Sáng ngày 22/10/2020 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với tổ chức JICA tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Tăng cường triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo có, bà Iwama Nozomi, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam; địa diện lãnh đạo và chuyên viên một số Vu, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; và đại diện các cơ sở y tế của 31 tỉnh / thành phố khu vực phía Bắc.
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên nhiên kỷ MDGs về sức khoẻ bà mẹ, trẻ em như: Tử vong mẹ đã giảm ba lần; tử vong trẻ em dưới một tuổi đã giảm xấp xỉ 3 lần; tử vong trẻ em dưới 05 tuổi giảm hơn 50%. Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khó khăn như: còn có sự khác biệt khá lớn về tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền (vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3-4 lần vùng đồng bằng); Tử vong sơ sinh còn cao và giảm chậm.
Nghị quyết 20 / NQ - TW của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ sáu, khóa XII và các Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs ) đã xác định các chỉ tiêu về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em Việt Nam cần thực hiện vào năm 2030.
Để hướng tới thực hiện các chỉ tiêu trên Bộ Y tế đã và đang chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, can thiệp trong “Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em” đã được triển khai thí tại 4 tỉnh trong thời gian 2011-2014. Kết quả cho thấy :
1. Kiến thức, thái độ và hành vi chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em của cả cán bộ y tế cũng như bà mẹ nuôi con nhỏ đã được cải thiện rõ rệt .
2. Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em được sử dụng như một công cụ quản lý giúp theo dõi, chăm sóc liên tục sức khỏe bà mẹ và trẻ em từ gia đình, cộng đồng đến các cơ sở y tế cũng như giúp cán bộ y tế chăm sóc liên tục theo vòng đời từ chăm sóc trước sinh, trong sinh, sau sinh và chăm sóc trẻ đến 5 tuổi .
Quang cảnh Hội thảo
Trên cơ sở kết quả thí điểm, Bộ Y tế đã chỉ đạo từng bước nhân rộng việc áp dụng Sổ theo dõi sức khỏe Bà mẹ và trẻ em trong toàn bộ hệ thống chăm sóc sức khoẻ, bao gồm cả các bệnh viện ngoài công lập…
Ngày 20/01/2020 Bộ trưởng Bộ Y tế ký Quyết định 140 / QĐ - BYT ban hành mẫu Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em sử dụng cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 6 tuổi trên phạm vi toàn quốc. Hiện nay, Bộ Y tế đang tích cực nghiên cứu áp dụng triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em phiên bản điện tử và hướng tới sẽ tích hợp trong Hồ sơ sức khoẻ cá nhân của Ngành Y tế.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các đại biểu sẽ cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến thiết thực để việc triển khai Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được hiệu quả hơn góp phần cải thiện tình trạng sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em.
TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Trần Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em cho biết: Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em đặt mục tiêu năm 2020 sẽ triển khai sử dụng Sổ này trên toàn quốc.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em là cuốn sổ theo dõi, chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho bà mẹ và trẻ em từ khi mang thai đến khi trẻ 6 tuổi. Sổ giúp theo dõi việc chăm sóc liên tục và có hệ thống tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe của địa phương cho cả mẹ và con từ khi sinh ra; theo dõi quá trình phát triển của trẻ nhỏ, can thiệp dự phòng khi cần cần thiết; đưa ra các con số thống kê báo cáo chính xác. Đặc biệt, Sổ giúp giảm bớt gánh nặng cho cán bộ y tế cơ sở khi giảm bớt các giấy tờ trùng lặp như phiếu khám thai, phiếu tiêm chủng.
Để Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em được triển khai đồng bộ, TS. Trần Đăng Khoa cho biết Bộ Y tế ban hành Quyết định số 140/QĐ-BYT ngày 20/01/2020 sử dụng Sổ thay thế các loại sổ khám bệnh, sổ y bạ, sổ khám thai và phiếu tiêm chủng trong theo dõi, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Song song với việc duy trì Sổ giấy, Bộ Y tế cũng sẽ triển khai mạnh mẽ số hóa Sổ thông qua phiên bản điện tử, trở thành một phần không thể tách rời của hồ sơ quản lý sức khỏe Nhân dân.
Tại Hội thảo, TS.Trần Đăng Khoa cũng cho biết thêm, lần đầu tiên tại Việt Nam, ngành Y tế cũng sẽ phát tặng các miếng dán thông báo ưu tiên cho phụ nữ mang thai, với nội dung “Tôi đang mang thai” cùng hình ảnh bà mẹ và thai nhi. Đây là miếng dán có keo dính sẵn mà mỗi phụ nữ mang thai có thể dễ dàng dán lên các vật dụng dễ quan sát, như: mũ bảo hiểm, túi xách, hoặc xe máy.
Bà Iwama Nozomi, Phó trưởng đại diện JICA tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế và các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại Hội thảo
Với miếng dán này, khi đi lại, lao động, sinh hoạt tại các nơi cộng cộng, công sở, mọi người người dễ nhận thấy để dành các ưu tiên cho phụ nữ mang thai, giảm các tình huống rủi ro như vô ý gây va chạm ảnh hưởng đến sức khỏe, an toàn cho các bà bầu; thể hiện sự quan tâm chung của cộng đồng vớ sức khỏe các bà mẹ và em bé.
Sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ và trẻ em và miếng dán “Tôi đang mang thai” thông báo ưu tiên cho phụ nữ mang thai được triển khai tại Việt Nam với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản, sau thực tế triển khai tại Nhật Bản từ nhiều năm qua. Các miếng dán này sẽ được phát tặng cùng Sổ khi các mà mẹ đến khám thai, theo dõi thai kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT