Bộ y tế
Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
11/04/2024 - 107
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh
Ngày 10/4/2024, Bộ Y tế đã tổ chức “Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh” với sự tham gia của đại diện các cơ quan Trung ương, lãnh đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các đơn vị y tế tại Trung ương và địa phương. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến kết nối với trên 120 điểm cầu trên cả nước.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết hiện nay tình hình bệnh truyền nhiễm trên thế giới đang diễn biến phức tạp, nhất là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong những năm qua đã ảnh hưởng đến tỷ lệ tiêm chủng vắc xin cho trẻ em, một số bệnh có vắc xin phòng bệnh đã có xu hướng gia tăng. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) gần đây đã đưa ra cảnh báo về việc gia tăng số ca mắc bệnh sởi và nguy cơ bùng phát dịch sởi tại nhiều khu vực trên toàn thế giới; tại khu vực châu Âu, số ca mắc bệnh năm 2023 là hơn 300.000 ca, tăng hơn 30 lần so với năm 2022; tại khu vực Tây Thái Bình Dương, số ca mắc bệnh sởi đã tăng 255% từ năm 2022 đến năm 2023. Năm 2022 toàn cầu ghi nhận hơn 62.000 ca mắc ho gà, tăng 111,5% so với năm 2021, từ đầu năm 2024 đến nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận tình trạng gia tăng các ca mắc ho gà tại Hà Lan, Vương quốc Anh, Philippines... Bệnh sốt xuất huyết tăng mạnh ở châu Mỹ, Tổ chức Y tế liên châu Mỹ (PAHO) cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết nghiêm trọng ở Trung và Nam Mỹ khi số ca bệnh khu vực này đã vượt quá 3,5 triệu người, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có hơn 1.000 ca tử vong.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc
Tại Việt Nam, trong thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ban ngành từ Trung ương đến địa phương, công tác phòng, chống sốt xuất huyết đã thu được những thành quả đáng khích lệ, các bệnh truyền nhiễm lưu hành cơ bản vẫn đang được kiểm soát, tuy nhiên trong bối cảnh chung của thế giới, tại nước ta một số bệnh có vắc xin phòng bệnh ghi nhận rải rác các trường hợp mắc, đã bắt đầu có xu hướng tăng, bệnh sởi ghi nhận tại Hà Tĩnh, Sơn La, Cà Mau, Bình Thuận, Thanh Hóa...; bệnh ho gà ghi nhận tại Nghệ An, Hà Nội, Hồ Chí Minh... Đồng thời một số bệnh lưu hành vẫn ghi nhận số mắc ở mức cao như bệnh tay chân miệng tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023, bệnh sốt xuất huyết hàng năm vẫn ghi nhận số mắc cao. Tại nước ta cũng đã ghi nhận trường hợp tử vong do cúm A(H5N1) tỉnh Khánh Hòa và trường hợp đầu tiên mắc cúm A(H9N2) tại tỉnh Tiền Giang.
Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường tạo điều kiện cho các loại mầm bệnh phát triển, nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Trước diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, quán triệt quan điểm chỉ đạo phòng, chống bệnh từ sớm, từ xa của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, để chủ động công tác phòng, chống dịch bệnh, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến toàn quốc để tăng cường triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh để tập trung thảo luận, phân tích các vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân, các khó khăn, vướng mắc và các giải pháp trọng tâm cần triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch trong thời gian tới; đề nghị các ý kiến cần toàn diện, sâu sắc, cụ thể vào các giải pháp, trách nhiệm thực hiện của từng đơn vị, địa phương.
TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế báo cáo tại hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, TS. Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2,3 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, các tỉnh khu vực phía Nam có trên 7.500 ca, chiếm 74,1% tổng số ca mắc tay chân miệng của cả nước, miền Bắc có trên 1.300 ca mắc, tiếp đến là miền Trung với khoảng 1.000 ca mắc; khu vực Tây Nguyên ghi nhận ít nhất tính đến nay với 200 ca mắc. Đến thời điểm này chưa ghi nhận ca tử vong do tay chân miệng. Số ca mắc tay chân miệng ghi nhận chủ yếu ở các cơ sở giáo dục mầm non, có đến trên 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh.
Tay chân miệng là bệnh đến nay vẫn chưa có vaccine phòng bệnh, trong khi bệnh này lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Dẫn đến nguy cơ lây truyền bệnh khi trẻ sinh hoạt tập thể tại cơ sở giáo dục mầm non, nhưng công tác tác phối hợp, giám sát phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục mầm non lại chưa hiệu quả...
Về bệnh sốt xuất huyết, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 14.542 trường hợp mắc, giảm khoảng 49% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó miền Nam có trên 8.100 ca (chiếm 56,1%); tiếp theo là khu vực miền Trung vơi trên 4.700 ca (chiếm 32,9%); các tỉnh miền Bắc ghi nhận trên 800 ca (chiếm 6%); các tỉnh Tây Nguyên ghi nhận trên 700 ca (chiếm 5%). Việt Nam lưu hành cả 4 týp virus Dengue, tuy vậy trong năm 2023 týp D2 chiếm 88,7%; năm 2024 týp D2 chiếm 70,7%.
Về các dịch bệnh đã có vaccine dự phòng, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 130 ca mắc sởi, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ 2023. Các ca mắc ghi nhận trong năm, có xu hướng cao trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 4.
Tỷ lệ tiêm vaccine sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng giảm trong giai đoạn dịch COVID-19, trong khi sởi là bệnh có tính lây truyền cao, chỉ có thể cắt đứt được sự lây truyền của bệnh trong cộng đồng khi đạt được tỷ lệ miễn dịch bảo vệ đặc hiệu rất cao (>95%) trong cộng đồng"- ông Hoàng Minh Đức nói và cho biết WHO cảnh báo dịch sởi tái bùng phát trên toàn cầu; còn tại Việt Nam, trong thời gian tới có thể tiếp tục ghi nhận một số ca mắc mới, các ổ dịch nhất là tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp trong nhiều năm qua...
Về ho gà, đến nay cả nước đã ghi nhận 118 ca mắc, tăng 6,8 lần so với cùng kỳ 2023. Riêng tại Hà Nội trong số 48 ca mắc chủ yếu dưới 3 tháng tuổi (38/48 trường hợp, chiếm 79%), có 47/48 trường hợp chưa tiêm/chưa đến lịch tiêm vaccine có thành phần ho gà trong đó 27 trường hợp dưới 2 tháng tuổi, chưa đến lịch tiêm chủng; chỉ có 01/48 trường hợp được tiêm 2 mũi vaccine có thành phần ho gà. Cả nước cũng ghi nhận hơn 4.400 ca thuỷ đậu, giảm 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2023; từ đầu năm đến nay có 3 ca bệnh bạch hầu.
Để phòng, chống các bệnh có vaccine dự phòng cần tăng cường triển khai tiêm chủng thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng, đảm bảo an toàn, hiệu quả, đặc biệt quan tâm các bệnh có vaccine nhưng vẫn có tỷ lệ mắc hàng năm sởi, ho gà, bạch hầu. Các địa phương cần xác định điểm có ổ dịch nhỏ hoặc khu vực có nhiều ca mắc rải rác trên cơ sở đó có đánh giá tỷ lệ tiêm chủng qua phần mềm báo cáo tiêm chủng và điều tra dịch tễ tiêm chủng nhằm tập trung đẩy mạnh tiêm bù, tiêm vét, tiêm đầy đủ.
Đối với bệnh thủy đậu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý cần tăng cường truyền thông người dân hiểu đây là dịch bệnh có vaccine và khuyến khích các cháu tiêm chủng dịch vụ, trong trường hợp địa phương có số mắc lớn đề nghị CDC đánh giá dịch tễ học và địa phương chủ động vấn đề vaccine tiêm cho trẻ. Bên cạnh đó việc chống dịch bệnh thủy đậu được tiến hành giống các biện pháp như các biện pháp chống dịch bệnh tay chân miệng đặc biệt ở các cơ sở giáo dục.
Báo cáo về công tác thu dung, điều trị bệnh truyền nhiễm tại các cơ sở khám, chữa bệnh TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Cục Quản lý khám chữa bệnh đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện với mục tiêu chủ động chuẩn bị và sẵn sàng ứng phó với các dịch bệnh, hạn chế lây nhiễm trong bệnh viện, giảm, hạn chế tỉ lệ tử vong và duy trì hoạt động của các bệnh viện trong trường hợp dịch lan rộng
Toàn bộ các cơ sở khám chữa bệnh sẵn sàng thu dung, điều trị các ca bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thực hiện phân tuyến các cơ sở điều trị từ y tế cơ sở, bệnh viện tuyến điều trị mở rộng và tại chỗ, bệnh viện tuyến điều trị chủ yếu và bệnh viện điều trị tuyến cuối với nhiệm vụ cụ thể.
TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh báo cáo tại hội nghị
Ngoài ra, việc phân tuyến còn phụ thuộc theo từng loại dịch bệnh, từng tình huống dịch và được phân tuyến chi tiết theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị. Dịch bệnh lây theo đường hô hấp (cúm, sởi, COVID-19…): chủ yếu cách ly điều trị tại chỗ, tuyến trên hỗ trợ từ xa hoặc tại chỗ. Dịch bệnh khả năng lây hạn chế hơn (tay chân miệng, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ…), ngoài điều trị tại chỗ có thể chuyển tuyến khi quá khả năng, năng lực của đơn vị. Dịch bệnh mới nổi: các ca bệnh đầu tiên nên điều trị tại các tuyến cuối để kịp thời rút kinh nghiệm, xây dựng hướng dẫn điều trị. Phân loại nguy cơ để thực hiện cách ly, điều trị tại nhà, nhập viện khi cần theo tiêu chí nhập viện.
Đối với đại dịch cần tổ chức cơ sở điều trị đa tầng. Thiết lập các tổ điều phối chuyển tầng, tổ giám sát và hỗ trợ công tác chuyển tuyến, chuyển tầng hiệu quả, an toàn. Chuẩn bị các điều kiện về hậu cần theo tình hình dịch: trang thiết bị hồi sức cấp cứu, thuốc, dịch truyền, hệ thống khí oxy,…. Về nhân lực: chú trọng đào tạo nhân lực đặc biệt là nhân lực hồi sức từ tuyến cơ sở; chủ động công tác đào tạo tại chỗ. Sở Y tế các tỉnh nghiên cứu, bổ sung nhân lực trong mọi lĩnh vực (chuyên môn, kiểm soát nhiễm khuẩn, dinh dưỡng) phân bổ tại các cơ sở điều trị phù hợp. Mô hình hóa, ước tính tỷ lệ để có kế hoạch đáp ứng.
Cục Quản lý khám chữa bệnh thực hiện thành lập và duy trì hoạt động của các Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế để kịp thời xây dựng, cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị các bệnh dịch; xây dựng, sửa đổi các hướng dẫn về kiểm soát lây nhiễm trong bệnh viện, các quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn trong bệnh viện; tổ chức họp Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế để xem xét các đề xuất về chuyên môn của các bệnh viện; kịp thời họp xem xét các trường hợp tử vong do bệnh dịch để rút kinh nghiệm điều trị.
Khi có dịch bệnh xảy ra có văn bản kịp thời chỉ đạo các Sở Y tế, các bệnh viện trực thuộc chuẩn bị cơ sở, vật chất, trang thiết bị để thu dung, tiếp nhận người bệnh. Dự trù đủ thuốc, dịch truyền đáp ứng công tác điều trị. Phối hợp các Vụ/Cục, đơn vị của Bộ Y tế tìm kiếm nguồn thuốc nguồn cung ứng, thuốc hiếm; tập huấn cho các cán bộ y tế tham gia công tác điều trị bệnh dịch; rà soát lại quy trình, sơ đồ tiếp nhận, phân loại người bệnh ngay từ khu vực khám bệnh, sàng lọc, phân luồng để chấn chỉnh nhằm phát hiện kịp thời các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh; hướng dẫn nhân viên y tế tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng ngừa chuẩn và phòng lây nhiễm qua đường không khí khi tiếp xúc với người bệnh và hướng dẫn cho người bệnh, người nhà cùng thực hiện; chỉ đạo các bệnh viện tuyến cuối tăng cường công tác chỉ đạo tuyến theo phân công, hỗ trợ kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến dưới bảo đảm công tác điều trị tại chỗ phòng lây nhiễm.
PGS.TS Dương Thị Hồng – Phó viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương báo cáo tại hội nghị
Tại Hội nghị, các đơn vị từ Trung ương và địa phương chia sẻ về tình hình dịch bệnh, những khó khăn, thách thức cũng như các bài học kinh nghiệm và giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động triển khai các biện pháp khống chế dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân, đảm bảo an ninh y tế của quốc gia, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng chúng ta đã đảm bảo được nhưng những bệnh có vắc xin thì lại xuất hiện những đối tượng chưa đến tuổi tiêm vắc xin và chúng ta cần bổ sung những hướng dẫn trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Như vậy theo nhận định thì dịch bệnh năm 2024 sẽ phức tạp hơn so với năm 2023 nếu như chúng ta không chủ động phòng, chống dịch; cần chủ động trong cả ngồn lực, chủ động trong giám sát, dự phòng để dự báo sớm tình hình dịch, nhận định đúng tình dịch và triển khai được các biện pháp phòng, chống dịch.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại hội nghị
Thực tế hiện nay các bệnh chưa có vắc xin như tay chân miệng đã tăng ngay từ đầu năm không như định kì hàng năm là khoảng tháng 7 đến tháng 11. Với sốt xuất huyết mặc dù tỷ lệ chung có giảm nhưng ở miền Bắc thì lại tăng trên 40%. Cúm gia cầm có những loại lây sang người nhiều năm chưa có thì nay lại xuất hiện. Cúm A H9 lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Một số bệnh lây truyền qua biên giới như bệnh than ở Lào cũng có nguy cơ rất cao.
Những bệnh đã có vắc xin phòng bệnh cũng phát sinh do có những đối tượng chưa đến tuổi tiêm và từ ảnh hưởng của dịch COVID-19 dẫn đến một số trường hợp đã mắc nhưng chưa bùng phát mạnh.
Các tỉnh, thành phố và các địa phương đã triển khai rất quyết liệt bằng mọi biện pháp để phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, còn một số lãnh đạo địa phương chưa quyết liệt và Sở Y tế chậm tham mưu cho lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh dẫn đến tình hình dịch bệnh chưa được giải quyết triệt để; các địa phương cần xem lại về tính chủ động và chủ chương bốn tại chỗ trong công tác phòng, chống dịch nếu không thì dịch vẫn tiếp tục xảy ra. Các tỉnh cần xem lại kế hoạch phòng, chống dịch bệnh đã được ban hành chưa và đã phù hợp với thực tế địa phương hay chưa, nhận định đúng tình hình dịch chưa, căn cứ vào những tồn tại nguyên nhân để đưa ra những giải pháp thực sự đúng đắn chưa để triển khai công tác phòng, chống dịch.
Nếu không chủ động trong công tác truyền thông thì công tác phòng, chống dịch sẽ không hiệu quả. Truyền thông là giúp người dân chủ động phòng bệnh.
Bộ Y tế đã ban hành đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn thì đề nghị các tỉnh, địa phương nghiên cứu kĩ để thực hiện công tác phòng, chống dịch một cách đầy đủ nhất. Cùng với sự phối hợp liên ngành là hết sức quan trọng, phối hợp trong phòng, chống dịch giữa y tế với nông nghiệp, giữa y tế với giáo dục, giữa y tế với truyền thông và các sở ngành khác. Nếu không có sự phối hợp liên ngành thì chúng ta không thể triển khai đồng bộ hoạt động phòng, chống dịch có hiệu quả.
Cần giao chỉ tiêu, giao trách nhiệm cho các đơn vị, địa phương để nêu cao tinh thần trách nhiệm trong hoạt động phòng, chống dịch.
Giao Cục Y tế dự phòng cần hoàn thiện hướng dẫn về giám sát sốt xuất huyết; Cục Quản lý khám chữa bệnh cần có ngay văn bản chỉ đạo các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế thực hiện hiện nghiêm túc việc báo cáo công tác phòng, chống dịch; về phụ cấp đặc thù nghề, Vụ Tổ chức cán bộ cần nghiên cứu và tham mưu đề xuất cho lãnh đạo Bộ Y tế; về việc tiêm vắc xin ho gà tiêm cho bà mẹ mang thai giao Cục Y tế dự phòng phối hợp với Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đưa vào khuyến cáo cho bà mẹ mang thai.
Kết luận hội nghị Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định tình hình dịch bệnh theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới thì không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới, nhiều dịch bệnh mới nổi, tái nổi sau khi dịch bệnh COVID-19 mới được đẩy lùi. Vì vậy, cần thống nhất trong nhận thức là không chủ quan, cần chủ động và tích cực trong công tác phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu kết luận hội nghị
Với các nội dung thảo luận, kiến nghị của các đại biểu các địa phương, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan có ý kiến như sau:
- Giao Cục Y tế dự phòng sẽ trình lãnh đạo Bộ Y tế văn bản gửi UBND các tỉnh nhắc lại các nội dung công việc phòng, chống dịch của các tỉnh, thành phố. Các địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt, không để dịch bệnh xảy ra. Căn cứ vào các quy định của pháp luật cần chủ động từ sớm đảm bảo công tác hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch;
- Giao Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các Viện Paster tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn chuyên môn, kĩ thuật xét nghiệm đối với y tế địa phương; tăng cường hỗ trợ, nâng cao chất lượng các loại vắc xin phòng bệnh, phân tích đánh giá tình hình dịch bệnh đặc biệt là các bệnh có tỷ lệ tử vong cao như dại, sở, bạch hẩu…;
Đối với vắc xin dại, tại các địa phương khó khăn cần có báo cáo với lãnh đạo địa phương để cân đối nguồn lực địa phương để có khuyến cáo liên quan đến vấn đề phòng, chống dịch bệnh dại. Chính phủ đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng với ngành Y tế để triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả; Nghiên cứu đặc điểm dịch tễ, yếu tố nguy cơ, dự báo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm, bệnh mới phát sinh để chủ động tham mưu trong công tác chỉ đạo điều hành; tiếp thu ý kiến của các địa phương để báo cáo với lãnh đạo Bộ để có giải pháp chỉ đạo kịp thời, nhanh chóng để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương;
- Giao Cục Y tế dự phòng đôn đốc hoạt động phòng, chống dịch bệnh, cập nhật tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế, thường xuyên có báo cáo tham mưu các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp; đôn đốc triển khai hoạt động tiêm chủng, hưởng ứng tuần lễ Tiêm chủng Thế giới và chuỗi sự kiện kỉ niệm 50 năm Tiêm chủng mở rộng trong năm 2024; đề nghị WHO và các tổ chức nước ngoài phối hợp với Bộ Y tế để tổ chức hoạt động này; tham mưu các giải pháp phòng, chống, ứng phó đối với các bệnh có vắc xin dự phòng nhất là bệnh sởi theo khuyến cáo của WHO; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động phòng, chống dịch bệnh tại một số địa phương từ việc xây dựng kế hoạch, công tác chuẩn bị nguồn lực, nhân lực, cơ sở vật chất cũng như tổ chức thực hiện và hoàn thành trong tháng 5/2024; phối hợp với Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương trong công tác phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng;
- Giao Các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế triển khai hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao. Đặc biệt Cục Quản lý khám chữa bệnh có văn bản chỉ đạo để thực hiện rõ các quy định, quy trình liên quan đến công tác phối hợp với khối dự phòng từ việc phát hiện, giám sát và cung cấp thông tin để có chỉ đạo phù hợp, kịp thời;
- Các địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Y tế để thực hiện tốt các hoạt động liên quan đến công tác dự phòng cũng như phòng, chống dịch bệnh;
Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trân trọng gửi lời cảm ơn tới các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ban, ngành, các Tổ chức Quốc tế và đặc biệt giành lời cảm ơn tới tất cả đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế làm công tác dự phòng, công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng từ Trung ương đến địa phương. Những công việc này đã dần quay trở lại trạng thái trước dịch COVID-19 nhưng có làm được hay không phụ thuộc vào sự nỗ lực của tất cả mọi người, phát huy tinh thần trách nhiệm, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả tích cực phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn. Đây cũng là mong muốn của ngành Y tế, làm tốt công tác phòng bệnh hơn là chữa bệnh./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT