Bộ y tế
Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng COVID-19
25/08/2022 - 166
Sáng ngày 25/8/2022, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng COVID-19. Hội nghị kết nối trực tuyến đến các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố. PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo và chuyên viên một số Vụ, Cục, Văn phòng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các đơn vị liên quan.
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu
Tại hội nghị, các đại biểu được nghe báo cáo tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 và kế hoạch phân bổ vắc xin COVID-19 cuối năm 2022; Hướng dẫn giám sát bệnh đậu mùa khỉ; Báo cáo về hệ thống công nghệ thông tin quản lý dữ liệu tiêm chủng và thống kê các bệnh truyền nhiễm; các địa phương cũng báo cáo một số khó khăn cũng như giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng COVID-19.
Để đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo lên phương án đẩy nhanh tốc độ tổ chức tiêm liều cơ bản cho trẻ em 5-11 tuổi trong tháng 8-9/2022 và tiêm nhắc cho đối tượng 12-17 tuổi hoàn thành trong quý III/2022 ngay khi trẻ quay lại trường học. Tổ chức tiêm nhắc cho người từ 18 tuổi trở lên, đặc biệt những người đang làm việc tại các khu công nghiệp, cán bộ tuyến đầu, lực lượng công an, bộ đội, giáo viên, cung cấp dịch vụ cơ bản... Tăng cường rà soát, quản lý đối tượng, tăng độ bao phủ mũi 3 đạt trên 90%.
Theo báo cáo của đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, đến thời điểm này tổng số mũi tiêm trên toàn quốc là 255.132.271 mũi tiêm; nhóm từ 18 tuổi trở lên liều cơ bản đạt 100%, mũi thứ 3 75,6%, mũi 4 đạt 70%; Nhóm từ 12-17 tuổi, liều cơ bản đã đạt trên 100%, mũi thứ 3: 4.189.401 (48,5%). Đặc biệt với nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi tỷ lệ tiêm mũi thứ 1 đạt 80%, mũi thứ 2 đạt 51%, trong đó có nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm mũi 2 thấp dưới 40% như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắc Lắc, Khánh Hòa….
Đại diện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết thêm, một số địa phương đăng ký số lượng vắc xin thấp hơn nhiều so với số đối tượng chưa được tiêm chủng. Khi kết quả tiêm tăng lên, nhu cầu vắc xin cao hơn so với số đăng ký. Điều này dẫn tới công tác dự báo và dự trữ vắc xin khó khăn, dẫn tới thiếu vắc xinVề nguồn cung vắc xin, theo dự kiến vào tháng 9 tới, Việt Nam sẽ tiếp nhận 7.8 triệu liều vắc xin viện trợ cho người từ 12 tuổi trở lên, trong đó 1,2 triệu liều Pfizer từ COVAX, 4,2 triệu liều Pfizer từ Chính phủ Úc qua UNICEF, 2,36 triệu liều AZ từ VNVC. Cùng thời điểm này, Việt Nam cũng sẽ tiếp nhận 0.6 triệu liều vắc xin viện trợ cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi từ COVAX và Asean.
Hình ảnh các điểm cầu tham dự hội nghị
Về công tác phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, hiện Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2265/QĐ-BYT Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ. Hướng dẫn này sẽ được cập nhật, bổ sung, chỉnh sửa khi ghi nhận thông tin mới về tình hình dịch hoặc đặc điểm mới của bệnh đậu mùa khỉ ảnh hưởng tới việc giám sát, phòng, chống…
Về kết quả triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19, đại diện Cục Công nghệ thông tin cho biết: đã ghi nhận thông tin tiêm chủng của từng người dân với 234.897.454 mũi tiêm. Hiện còn khoảng 16,7 triệu mũi tiêm chưa được nhập lên hệ thống.
Kết nối, chia sẻ, xác thực dữ liệu về tiêm chủng COVID-19 với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư: hiện có khoảng 37 triệu mũi tiêm có mã số CCCD/CMND nhưng sai thông tin (họ tên, ngày sinh, thông tin khác…) với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Có khoảng 4 triệu người tương ứng 10 triệu mũi tiêm không có thông tin CCCD/CMTND. Nguyên nhân do ngành Y tế địa phương đã bàn giao dữ liệu cho công an địa phương thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Công an “làm sạch” dữ liệu nhưng chưa có kết quả. Vì trong thời gian đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng thần tốc nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, việc khai thác và cập nhật thông tin CCCD/CMTND tại các cơ sở tiêm chủng chưa được đầy đủ và kịp thời.
Ngoài ra, có 15.043.923 mũi 4 và 116.791 mũi 5 chưa gửi được từ nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 sang cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Về triển khai ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”, tính đến ngày 24/08/2022 đã có hơn 43 triệu người dân tiêm chủng đã được ký xác nhận.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các tỉnh/thành phố thành lập các tổ công tác liên ngành trong đó ngành Y tế làm nòng cốt để tiến hành tiêm chủng an toàn, đảm bảo cung cấp vắc xin…
Đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur tiếp tục hướng dẫn chỉ đạo, đôn đốc các địa phương tăng cường tiến độ tiêm chủng phòng COVID-19 theo đúng tiến độ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
“Đối với bệnh đậu mùa khỉ, Bộ Y tế đã ban hành hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ, đề nghị các địa phương tổ chức phổ biến, tập huấn đến các đơn vị liên quan trên địa bàn; Tùy theo diễn biến của dịch bệnh đậu mùa khỉ, các kết quả điều tra, nghiên cứu dịch tễ học, vi rút học, lâm sàng và các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cập nhật và điều chỉnh hướng dẫn cho phù hợp” - Thứ trưởng chỉ đạo.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT