zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Hội thảo về cơ chế tài chính trong lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người

09/03/2021 - 176

Sáng ngày 09/3/2021 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội thảo về cơ chế tài chính trong lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người. PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo và chuyên viên các Vụ, Cục, Văn phòng thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; đại diện Hội khoa học kinh tế y tế Việt Nam; các Bệnh viện tại Thành phố Hà Nội, Tp Hồ Chí minh, tỉnh Thừa Thiên Huế; các tổ chức, chuyên gia và các đơn vị liên quan.

PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc thực hiện các hoạt động về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác ở nước ta, từ đó mở ra cơ hội được cứu chữa, kéo dài sự sống cho hàng nghìn bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, hiểm nghèo cần phải ghép tạng. Đồng thời cũng giúp cho người bệnh tiết kiệm được rất nhiều chi phí khi thực hiện ghép mô, bộ phận cơ thể người tại các cơ sở y tế của Việt Nam.

Tuy nhiên, qua gần 15 năm thi hành, pháp luật về hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, không còn phù hợp với điều kiện thực tiễn như vấn đề về độ tuổi của người hiến, tặng mô, bộ phận cơ thể người; vấn đề liên quan đến chi phí người hiến, người ghép; vấn đề về xác định chết não… Trong đó vấn đề về cơ chế tài chính trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người là một vấn đề rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người hiến, người nhận và của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Báo cáo của Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, chi phí cho một ca ghép bộ phận cơ thể người (thận, gan, phổi, tim…) tại Việt Nam đang được xem là khá thấp so với nhiều nước trên thế giới, song đối với nhiều người Việt là khoản tiền không nhỏ. Một ca phẫu thuật ghép tim chi phí khoảng 01 tỷ đồng, ghép gan 1,5 tỷ đồng, ghép thận từ 300 - 500 triệu đồng… Sau khi ghép, người bệnh sẽ phải uống thuốc chống thải ghép suốt đời. Các hình thức hỗ trợ tài chính cho người ghép mô, bộ phận cơ thể người ở Việt Nam hiện nay bao gồm bảo hiểm y tế và tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân. Trong đó, vấn đề về cơ chế tài chính trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người cũng đang còn nhiều bất cập như vấn đề liên quan đến chi phí phát sinh từ người hiến chưa có quy định; chi phí phẫu thuật (lấy, ghép) bộ phận cơ thể người cho người ghép hiện chưa có trong Danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán; chi phí ghép chưa được thống nhất giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh…

PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, PGS.TS.Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh: việc bàn luận, trao đổi về vấn đề cơ chế tài chính trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người là rất cần thiết nhằm cung cấp các thông tin và đề xuất các giải pháp chính sách về tài chính, từ đó kiến nghị sửa đổi Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác cho phù hợp, bảo đảm quyền lợi cho người hiến, người ghép mô, bộ phận cơ thể người và bảo đảm tính công khai, minh bạch, thống nhất trong các vấn đề về cơ chế tài chính…

Cũng tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị, các đại biểu, chuyên gia về ghép mô, bộ phận cơ thể người quan tâm, chia sẻ thông tin, đóng góp ý kiến và đề xuất các giải pháp về vấn đề cơ chế tài chính trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và trên cơ sở đó, Bộ Y tế sẽ tổng hợp, kiến nghị sửa đổi Luật hiện hành nói chung, trong đó có vấn đề này nói riêng cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe và thảo luận một số nội dung như: Báo cáo dẫn đề về cơ chế tài chính liên quan đến hiến, ghep bộ phận cơ thể người; Vấn đề tài trợ, hỗ trợ tài chính cho việc lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Mô hình cơ chế thanh toán tài chính trong hoạt động điều phối, lấy, ghép bộ phận cơ thể người tại một số nước (Mỹ, Nhật); Chính sách bảo hiểm y tế trong hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người; Phân tích chi phí hiệu quả giữa chạy thận và ghép thận; Đề xuất đưa các quy định về cơ chế tài chính trong hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người vào Dự án Luật./.




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.