zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022

21/01/2022 - 231

 

Ngày 20/01/2022 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022  kết nối trực tuyến từ trụ sở Văn phòng Chính phủ đến trên 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự Hội nghị tại điểm cầu thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; điểm cầu tại UBND thành phố Hà Nội có đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Thành phố Hà Nội;

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 dự và chỉ đạo hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2022

Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Mai Văn Chính; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Phó Chánh Văn phòng Thường trực Văn phòng Trung ương Đảng Lâm Thị Phương Thanh; Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Vũ Hải Sản; lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Về phía Bộ Y tế có Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long; các Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn; Đỗ Xuân Tuyên; Trần Văn Thuấn; đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện các tổ chức quốc tế như UNDP, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc…

Dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND các tỉnh, thành phố, lãnh đạo các quận, huyện, thị xã, thành phố…

Phòng, chống dịch COVID-19 – điểm sáng 2021

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2021 vừa đi qua với khó khăn, thách thức chưa từng có, để lại những dấu ấn đặc biệt với nhiều cung bậc cảm xúc, nhất là đối với toàn ngành Y tế. “tại hội nghị Chính phủ với địa phương vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, sau một năm có nhiều khó khăn, thách thức, nhìn lại, chúng ta đã đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong thành tựu, kết quả chung, có đóng góp rất quan trọng với nỗ lực rất lớn của ngành Y tế. Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu mà ngành Y tế đã đạt được trong năm 2021 vừa qua”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 phát biểu chỉ đạo hội nghị

Điểm sáng nổi bật nhất chính là việc chúng ta thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời chuyển trạng thái. Các chủ trương, chính sách, biện pháp triển khai phòng, chống dịch được Trung ương đánh giá là đúng đắn, kịp thời và chỉ đạo, tổ chức thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đạt được những kết quả tích cực và quan trọng.

Chúng ta đã huy động hơn 25.000 chuyên gia, cán bộ y tế, y bác sĩ, sinh viên các trường y dược hỗ trợ các địa phương; hàng trăm nghìn cán bộ y tế thường xuyên, ngày đêm quả cảm nơi tuyến đầu, đối diện hiểm nguy tính mạng, sức khỏe và cũng có không ít đồng chí đã hy sinh... để quyết tâm bảo vệ, chăm lo tốt nhất sức khỏe, tính mạng của Nhân dân theo đúng tinh thần "thầy thuốc như mẹ hiền". "Các phương tiện truyền thông đại chúng đã đề cập nhiều, nhưng chúng ta vẫn chưa nói được hết những mất mát, hy sinh, chịu đựng của đội ngũ cán bộ y tế trong phòng, chống dịch", Thủ tướng chia sẻ.

Bên cạnh nhiệm vụ tập trung phòng, chống dịch, ngành Y tế vẫn có những bước đổi mới, phát triển, cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thường xuyên như tỉ lệ tham gia BHYT khoảng 91%; duy trì bền vững mức sinh thay thế từ năm 2005 (2,11 con/phụ nữ), tuổi thọ trung bình duy trì là 73,7 tuổi. Đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, đóng góp tích cực, tham mưu để Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế, phục vụ phòng, chống dịch, trong đó Chính phủ ban hành 3 nghị định, 15 nghị quyết, Thủ tướng ban hành 12 quyết định… Chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Chuyển đổi số trong ngành Y tế được tăng tốc. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, Việt Nam là 1 trong 4 nước đầu tiên trên thế giới phân lập được virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu rõ, tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn, phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn những hạn chế, yếu kém đòi hỏi phải quyết liệt hành động để giải quyết. Công tác quản lý nhà nước, kiểm tra, giám sát còn những hạn chế, sơ hở, cần kiểm điểm sâu sắc, phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân để khắc phục bằng được, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua. Các quy định của pháp luật hiện hành chưa bao phủ hết được các vấn đề y tế, còn nhiều vướng mắc trong thực hiện. Năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất hợp lý, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn… Những thách thức mà ngành Y tế phải quan tâm còn rất lớn với dân số đông, dịch bệnh phức tạp, tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng già hoá dân số…

Phải tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Phải luôn bình tĩnh, chắc chắn, giữ vững bản lĩnh để quyết định các vấn đề quan trọng ở những thời khắc rất cam go, khó khăn.

Hình ảnh các điểm cầu tham dự trực tuyến

Năm 2022 ngành Y tế tiếp tục kiên quyết, kiên trì đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết

Về nhiệm vụ của ngành Y tế trong năm 2022 và thời gian tới, cơ bản đồng ý với các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Bộ, phát biểu của các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta vẫn phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.

Thủ tướng yêu cầu bám sát các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, trong đó có Nghị quyết 01/NQ-CP để thể chế hóa, cụ thể hóa thành các biện pháp, chính sách, chương trình hành động phù hợp, tổ chức triển khai đồng bộ, hiệu quả; đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để chỉ đạo, điều hành một cách chủ động, linh hoạt, sáng tạo, quyết liệt, đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, đáp ứng tốt nhất yêu cầu phục vụ Nhân dân.

Tiếp tục tập trung cho chương trình phòng, chống dịch COVID-19, chú trọng bảo vệ những người dễ bị tổn thương, người có nguy cơ cao, người ở tuyến đầu. Không để khủng hoảng y tế, đổ vỡ, quá tải hệ thống y tế. Tăng cường quản lý bệnh nhân từ sớm, từ xa, từ cơ sở, nhất là bệnh nhân tại nhà. Nắm chắc tình hình, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác với các biến chủng mới; phát hiện sớm, ngăn chặn từ xa các vấn đề, tình huống mới có thể phát sinh nhưng không áp dụng các biện pháp cực đoan.

Tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh, thần tốc hơn nữa về tốc độ bao phủ vaccine bảo đảm an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nghiên cứu việc tiêm mũi thứ 4, khẩn trương nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế về tiêm cho trẻ em từ 5 tuổi, quyết tâm mở cửa trường học an toàn trong thời gian sớm nhất.

Bảo đảm chủ động về thuốc, Bộ Y tế công bố các loại thuốc được thế giới công nhận theo quy trình, thủ tục nhanh nhất, chống đầu cơ, nâng giá, lũng đoạn thị trường, tiêu cực, tham nhũng. Xem xét, công nhận thuốc và vaccine trong nước nhanh nhất về thủ tục hành chính nhưng bảo đảm các yêu cầu khoa học, an toàn, hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế và các địa phương làm sớm, làm ngay, làm khẩn trương việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở; ngay sau khi chương trình tổng thể phòng chống dịch và chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được ban hành, phải phân công nhiệm vụ cụ thể, xây dựng lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp từng tháng, từng quý, từng năm để hoàn thành nhiệm vụ này.

Các biện pháp phòng, chống dịch dứt khoát phải được thực hiện thống nhất trên toàn quốc nhưng linh hoạt trong phạm vi nhất định, các địa phương nếu áp dụng các biện pháp khác hoặc cao hơn quy định chung thì phải báo cáo…

Thủ tướng lưu ý không được ngăn sông cấm chợ, cản trở di chuyển của người dân, đồng thời thực hiện nghiêm 5K, nhất là với các phương tiện giao thông công cộng.

Tiếp tục đẩy mạnh thông tin truyền thông, nâng cao ý thức người dân; tăng cường giám sát, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật kịp thời. Tổ chức tổng kết 2 năm phòng, chống dịch để đánh giá khách quan, tổng thể, bài bản, rút ra các bài học kinh nghiệm.

Ngành Y tế cần chú trọng việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; khắc phục ngay các bất cập, hạn chế, tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động phòng, chống dịch như cấp phép lưu hành thuốc, vaccine, xây dựng các cơ sở y tế lưu động, bệnh viện dã chiến… và đặc biệt là cơ chế mua sắm.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng đề cập đến việc nâng cao năng lực y tế dự phòng, cơ sở, yêu cầu Bộ Y tế khắc phục những khó khăn của y tế dự phòng, y tế cơ sở, đưa ra lộ trình thực hiện trong chương trình phòng, chống dịch năm 2023 với mục tiêu bảo vệ người dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao; tăng cường quản lý F0 tại nhà từ sớm, từ xa.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế phải rà soát lại chính sách, chế độ để thu hút nguồn nhân lực y tế trong phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; thu hút nguồn lực y tế tư nhân; yêu cầu các địa phương có giải pháp huy động nguồn lực y tế tư nhân; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, có chính sách để sau khi ra trường các bác sĩ về vùng sâu, vùng xa làm việc nhiều hơn.

Nhìn lại quá trình phòng, chống dịch COVID-19 tại nước ta, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh 5 bài học kinh nghiệm quan trọng mà ngành Y tế cần nắm vững.

Thứ nhất, tuân thủ tuyệt đối chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng bí thư; lãnh đạo của Đảng. Bình tĩnh, bản lĩnh trong những thời điểm khó khăn.

 Thứ hai, chọn cách tiếp cận toàn dân, tiếp cận từ cơ sở, lấy người dân làm trung tâm để chống dịch.

 Thứ ba, tổ chức phòng, chống dịch quyết liệt có trọng tâm, trọng điểm hiệu quả, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

Thứ tư, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế để chống dịch.

 Thứ năm, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, lãnh đạo phải lắng nghe, tham khảo ý kiến, chịu trách nhiệm trước quyết định của mình.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn và tin tưởng ngành Y tế tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục bằng được những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác y tế năm 2022 với kết quả cao hơn năm 2021. Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ phát động chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân từ ngày 1 đến 28/2/2022; giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch với các mục tiêu, biện pháp và các phương án triển khai cụ thể.

GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, thay mặt ngành Y tế, GS.TS. Nguyễn Thanh Long, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ lời trân trọng cảm ơn Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ghi nhận và đánh giá cao những kết quả của Ngành đã đạt được trong năm 2021. "Đây là sự động viên khích lệ kịp thời, rất quý báu đối với những nỗ lực, sự cống hiến, hy sinh của các thầy thuốc, y bác sĩ, nhân viên y tế, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế trong suốt thời gian qua"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng bày tỏ lời cảm ơn trân trọng đến các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ các bộ, ban, ngành và các địa phương đã luôn lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm, động viên, chia sẻ, hỗ trợ và đồng hành cùng ngành Y tế suốt thời gian qua, đặc biệt là trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ, ngành Y tế tiếp thu đầy đủ các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, toàn Ngành tập trung triển khai các giải pháp, các hoạt động trọng tâm của trong thời gian tới theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với phương châm  "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển".

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 triển khai thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, trong năm 2021, mặc dù tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế vẫn cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ: Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt khoảng 91%, hoàn thành chỉ tiêu được Quốc hội và Chính phủ giao và hoàn thành 15/18 chỉ tiêu cụ thể của ngành được Chính phủ giao;

Hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở đang từng bước được củng cố; số ca mắc, tử vong của các bệnh truyền nhiễm phổ biến, HIV/AIDS, ngộ độc thực phẩm giảm so với năm 2020; khám, chữa bệnh từ xa được mở rộng, kết nối hơn 1.500 cơ sở y tế trên cả nước; chất lượng dịch vụ y tế từng bước được nâng cao, mức độ hài lòng của bệnh nhân đạt trên 90%; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế từng bước đổi mới.

Mức sinh thay thế được duy trì bền vững 16 năm liên tiếp từ năm 2005, tuổi thọ trung bình là 73,7 tuổi, tỷ suất tử vong ở trẻ em giảm. Chuyển đổi số y tế được đẩy mạnh; xếp thứ 5/18 Bộ về cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Hình ảnh các điểm cầu tham dự trực tuyến

Tập trung thực hiện thành công chương trình tổng thể phòng, chống dịch COVID-19, góp phần phát triển kinh tế, xã hội

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng nêu rõ năm 2022, dịch COVID-19 được nhận định là chưa thể kiểm soát được hoàn toàn. Dịch bệnh hiện nay vẫn diễn biến phức tạp với hơn 15.000 ca nhiễm mới và hơn 150 trường hợp tử vong mỗi ngày. Việt Nam đã ghi nhận ca bệnh nhiễm biến chủng Omicron trong cộng đồng và nguy cơ lây lan trên diện rộng là rất cao.

"Ngành Y tế xác định nhiệm vụ trước mắt và ưu tiên hàng đầu là tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 triển khai thực hiện thành công Chương trình phòng, chống dịch COVID-19 (2022-2023) góp phần quan trọng để thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội"- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng quản lý rủi ro; ưu tiên mục tiêu giảm ca nặng, giảm tử vong như: nâng cao năng lực điều trị tất cả các tuyến; bảo đảm người mắc COVID-19 được quản lý, theo dõi, chăm sóc y tế phù hợp; nhanh chóng hoàn thành việc tiêm đủ 3 mũi vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên và triển khai chiến dịch tiêm chủng mùa xuân được Thủ tướng Chính phủ phát động.

Ngành Y tế đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý các hoạt động của ngành và đáp ứng các yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trong tình hình mới; trong đó tập trung xây dựng và trình các dự án Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi, Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, Luật dược sửa đổi... và tiếp tục rà soát, cập nhật, ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quản lý, đầu tư, mua sắm, đấu thầu, quản lý giá vật tư, trang thiết bị y tế và các quy định về giá dịch vụ y tế. Đổi mới cơ chế tài chính y tế, phương thức chi trả; thực hiện tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế.

Cùng đó, huy động tổng nguồn lực từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023, các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình, dự án ODA, hỗ trợ trong và ngoài nước…để thúc đẩy đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của y tế dự phòng và y tế cơ sở; đẩy mạnh chương trình y tế chăm lo sức khỏe cho người dân tại vùng sâu, vùng xa, khu vực miền núi, vùng khó khăn, để đảm bảo mọi người dân được tiếp cận dịch vụ y tế có chất lượng ngay tại cơ sở.

Thực hiện tăng trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số, không theo địa giới hành chính tại các tỉnh, thành phố có mật độ dân cư cao và các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao phù hợp với yêu cầu y tế theo Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị. Chuyển đổi cơ quan quản lý các Trung tâm y tế tuyến huyện, giao chính quyền địa phương quyết định phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, từng bước đảm bảo đủ số lượng, nâng cao chất lượng cho đội ngũ nhân viên y tế các tuyến; có các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, triển khai Kết luận số 25-KL/TW của Bộ Chính trị tăng phụ cấp của nhân viên y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; xây dựng các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp, không để xảy ra tình trạng nợ lương công chức, viên chức, người lao động trong ngành Y tế; các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Văn phòng Chính phủ

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm đến đời sống cán bộ y tế các tuyến, động viên lực lượng y tế các tuyến nhất là lượng vẫn đang tiếp tục ngày đêm phòng, chống dịch.

Tăng cường kỷ cương, kỷ luật quản lý nhà nước trong các hoạt động của ngành; siết chặt quản lý nhà nước cấp phép, quản lý chất lượng, mua sắm đấu thầu thuốc và trang thiết bị y tế; đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, xử lý nghiêm các vi phạm; đồng thời thực hiện kịp thời công tác thi đua, khen thưởng để động viên, khuyến khích công chức, viên chức, người lao động vượt khó khăn, hoàn thành các nhiệm vụ được giao…

 Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: Những nhiệm vụ ngành Y tế thực hiện trong năm 2022 là rất nặng nề. Ngành Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế và sự tin tưởng, chia sẻ của toàn thể nhân dân để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân cũng như triển khai thực hiện thành công các nhiệm vụ của Ngành, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.