Bộ y tế
Hội thảo hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
15/10/2024 - 77
Hội thảo hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.
Sáng ngày 15/10/2024, tại Trường Đại học Y Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Hội thảo hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tham dự hội thảo có đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Sở Y tế một số tỉnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và một số đơn vị liên quan. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức chủ trì hội thảo.
Đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo trình bày hiện trạng, sự cần thiết và nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử
Tại hội thảo, đại diện Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo trình bày hiện trạng, sự cần thiết và nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử với bốn chương và mười bốn điều hướng dẫn những quy định chung về hồ sơ bệnh án điện tử, quản lý hồ sơ bệnh án điện tử, trách nhiệm thực hiện và điều khoản thi hành.
Các đại biểu tham luận tại hội thảo
Các đại biểu tham dự đến từ Sở y tế Phú Thọ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã tham luận chia sẻ về hoạt động thực tế trong chuyển đổi số và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tại đơn vị, những kinh nghiệm trong thực tế triển khai thực hiện và những kiến nghị, đề xuất góp ý để ban soạn thảo nghiên cứu và cân nhắc trước khi ban hành Thông tư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh hồ sơ bệnh án là tài liệu rất quan trọng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Luật khám bệnh, chữa bệnh đã cho phép việc lập hồ sơ bệnh án điện tử. Ngày 28/12/2018, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, chúng ta mới có văn bản hướng dẫn cụ thể về hồ sơ bệnh án điện tử.
Với việc ban hành Thông tư số 46/2018/TT-BYT, Bộ Y tế đã tiên phong trong việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số theo chỉ đạo của Chính phủ.
Đến thời điểm hiện nay cả nước mới có khoảng 100 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công bố đã triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy theo quy định tại Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế. Ngoài ra cũng theo quy định tại Thông tư trên thì đến hết năm 2023 phải có 135 BV hạng 1 triển khai hồ sơ bệnh án điện tử thành công và khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh khác triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tuy nhiên mục tiêu này đến thời điểm hiện tại chưa đáp ứng như kỳ vọng của Bộ Y tế.
Hiện nay, khi triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, các đơn vị đang gặp phải một số khó khăn, như sau: (1) Thứ nhất, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn, nên việc thay đổi này cũng là một trở ngại; (2) Thứ hai chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với hồ sơ bệnh án điện tử; (3) Thứ ba, hiện tại, chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng. Do đó, kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu; (4) Thứ tư, triển khai bệnh án điện tử là vấn đề mới, chúng ta chưa có kinh nghiệm và còn nhiều nguyên nhân khách quan khác.
Ngoài ra, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 đã có hiệu lực từ 01/01/2024 đòi hỏi việc cần phải có văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh, thay thế cho Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế nhằm đáp ứng các quy định mới có hiệu lực của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, đồng thời nhằm đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử theo chỉ đạo của Chính phủ.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Nhằm mục tiêu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về hồ sơ bệnh án điện tử, trao đổi các giải pháp khắc phục những khó khăn, để thúc đẩy triển khai bệnh án điện tử, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức đề nghị các đại biểu cho ý kiến về các nội dung cụ thể:
1. Góp ý cho nội dung dự thảo Thông tư hướng dẫn triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nhằm thay thế cho Thông tư số 46/2018/TT-BYT ngày 28/12/2018 của Bộ Y tế quy định hồ sơ bệnh án điện tử để dự thảo Thông tư có tính khả thi cao, đáp ứng các mục tiêu mà Bộ Y tế đề ra;
2. Nghiên cứu một số đề xuất hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt là quy định về chi phí công nghệ thông tin, giá thành khi triển khai PACS,... để đẩy nhanh triển khai bệnh án điện tử trên cả nước;
3. Thảo luận về các đề xuất và quy định về xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật của phần mềm bệnh án điện tử như: cấu trúc bệnh án điện tử, xác lập mã định danh y tế (ID) để triển khai bệnh án điện tử thống nhất trên toàn quốc có hiệu quả cao;
4. Các giải pháp ứng dụng chữ ký điện tử, chữ ký số trong bệnh án điện tử được cập nhật tại các văn bản quy phạm pháp luật mới có hiệu lực (như Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật Căn cước năm 2023,....);
5. Sự phối hợp giữa Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các địa phương, các chuyên gia về y tế, chuyên gia về công nghệ thông tin liên quan để giúp Bộ Y tế triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc có hiệu quả, thiết thực.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị sau hội thảo này, sẽ có sản phẩm đầu ra thiết thực, góp phần đẩy mạnh triển khai bệnh án điện tử trên toàn quốc và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT