Bộ y tế
Hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán bô, bộ phận cơ thể người
06/02/2023 - 154
Thực hiện quy trình xây dựng Luật và để có cơ sở đề xuất, hoàn thiện các chính sách quy định về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự án Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người sửa đổi trình Quốc hội, ngày 06/02/2023 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo khoa học về đăng ký hiến và phòng, chống mua bán bô, bộ phận cơ thể người. GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu.
Tham dự có, đại diện một số Vụ, Cục đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Tôn giáo Chính phủ; một số Bộ, ngành và đơn vị liên quan.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiến tặng mô, bộ phận cơ thể để cứu người là một nghĩa cử cao đẹp, một món quà vô giá giúp kéo dài sự sống cho những người bệnh bị suy mô, tạng. Để tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác phục vụ cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy, ngày 29/11/2006 Quốc hội đã thông qua Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác, Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2007. Tiếp đó, Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính đã ban hành các Nghị định, Quyết định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.
Tính đến ngày 31/12/2022, cả nước có 63.552 trường hợp đăng ký hiến sau khi chết, chết não và đã thực hiện ghép được 8 loại bộ phận cơ thể người với 7.297 ca ghép tạng. Những kết quả đăng ký hiến, ghép trong thời gian qua đã giúp cứu chữa, duy trì sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân bị suy mô, tạng và đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò của ngành Y Việt Nam trong triển khai những kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu, phức tạp hàng đầu của y học hiện đại.
“Để Luật đi vào cuộc sống, công tác truyền thông, vận động, tôn vinh người hiến mô, bộ phận cơ thể người đã và đang được thực hiện thường xuyên góp phần thay đổi nhận thức của người dân, tạo sức lan tỏa trong xã hội về nghĩa cử cao đẹp, tinh thần nhân văn, nhân ái, từ đó, số lượng người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể tăng dần”- Thứ trưởng nói.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nêu rõ, qua hơn 15 năm thi hành, nhiều quy định của Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác hiện hành đã bộc lộ những bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn, trong đó có quy định về đăng ký hiến và vấn đề phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người. Điều này đã ảnh hưởng đến hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta và việc thực hiện quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của người dân.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết: hiện nay, thực trạng nhu cầu ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam là rất lớn, ước tính có hàng chục nghìn người cần ghép thận, ghép gan; hàng nghìn người cần ghép tim và các mô, bộ phận cơ thể khác. Nhu cầu đang ngày một tăng, trong khi nguồn hiến lại khan hiếm. Nguồn tạng hiến từ người cho sống lại đang chiếm chủ yếu với hơn 90% tổng số ca ghép tạng nên bên cạnh các hoạt động hợp pháp cũng đã nảy sinh các hành vi mua bán, môi giới mô, bộ phận cơ thể người, để lại hậu quả nghiêm trọng cho xã hội. Điều này đặt ra yêu cầu cần phải hoàn thiện thể chế pháp lý và các giải pháp tổ chức thực hiện để đồng bộ các biện pháp, góp phần ngăn chặn, phòng, ngừa hành vi mua bán mô, bộ phận cơ thể người ở nước ta trong thời gian tới.
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến cho Hội thảo, trong đó tập trung thảo luận các vấn đề chính như:
Thứ nhất việc đổi mới, hoàn thiện thủ tục đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác như vấn đề đăng ký hiến qua hình thức trực tuyến; kiểm tra thông số sinh học của người hiến khi đăng ký; cập nhật thông tin người hiến lên phần mềm hệ thống quản lý và điều phối ghép tạng quốc gia…;
Thứ hai việc cấp thẻ đăng ký hiến và lộ trình, giải pháp tích hợp với thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử để bảo đảm thuận tiện, dễ truy cập và đồng bộ với hệ thống dữ liệu dân cư đang được số hóa;
Thứ ba về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người, đề nghị đại biểu quan tâm đến các vấn đề như:
- Đối với hành vi bị nghiêm cấm: Bên cạnh hành vi nghiêm cấm mua bán mô, bộ phận cơ thể người, có cần bổ sung thêm hành vi nghiêm cấm người hiến và người nhận gặp nhau trong trường hợp hiến - ghép không cùng huyết thống không? Vấn đề bảo mật thông tin người hiến, người ghép;
- Vấn đề điều phối ghép tạng cần sửa đổi các quy định về nguyên tắc, quy trình điều phối, hệ thống phần mềm điều phối ghép tạng… như thế nào cho hiệu quả, khả thi nhất;
- Cơ chế kiểm soát hoạt động hiến, ghép tạng để bảo đảm tính khách quan, phòng, chống vi phạm, tiêu cực, ngăn ngừa hiện tượng môi giới, mua bán mô, bộ phận cơ thể.
“Trên cơ sở thông tin, ý kiến góp ý của các đại biểu về các vấn đề nêu trên, Bộ Y tế sẽ tổng hợp, hoàn thiện các quy định trong dự thảo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi) thời gian tới để sớm trình Quốc hội, hoàn thiện hành lang pháp lý để hoạt động hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người của Việt Nam ngày càng phát triển hơn, đạt được những thành tựu tốt nhất phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân và sự phát triển của y học”- Thứ trưởng nói.
Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) đề xuất rà soát, bổ sung các hành vi nghiêm cấm liên quan đến mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong bộ Luật hình sự; tăng cường công tác quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong phòng, chống mua bán bộ phận cơ thể người. Đồng thời chỉnh sửa các tiêu chuẩn về chết não cho phù hợp quy trình, đảm bảo tính khả thi…
ThS. Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế phát biểu
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe và thảo luận một số nội dung như: Quy định pháp luật hiện hành về vận động, đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và định hướng sửa đổi quy định về đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người trọng dự thảo Luật sửa đổi; Thực trạng đăng ký, cấp thẻ và đề xuất giải pháp tích hợp đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác vào thẻ căn cước công dân gắp chíp; Quy định về tích hợp giấy tờ cá nhân vào căn cước công dân và khuyến nghị đối với việc tích hợp thẻ đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác vào căn cước công dân găn chíp; Công tác về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người; Vấn đề mua bán mô, bộ phận cơ thể người và gia nhập Tuyên ngôn Istanbul về buôn bán tạng và ghép tạng du lịch; Thực trạng hiến mô, bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy và kiến nghị; Đề xuất cơ chế, chính sách về phòng, chống mua bán mô, bộ phận cơ thể người trong dự thảo Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác (sửa đổi)./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT