Bộ y tế
Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19
24/11/2022 - 110
Chiều ngày 23/11/2022, Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch và công tác tiêm chủng phòng COVID-19. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Trung ương có TS.Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, đại diện các Vụ/Cục/Văn phòng/đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Giáo dục
Điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố có đại diện lãnh đạo UBND, Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật, các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế trên địa bàn, Sở Giáo dục và Đào tạo và các phòng ban liên quan...
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dịch COVID-19 cơ bản vẫn được kiểm soát tốt trên phạm vi cả nước; đồng thời đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để kiểm soát tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Với dịch COVID-19, cả nước đã ghi nhận trên 11,5 triệu ca mắc, hơn 10,6 triệu người khỏi bệnh (92,2%) và hơn 43.000 ca tử vong (0,38). Tính trên 1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.336 ca nhiễm); số tử vong xếp thứ 139/230 nước trên thế giới, 03/11 nước khu vực ASEAN.
Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 9.779.921 ca mắc (chiếm 85% tổng số mắc đợt dịch thứ 4), trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 7.833.352 ca mắc (chiếm 80% tổng số ca mắc trong năm) với trung bình có 90.000 ca mắc mới hàng ngày, tuy nhiên số mắc đã giảm mạnh từ tháng 4 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận trung bình 400 ca mắc mới mỗi ngày.
Về số ca nặng, nguy kịch tiếp tục có xu hướng giảm, so với tháng trước giảm 23,7%.
Về số tử vong, từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 10.775 ca tử vong (chiếm 25% tổng số tử vong đợt dịch thứ 4), trong đó riêng 3 tháng đầu năm 2022 ghi nhận 10.099 ca tử vong (chiếm 93,7% tổng số tử vong trong năm) với trung bình có 112 ca tử vong hàng ngày, tuy nhiên số tử vong đã giảm mạnh từ tháng 4 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận rải rác 1-2 ca tử vong mỗi ngày, nhất là có tuần không ghi nhận tử vong nào.
“Dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Miễn dịch đáp ứng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; vi rút liên tục biến đổi với các biến chủng mới, biến chủng phụ tiềm ẩn khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại”- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương và Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chủ trì hội nghị
Với bệnh sốt xuất huyết, số mắc trên cả nước tiếp tục ghi nhận ở mức cao. Khu vực miền Bắc và miền Trung có xu hướng tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội số mắc chưa có dấu hiệu giảm và đã có các trường hợp tử vong. Dự báo trong thời gian tới nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch tại cộng đồng.
Với bệnh đậu mùa khỉ, thế giới ghi nhận 80.221 ca mắc tại 110 quốc gia trong đó đã có 52 ca tử vong. Việt Nam đã ghi nhận 02 trường hợp mắc bệnh Đậu mùa khỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đều là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài về và đã được giám sát phát hiện và quản lý kịp thời ngay khi về nước. Trong thời gian tới, nguy cơ tiếp tục ghi nhận trường hợp mắc mới do dịch bệnh đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia, đặc biệt ở các nước trong khu vực, nhất là trong bối cảnh hầu hết các quốc gia đã mở cửa trở lại và giao thương đi lại gia tăng sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.
Với bệnh Whitmore, theo báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương và của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã nghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Whitmore (tên gọi khác là bệnh Melioidosis) do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra. Có 2 trường hợp điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương là trẻ em sinh sống tại 2 huyện của tỉnh Thanh Hóa, 01 trường hợp đã tử vong; 03 trường hợp ghi nhận tại 3 huyện của tỉnh Đắc Lắc, có 1 trường hợp là trẻ em.
Đây tuy là bệnh không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, có tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những đối tượng có nguy cơ. Điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm, nhất là tại những vùng bị mưa lũ, ngập lụt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên tiềm ẩn nguy cơ có thêm các trường hợp mắc bệnh Whitmore tại các địa phương.
Các điểm cầu tham dự hội nghị
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp xây dựng và ban hành Kế hoạch số 1557/KH-BYT-BGDĐT ngày 18/11/2022 về tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục.
Quán triệt các quan điểm chỉ đạo và tập trung thực hiện các mục tiêu theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 tại Thông báo 288/TB-VPCP ngày 19/9/2022 của Văn phòng Chính phủ và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các Công điện của Thủ tướng Chính phủ: Công điện 680/CĐ-TTg ngày 01/8/2022, Công điện 755/CĐ-TTg ngày 25/8/2022 về việc tăng cường công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 và công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, phòng chống bệnh đậu mùa khỉ; đồng thời tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 6182/VPCP-KGVX ngày 19/09/2022.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp tăng cường triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh tại các cơ sở giáo dục và các dịch bệnh khác; đề nghị các đơn vị chuyên môn báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến độ tiêm chủng vắc xin, nhất là công tác phối hợp triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới; trên cơ sở đó đề nghị các đồng chí tập trung thảo luận, chia sẻ ý kiến góp ý để hội nghị đạt mục tiêu đề ra.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết việc đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng vaccine COVID-19 cho trẻ em và học sinh là giải pháp căn cơ để duy trì thành quả phòng, chống dịch. Tuy nhiên, thời gian qua dịch cơ bản được khống chế, nhiều người có tâm lý chủ quan nên trì hoãn việc tiêm chủng. Hiện một số tỉnh/thành có tình trạng tiêm vaccine mũi 2 và mũi 3 còn chậm, chưa đạt 50% đối tượng có chỉ định.
Để tăng cường triển khai tiêm vaccine phòng COVID19 cho trẻ từ 5 đến dưới 18 tuổi, liên Bộ Y tế và Giáo dục đào tạo vừa ban hành kế hoạch tăng cường triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh trong các cơ sở giáo dục. Kế hoạch hướng đến mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ vaccine COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi và mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi nhằm tăng cường hiệu quả phòng bệnh.
Theo kế hoạch, tối thiểu 80% trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đối tượng chỉ định được tiêm vaccine COVID-19 mũi 3; Tối thiểu 80% trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong các cơ sở giáo dục thuộc đổi tượng chỉ định được tiêm đủ 2 liều vaccine COVID-19.
Với nhóm trẻ mầm non, hai Bộ sẽ định kỳ ít nhất một lần/tuần thông tin cập nhật về tiến độ tiêm chủng, thông tin về các tỉnh thành tiêm chậm để chỉ đạo liên ngành.
TS.Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết phát biểu
TS.Angela Pratt, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, WHO đánh giá thế giới vẫn đang trong giai đoạn đại dịch và cảnh báo về những biến thể mới của SARS-CoV-2 có thể làm cho dịch COVID-19 trở nên phức tạp, nguy cơ gia tăng trở lại đồng thời khuyến cáo việc duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là tiêm chủng vắc xin.
Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác phòng, chống các dịch bệnh cũng như công tác tiêm chủng tại Việt Nam.
Quang cảnh hội nghị
Tại hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các đơn vị chuyên môn báo cáo về công tác phòng, chống dịch bệnh, tiến độ tiêm chủng vaccine, công tác phối hợp triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em mầm non, học sinh, khó khăn, thách thức và đề xuất các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong thời gian tới./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT