Sáng ngày 11/11/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản pháp luật, hướng dẫn luật phòng, chống tác hại của rượu, bia. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế; Bộ Công thương; Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch, Sở Thông tin truyền thông các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung Tây Nguyên; đại diện các Bộ/Ban/ngành/đơn vị liên quan.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: trong giai đoạn vừa qua, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân, trở thành một điểm sáng trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, được quốc tế đáng giá cao. Tuy nhiên, bên cạnh các thách thức truyền thống như bệnh truyền nhiễm, gánh nặng bệnh không lây nhiễm vẫn đang là trở ngại lớn cho ngành Y tế cũng như sự phát triển đất nước. Trong đó, sử dụng rượu, bia là một trong những yếu tố nguy cơ mắc bệnh không lây nhiễm…
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rượu bia đứng hàng thứ 5 trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu và còn là nguyên nhân của nhiều bệnh không lây nhiễm nguy hiểm khác. Uống rượu bia gây ra các hậu quả cấp tính hoặc mạn tính, tác hại với cả người uống, người xung quanh cũng như cộng đồng xã hội. Một số tác hại có thể xảy ra ngay sau khi uống như chấn thương, gây tai nạn giao thông hay ngộ độc rượu bia.... Một số tác hại khác diễn ra từ từ và kéo dài như gây các tổn thương mạn tính đối với sức khỏe (mắc bệnh ung thư, bệnh lý tim mạch, xơ gan, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, ngộ độc bào thai do bà mẹ sử dụng rượu bia…) hay các vấn đề xã hội lâu dài như tác hại đối với gia đình, suy giảm chất lượng nhân lực, chất lượng dân số, phá vỡ các mối quan hệ gia đình, xã hội.
Tại Việt Nam, rượu, bia là một trong 03 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia chiếm tới 1% GDP (khoảng 50.000 tỷ đồng theo GDP năm 2017). Ước tính chưa đầy đủ cho thấy tổng gánh nặng trực tiếp của 6 bệnh ung thư mà rượu bia là một trong những nguyên nhân cấu thành chính (ung thư vú, đại trực tràng, gan, khoang miệng, dạ dày, cổ tử cung) đã là 25.789 tỷ đồng chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012.
Trong khi đó, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người Việt Nam (trên 15 tuổi) đã tăng từ 3,8 lít cồn/người/năm trong giai đoạn 2003 - 2005 lên tới 6,6 lít cồn/người/năm giai đoạn 2008 -2010. Tỷ lệ uống rượu bia ở cả hai giới đang ngày càng gia tăng. Nếu như năm 2010 có 70% nam và 6% nữ giới trên 15 tuổi có uống rượu bia trong 30 ngày qua thì sau 5 năm, đến năm 2015 tỷ lệ này đã tăng lên tương ứng là 80,3% ở nam giới và 11,6% ở nữ giới. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên là 79,9% đối với nam và 36,5% đối với nữ. Năm 2015 có tới 44,2% nam giới uống rượu bia ở mức nguy hại (trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60 gam cồn trở lên).
Đồng chí Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nêu rõ: Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đã đáp ứng yêu cầu cấp thiết trong phòng, chống các yếu tố nguy cơ của bệnh không lây nhiễm, phòng chống tai nạn giao thông, bạo lực, tội phạm góp phần hạn chế gánh nặng do tác hại của rượu bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.
Để triển khai thực hiện Luật một cách kịp thời, đồng bộ, hiệu quả, thống nhất trên toàn quốc tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trong phòng, chống tác hại của rượu bia của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp, đảm bảo các văn bản này đi vào cuộc sống, có tính khả thi và hiệu quả thì công tác tuyên truyền, phố biến luật là hết sức quan trọng.
Đồng chí Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng đề nghị, trên cơ sở kết quả của Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo, đại diện các Bộ, các sở ban ngành, cơ quan, tổ chức sẽ quán triệt các nội dung quy định của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương về phòng, chống tác hại của rượu, bia và chủ động tổ chức thực hiện hiệu quả tại bộ, ngành,địa phương.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phổ biến Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ
Tại Hội nghị, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đã phổ biến Nghị định số 24/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật phòng, chống tác hại của rượu, bia và Chỉ thị số 19/CT-BYT về việc tăng cường thực thi các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia trong ngành Y tế; Đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương phổ biến nội dung lĩnh vực kinh doanh rượu tại Nghị định 17/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công thương và Thông tư số 26/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương quy định biểu mẫu kê khai của hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công không nhằm mục đích kinh doanh; Tham luận của Đại diện Sở Y tế thành phố Đà Nẵng về Tình hình triển khai Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại địa phương; ông Trần Ngọc Duy, chuyên viên Vụ Pháp chế Bộ Y tế phổ biến nội dung về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vi phạm về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị Triển khai một số văn bản pháp luật hướng dẫn Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia khu vực miền Trung, Tây Nguyên nhằm giới thiệu các nội dung cơ bản trong các văn bản của Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương. Đồng thời, đây cũng là dịp để các địa phương có thể trao đổi, giải đáp, chia sẻ thông tin và thảo luận để đề xuất được những giải pháp, sáng kiến nhằm triển khai các văn bản đạt hiệu quả cao nhất./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT