Bộ y tế
Hội thảo triển khai công tác khoa học và công nghệ ngành Y tế 2024
17/03/2024 - 116
Sáng ngày 16/03/2024 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo triển khai công tác khoa học và công nghệ ngành Y tế 2024. PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội thảo.
Tham dự có TS. Lưu Quang Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ các ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện các Vụ, Cục, Văn phòng, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; Bộ Khoa học và Công nghệ; các chuyên gia, các nhà khoa học ngành Y tế và một số đơn vị liên quan.
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế, trong đó đã nêu ra các quan điểm về phát triển khoa học và công nghệ như: “Phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu. Sự lãnh đạo của Đảng, năng lực quản lý của Nhà nước và tài năng, tâm huyết của đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ đóng vai trò quyết định thành công của sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ”.
Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 01/11/2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, ngày 11/01/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 69-KL/TW, trong đó ghi nhận: “Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã có bước chuyển biến tích cực, từng bước khẳng định vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội…”.
Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW và Kết luận số 69-KL/TW, Bộ Y tế hiện đang khẩn trương xây dựng Kế hoạch hành động của Ban cán sự Đảng Bộ Y tế để triển khai các nội dung của Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị trong ngành Y tế đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Ngày 30/01/2023, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới, trong đó đưa ra nhiệm vụ, giải pháp về “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế. Tập trung nghiên cứu sản xuất thuốc, vắc xin đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh; nghiên cứu công nghệ tế bào gốc trong công nghiệp dược phẩm, công nghệ gen, sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc thảo dược”.
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết thêm: trên cơ sở chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển khoa học và công nghệ, sự nỗ lực của ngành Y tế, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ban, ngành; Đặc biệt là sự hỗ trợ hiệu quả của Bộ Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học ngành Y tế, các y bác sĩ đã triển khai và đạt được nhiều thành tựu về nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ trong chẩn đoán, điều trị, sản xuất vắc xin, thuốc, dược liệu.
Một số phương pháp chẩn đoán và điều trị đã đạt kết quả tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới, được cộng đồng khoa học quốc tế công nhận và được ghi nhận qua các giải thưởng lớn trong nước và quốc tế.
Việt Nam đã nghiên cứu sản xuất được 10 loại vắc xin trong số 11 loại vắc xin sử dụng cho Chương trình tiêm chủng mở rộng; tiếp nhận và làm chủ được một số công nghệ sản xuất các loại thuốc chữa bệnh có bản chất là protein và enzyme; phát hiện và ứng dụng các chỉ thị sinh học liên quan đến các bệnh ung thư và bệnh di truyền; đạt được một số kết quả liên quan đến ứng dụng công nghệ tế bào trong bảo tồn và phát triển các nguồn dược liệu quý hiếm.
“Các kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đã góp phần quan trọng trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân và sự phát triển kinh tế - xã hội”- Thứ trưởng phát biểu.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng biểu dương và chúc mừng những thành công của đội ngũ các nhà khoa học ngành Y tế thời gian qua và đề nghị các đơn vị, nhà khoa học ngành Y tế sẽ tiếp tục tham gia tích cực, nỗ lực hơn nữa để hoạt động khoa học và công nghệ ngành Y tế ngày càng phát triển, ứng dụng hiệu quả cho công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng nêu rõ: bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngành Y tế vẫn còn những tồn tại, khó khăn như: công tác khoa học công nghệ ngành Y tế chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, khả năng và mới chỉ tập trung ở các trung tâm lớn; việc phổ biến, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới chưa được thực hiện kịp thời, hiệu quả; các nghiên cứu còn nhỏ lẻ do trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn thiếu, không đồng bộ và chưa được đầu tư thoả đáng; thiếu nhân lực là các chuyên gia, các nhóm nghiên cứu mạnh; các nghiên cứu có tính dự báo, đo lường khả năng và diễn biến của các bệnh dịch mới nổi, bệnh dịch tái diễn còn chưa được chú trọng đầy đủ và vẫn còn ít nghiên cứu tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế, khả năng cạnh tranh trên thị trường.
“Những tồn tại, khó khăn trên do nhiều nguyên nhân, trong đó một số nguyên nhân chính như: do nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học trong lĩnh vực y tế liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng người dân và là vấn đề khó, nhạy cảm; do cơ chế, chính sách và đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, chưa có cơ chế cho nghiên cứu rủi ro, mạo hiểm; sự phối hợp thực thi giữa Luật Khoa học công nghệ và các Luật chuyên ngành còn chưa đồng bộ nên khó đưa ra sản phẩm cuối cùng phục vụ xã hội”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
TS.Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và Đào tạo báo cáo tại hội thảo.
Để tiếp tục tăng cường công tác khoa học và công nghệ ngành Y tế nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, triển khai thực hiện các quy định tại Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật Dược, Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 95/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận một số nội dung như:
1. Góp ý sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ trong lĩnh vực y tế đảm bảo thống nhất, đồng bộ với các Luật chuyên ngành như Luật Dược, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và phù hợp thực tiễn hiện nay;
2. Phổ biến, triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 (nội dung về thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thiết bị y tế trong khám bệnh, chữa bệnh);
3. Hướng dẫn triển khai Kế hoạch khoa học công nghệ ngành Y tế năm 2024-2025 bảo đảm đúng quy định, hiệu quả, khả thi và kịp thời.
Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo các đại biểu cũng được nghe và thảo luận một số nội dung như: hệ thống các văn bản pháp luật về khoa học công nghệ, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới lĩnh vực y tế; các báo cáo nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia trong lĩnh vực y tế; báo cáo sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ năm 2014; dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 4/TT-BYT ngày 05/03/2020 quy định việc thành lập, chức nặng, nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học; phổ biến, triển khai Nghị định 96/2023/NĐ-CP ngày 30/12/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và thông tư số 32/2023/TT-BYT ngày 31/12/2023 quy định chi tết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (nội dung về thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới, phương pháp mới và thiết bị y tế trong khám, chữa bệnh); hướng dẫn triển khai Kế hoạch khoa học công nghệ ngành Y tế năm 2024-2025…/.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT