Ngày 14/7/2022 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức hội thảo xây dựng Dự án Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi (BHYT). GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội thảo.
Tham dự có PGS.TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; TS. Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Quốc hội, nay là Ủy ban Xã hội; Ông Lê Văn Phúc, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT; đại diện một số Vụ, Cục, thuộc Bộ Y tế; BHXHVN và một số đơn vị liên quan.
GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biêt, Bảo hiểm y tế là một chính sách an sinh xã hội quan trọng của Đảng và nhà nước ta, là cơ chế tài chính công trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, vì mục tiêu công bằng, hiệu quả và phát triển trong chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân.
Chính sách BHYT của nước ta phát triển qua nhiều giai đoạn với sự ra đời của Nghị định số 299/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng ngày 15/08/1992 ban hành Điều lệ BHYT. Năm 1998 là Nghị định số 58/1998/NĐ-CP, và năm 2005 là Nghị định số 63/2005/NĐ-CP. Sự thay đổi chính sách BHYT quan trọng nhất là việc Quốc hội ban hành Luật Bảo hiểm y tế năm 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014. Luật BHYT là căn cứ pháp lý cao nhất trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách BHYT.
“Được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, Ngành, sự phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền địa phương và nỗ lực của Bộ Y tế, tổ chức Bảo hiểm xã hội, Luật BHYT và các văn bản quy phạm hướng dẫn Luật BHYT đã được tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng”- Thứ trưởng nhấn mạnh
Tính đến tháng 12 năm 2021, toàn quốc có trên 88,8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ bao phủ 91,01% dân số, vượt chỉ tiêu được giao tại Quyết định số 1167/QĐ-TTg ngày 28/6/2016, vượt chỉ tiêu Nghị quyết số 68/2013/QH13 ngày 29/11/2013; phấn đấu đến hết năm 2022 đạt chỉ tiêu bao phủ 92,6% dân số có thẻ bảo hiểm y tế.
Trong bối cảnh kinh tế, xã hội chịu ảnh hướng lớn của đại dịch COVID-19, tỷ lệ này vẫn duy trì được chứng tỏ BHYT đã là một nhu cầu của đời sống xã hội, nhận thức về ý nghĩa của việc tham gia BHYT được nâng cao, chất lượng dịch vụ y tế, dịch vụ BHYT đáp ứng sự hài lòng của người tham gia, và nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong đảm bảo an sinh xã hội nói chung và BHYT nói riêng.
Chất lượng khám chữa bệnh (KCB) BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo. Quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của cơ sở khám chữa bệnh. Chính sách BHYT đã bảo đảm nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. Một số vấn đề trọng tâm trong chính sách BHYT liên tục được nghiên cứu, đánh giá và có các giải pháp phù hợp như: phát triển đối tượng tham gia BHYT; quyền lợi của người tham gia BHYT; tổ chức khám chữa bệnh; phương thức thanh toán chi phí KCB; quản lý và sử dụng quỹ BHYT và các vấn đề liên quan đến tổ chức và quản lý nhà nước về BHYT.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện Luật BHYT vẫn còn một số tồn tại, bất cập do nội tại các quy định của văn bản Luật và những yếu tố mới phát sinh chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để giải quyết; các văn bản hướng dẫn còn thiếu cụ thể, thiếu đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Việc tổ chức thực hiện Luật trên nhiều phương diện còn có một số hạn chế về năng lực, điều kiện cơ sở vật chất, công tác quản lý trong khi nhu cầu về CSSK ngày một cao và sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật y, dược, công nghệ thông tin,...
Để chuẩn bị cho sửa đổi Luật BHYT, ngay từ cuối năm 2018, thực hiện Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 31/12/2017 về việc Ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng Khóa XII, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo xây dựng dự án Luật BHYT sủa đổi, thông qua đánh giá, tổng kết thực tiễn, tổng hợp và luận giải các vấn đề vướng mắc, xem xét kinh nghiệm trên thế giới về BHYT, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân xét trên cả 3 phương diện về tỷ lệ dân số tham gia BHYT, phạm vi dịch vụ được hưởng và mức độ bảo vệ tài chính của người sử dụng dịch vụ y tế.
Bộ Y tế, Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam và các Bộ, ngành cơ quan liên quan đã tiến hành việc nghiên cứu, xây dựng Luật BHYT sửa đổi.
“Luật BHYT được xây dựng trong giai đoạn các văn bản Luật liên quan khác mới được ban hành hoặc đang được sửa đổi như Luật KCB, Luật BHXH, Luật kinh doanh bảo hiểm, Bộ Luật hình sự, Luật Lao động… vì vậy, việc xây dựng cần được cân nhắc để bảo đảm tính hệ thống và đồng bộ với hệ thống pháp luật liên quan”- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị các đại biểu tham dự tập trung nghiên cứu tài liệu, nghe các báo cáo và có ý kiến góp ý để Ban soạn thảo tiếp thu, sửa đổi và hoàn thiện Dự thảo Luật nhằm bảo đảm tiến độ trình Quốc hội.
TS. Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế trình bày một số nội dung đề xuất sửa đổi Luật BHYT 2014 hướng tới chăm sóc sức khỏe toàn dân
TS. Đặng Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế cho biết, lần sửa đổi Luật này dự kiến sẽ điều chỉnh 05 nhóm chính sách lớn bao gồm:
2. Mở rộng phạm vị quyền lợi có chọn lọc
3. Đa dạng loại hình cơ sở cung ứng dịch vụ
4. Nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành bảo hiểm y tế, trách nhiệm của cơ sở cung ứng dịch vụ y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội.
5. Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế
Quang cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe một số nội dung liên quan đến những nội dung sửa đổi Luật BHYT như: Báo cáo tổng kết thực hiện chính sách BHYT: Kết quả - Thách thức; Đối tượng, mức đóng & phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế; Thanh toán chi phí khám chữa bệnh- Giám định bảo hiểm y tế & Trách nhiệm các bên; Quyền lợi BHYT đối với bệnh nhân HIV/AIDS./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT