 24/02/2023, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai công tác y tế năm 2023. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Trung ương, Trụ sở Chính phủ. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến nối điểm cầu Chính phủ với điểm cầu 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tham dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương và địa phương có đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, lãnh đạo UBND, Sở Y tế, cơ sở Y tế, các đơn vị liên quan của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Về phía Bộ Y tế có, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; các đồng chí Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Thị Liên Hương, Nguyễn Đức Luận. Tại điểm cầu Văn Phòng Bộ Y tế số 51 Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh có Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn. Đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ
Báo cáo tổng kết công tác y tế năm 2022 và nhiệm vụ, giải pháp năm 2023. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động, khó lường, khó dự báo; tác động đến kinh tế - xã hội trong nước và sự chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành Y tế.
Trong bối cảnh đó, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, sự ủng hộ của người dân, cùng với sự cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ y tế toàn Ngành nên nhiều nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần tích cực vào thành công chung của đất nước trong năm 2022. Nổi bật là:
Hoàn thành 03/03 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao, trong đó vượt 02/03 chỉ tiêu được giao về số bác sĩ/vạn dân (11,5 bác sĩ) và số giường bệnh/vạn dân (31 giường bệnh), đạt chỉ tiêu về tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (92,03%); cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao (13/16 chỉ tiêu);
Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện. Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15. Đồng thời, Bộ Y tế đã và đang tập trung xây dựng để trình Chính phủ, trình Quốc hội nhiều văn bản mang tính bản lề trong hoạt động của Ngành như: Luật Dược sửa đổi, Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật Dân số, Luật Trang thiết bị y tế, Luật Phòng bệnh,…;
Tập trung giải quyết các khó khăn, tồn tại của Ngành, bước đầu giải quyết tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng và trình ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tháo gỡ khó khăn về thiếu thuốc, trang thiết bị, về bảo hiểm y tế, về chế độ phụ cấp đối với cán bộ y tế cơ sở, y tế dự phòng…;
Bộ Y tế đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT); chỉ đạo tập trung đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, trang thiết bị y tế. Sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan như: Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế…, Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập, Thông tư số 14/2020/TT-BYT ngày 10/7/2020 quy định một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập…;
Ngành Y tế cũng kiểm soát tốt dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, tập trung cùng với chính quyền địa phương nâng cao tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, không để xảy ra dịch chồng dịch; tập trung phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm (sốt xuất huyết, Adenovirus, tay chân miệng…). Tập trung nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh;
Cũng trong năm 2022 ngành Y tế đã hoàn thiện cơ cấu tổ chức bộ máy; tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Trình Chính phủ phê duyệt Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày 15/11/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế. Nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trong đó xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15/02/2023 sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40-70% lên 100%; đề xuất nghị quyết của Chính phủ về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản. Đồng thời Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập;
Ngành Y tế cũng tập trung giải quyết các vướng mắc, triển khai các dự án xây dựng các cơ sở y tế để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân, góp phần giảm tải bệnh viện; Tập trung công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính trong lĩnh vực y tế;
Trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp để bảo đảm công tác y tế dịp Tết, phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh cho nhân dân;
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại hội nghị
Về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá của ngành Y tế trong năm 2023
Tiếp tục tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác phù hợp trong tình hình mới; đặc biệt trong điều kiện các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế không còn thực hiện, nguồn lực cho công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở còn hạn chế;
Các nhiệm vụ cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, các dự án luật, các văn bản dưới luật để tạo hành lang pháp lý cũng như tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Ngành (hướng dẫn triển khai Luật khám bệnh chữa bệnh, đấu thầu thuốc, gói dịch vụ, đặc biệt đối với trang thiết bị và hóa chất…);
Nâng cao năng lực quản trị bệnh viện, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; Các giải pháp tập trung để xây dựng Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở; từng bước đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ngành Y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, (thực hiện Đề án sắp xếp tinh gọn bộ máy sẽ trình Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới sẽ có một số bệnh viện sẽ phải sáp nhập về địa phương); đề xuất các chính sách nâng cao chế độ đãi ngộ đối với cán bộ y tế theo đúng tinh thần Nghị quyết số 46-NQ/TW về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
Các giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin và thúc đẩy chuyển đổi số trong điều kiện nguồn lực cho công việc còn rất hạn chế; tăng cường truyền thông chính sách, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội; các giải pháp nâng cao công tác đào tạo nhân lực ngành Y tế; tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội lĩnh vực y tế...
Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan mong trong năm 2023 tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương; sự chia sẻ và đồng thuận của người dân để ngành Y tế phục hồi và phát triển bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ tin tưởng tất cả cán bộ y tế toàn ngành Y tế tiếp tục nêu cao tinh thần vượt khó, càng khó khăn càng phải thống nhất, đoàn kết, nêu cao y đức, tinh thần quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ toàn Ngành.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá về những kết quả đạt được trong các lĩnh vực của ngành Y tế trong năm 2022; các tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, nguyên nhân rút ra để có những giải pháp thiết thực, cụ thể cho năm 2023 và những năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị
Sau khi nghe phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tham luận của lãnh đạo một số Vụ/Cục/bệnh viện, đơn vị thuộc/trực thuộc Bộ Y tế và các ý kiến của lãnh đạo một số Bộ/ngành/địa phương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có phát biểu chỉ đạo tại hội nghị:
Thay mặt Chính phủ Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đồng chí lãnh đạo, công chức, viên chức và người lao động ngành Y tế tham dự Hội nghị cũng như tới toàn thể đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế trên toàn quốc lời thăm hỏi ân cần, lời tri ân sâu sắc và lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân 68 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam (27/02/1955 – 27/02/2023).
Theo đồng chí Thủ tướng Chính phủ, trong các giai đoạn lịch sử của đất nước, ngành Y đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức và đã nỗ lực vượt qua, hoàn thành tốt sứ mệnh cao cả của mình.
Hơn 3 năm qua, chúng ta bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch COVID-19 - cuộc chiến không tiếng súng nhưng đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ. Trong thời khắc cam go, một lần nữa, hàng trăm nghìn bác sĩ, cán bộ, nhân viên y tế không quản gian lao, ngày đêm bám trụ trên tuyến đầu, chiến đấu với dịch bệnh; những "chiến sĩ áo trắng" tạm gác lại việc nhà, việc mình, sẵn sàng đối diện với hiểm nguy để cùng cả nước ngăn chặn, đẩy lùi bằng được dịch bệnh.
"Những nỗ lực, cống hiến, hy sinh đó đã mang lại thành quả tích cực chống dịch quan trọng, góp phần để đất nước vừa thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển khá toàn diện trong năm 2022", Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, trong năm 2022 có những kết quả hết sức cụ thể của ngành Y tế, toàn Ngành đã tiếp tục triển khai chiến lược vaccine, trong đó chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia "đi sau về trước", có tỉ lệ bao phủ và hiệu suất sử dụng vaccine cao. Ngoài việc kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, ngành Y tế đã ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh khác, không để "dịch chồng dịch".
Ngành Y tế đã Đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao (số bác sĩ/10.000 dân, số giường bệnh/10.000 dân, tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế) và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế. Hoạt động khám, chữa bệnh thông thường hồi phục nhanh sau dịch bệnh COVID-19 và được triển khai hiệu quả; khám chữa bệnh từ xa, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới được tăng cường. Công tác an toàn thực phẩm được đẩy mạnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua (không xảy ra vụ việc ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng).
Công tác hoàn thiện thể chế được chú trọng, đẩy mạnh. Ngành Y tế đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và ban hành nhiều văn bản quan trọng khác. Đồng thời, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc, bất cập liên quan đến ngành Y tế như các luật về bảo hiểm y tế, dược, dân số, trang thiết bị y tế.... Hoàn thiện các chiến lược, quy hoạch, đề án lớn, tạo cơ sở quan trọng để tiếp tục phát triển ngành.
Công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số được đẩy mạnh. Nhiều dịch vụ công của Bộ Y tế đều được cung cấp ở cấp độ 4. Hoàn thành kết nối, chia sẻ giữa cơ sở dữ liệu tiêm chủng vaccine phòng, chống COVID-19 và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính về y tế với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở được nâng lên. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành; số ca mắc, tử vong giảm so với cùng kỳ năm 2021, không ghi nhận ổ dịch tập trung. Y học cổ truyền được quan tâm, đầu tư, phát triển, nhất là vùng trồng dược liệu.
Hệ thống tổ chức, bộ máy của Ngành được củng cố, kiện toàn theo hướng tinh gọn đầu mối gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tích cực triển khai Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị, trong đó có chủ trương về tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số; đã điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên mức 100%.
Việt Nam được đánh giá ngày càng cao trên bản đồ y tế thế giới. Có nhiều chuyên gia, bác sĩ đầu ngành có trình độ, tay nghề cao, có uy tín tầm khu vực và quốc tế. Nhiều lĩnh vực y tế chuyên sâu, mũi nhọn của Việt Nam được thế giới đánh giá cao (phẫu thuật nội soi tuyến giáp, ghép tạng, can thiệp tim mạch, bấm huyệt, châm cứu…).Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương tinh thần "Sâu y lý, giàu y đức, giỏi y thuật" của đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế và những kết quả mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2022, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Ngành.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém cần phải quyết liệt hành động để khắc phục nhanh, hiệu quả.
Với mục tiêu nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam, trong thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là các Nghị quyết số 20, 21 về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và công tác dân số trong tình hình mới.
Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, càng khó khăn, càng phải đoàn kết, chung sức, đồng lòng vì sức khỏe, tính mạng của đồng bào theo lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành Y tế từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc..." và theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Tiền hộ hậu ủng, nhất hô bá ứng, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt".
Với tinh thần "đã nói là làm, cam kết phải thực hiện, thực hiện phải hiệu quả cụ thể, cân đong đo đếm được", Thủ tướng lưu ý thêm một số nội dung sau:
Thứ nhất, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức;
Thứ hai, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh; xây dựng, sửa đổi các luật đã được đưa vào kế hoạch của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ. Đồng thời, thường xuyên rà soát các văn bản quy phạm pháp luật nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện như đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT...;
Thứ ba, tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác, không để dịch chồng dịch. Nâng cao năng lực phân tích, dự báo, xây dựng kịch bản, ứng phó dịch bệnh. Tiếp tục triển khai Chương trình Tiêm chủng mở rộng, có giải pháp bảo đảm duy trì hiệu lực của vaccine. Tăng cường quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh nghề nghiệp... Thực hiện hiệu quả kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các khu công nghiệp, trường học, các khu vực tập trung đông người, mùa lễ hội…; nghiên cứu xây dựng trạm y tế tại các khu công nghiệp;
Thứ tư, triển khai đánh giá kết quả thực hiện việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập để hoàn thiện các quy định về mô hình tự chủ, đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công-tư trên cơ sở tìm điểm cân bằng để lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, bệnh viện và người dân, phòng chống lợi ích nhóm, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Y tế khẩn trương sửa đổi Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017, Nghị định số 29/2018/NĐ-CP theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính để giải quyết vướng mắc về thẩm quyền phê duyệt quyết định mua sắm, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, xác lập sở hữu toàn dân đối với trang thiết bị, vật tư tiêu hao…;
Thứ năm, khẩn trương tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW về củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở, làm căn cứ xây dựng, trình ban hành Chỉ thị của Ban Bí thư về phát triển y tế cơ sở trong tình hình mới;
Thứ sáu, triển khai quyết liệt các chương trình, dự án đầu tư nâng cao năng lực hệ thống y tế, nhất là các dự án y tế cơ sở, y tế dự phòng thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm phát triển y tế vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số… Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong lĩnh vực y tế; tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng như Bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa cơ sở 2… Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên đầu tư nhằm nâng cao năng lực y tế từ nguồn tăng thu và cho phép cơ sở y tế công lập được tiếp cận các nguồn tín dụng ưu đãi, vay thương mại.
Thủ tướng yêu cầu các cơ quan khẩn trương trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị quyết 144/NQ-CP năm 2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế;
Thứ bảy, triển khai hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy nhanh việc triển khai sổ y bạ điện tử kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ công tác tư vấn, khám chữa bệnh từ xa… Phối hợp với Bộ Công an khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết các thủ tục y tế, khám chữa bệnh cho người dân;
Thứ tám, đẩy mạnh thực hiện chiến lược quốc gia phát triển ngành dược, công nghiệp hóa dược, phát huy thế mạnh của Việt Nam, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả. Nâng cao năng lực tự chủ về nguyên liệu, các loại thuốc chữa bệnh trong nước có chất lượng, giá cả hợp lý, từng bước thay thế thuốc nhập khẩu. Thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển y học cổ truyền, kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại. Phát triển, xây dựng thương hiệu đối với một số lĩnh vực y học hiện đại và y học cổ truyền mà Việt Nam có thế mạnh. Đẩy mạnh phát triển du lịch chữa bệnh;
Thứ chín, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế, không để tiếp diễn tình trạng người bệnh phải "mua ngoài". Vừa qua, chúng ta đã giải quyết được một bước vấn đề này và phải tiếp tục làm. Tập trung quản lý, cấp phép, gia hạn thuốc, trang thiết bị y tế kịp thời, công khai, minh bạch. Khắc phục tâm lý "sợ sai", "làm ít sai ít", "không làm, không sai" đang xảy ra ở một số cơ sở y tế. Nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút nguồn nhân lực y tế chất lượng cao; tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nghiên cứu khoa học công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, bảo đảm cân đối giữa các tuyến, lĩnh vực, vùng miền...;
Thứ mười, làm tốt công tác thông tin, truyền thông để người dân thay đổi nhận thức, thói quen, chủ động tự bảo vệ, nâng cao sức khỏe của bản thân, giảm gánh nặng cho công tác y tế; để người dân thấu hiểu, chia sẻ và đóng góp hoàn thiện chính sách y tế, tạo thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ của ngành; đồng thời, củng cố hình ảnh người Thầy thuốc Việt Nam;
Mười một, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan trong hệ thống chính trị, giữa các Bộ ngành, các địa phương và tăng cường hợp tác quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan Đảng, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đoàn thể, hiệp hội, doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân tiếp tục đồng hành, quan tâm, tạo điều kiện, chia sẻ, ủng hộ ngành Y tế.
Thủ tướng tin tưởng ngành Y tế tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vẻ vang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những tấm gương Thầy thuốc quên mình vì Tổ quốc, vì Nhân dân, đạt kết quả năm 2023 cao hơn năm 2022, đưa ngành Y tế phát triển nhanh và bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ cao cả chăm sóc và nâng cao sức khỏe, bảo vệ tính mạng nhân dân./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT