Sáng ngày 16/5/2023, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo/Bộ Y tế, Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm Điều phối Ghép tạng Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Y học kỹ thuật cao: Ghép phổi và Y học tái tạo tại Hoa Kỳ và Việt Nam – Thực trạng và giải pháp”. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã tham dự Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có đại diện Lãnh đạo các Bộ/ngành liên quan, các Vụ/Cục/Văn phòng Bộ Y tế, Bệnh viện thuộc Bộ Y tế; Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người; Lãnh đạo các Bệnh viện; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; hai chuyên gia về ghép phổi và ECMO đến từ Đại học University of California, San Francisco (UCSF) tại Hoà Kỳ; các cơ quan truyền hình thông tấn Trung ương và Hà Nội đã về dự đưa tin cho Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đã trong công tác ghép tạng đã đạt được trong thời gian qua. Đồng thời đề cao vai trò của Bệnh viện Phổi Trung ương với vai trò phòng, chống lao và bệnh phổi trong nhiều năm vừa qua là đơn vị điều phối chương trình phòng, chống lao và hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao, sốt rét, AIDS vào năm 2030.
Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, hội thảo này là cơ hội để các chuyên gia của Việt Nam và Hoa Kỳ trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong tiếp cận kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới đặc biệt trong lĩnh vực ghép tạng. Thứ trưởng đề nghị Bệnh viện Phổi Trung ương cùng với các cơ sở ghép tạng, phối hợp với các Vụ/Cục đặc biệt là vụ Pháp chế để hoàn thiện về thể chế; Cục Khám chữa bệnh, Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ Bảo hiểm sớm hoàn thiện xây dựng danh mục để từng bước hoàn thiện các quy trình kỹ thuật cao về ghép phổi và y học tái tạo, gắn với thanh toán bảo hiểm y tế.
TS.BS. Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết: Bệnh viện Phổi Trung ương là bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về lĩnh vực bệnh lao và bệnh phổi, được Bộ Y tế giao nhiệm vụ là đầu mối phát triển hợp tác nghiên cứu khoa học về lĩnh vực lao và bệnh phổi, triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học để phục vụ công tác dự phòng, khám chữa bệnh, đào tạo và chuyển giao công nghệ. Ngay từ ngày đầu thành lập, cố Bộ trưởng BS. Phạm Ngọc Thạch, Viện trưởng đầu tiên của Viện chống lao Trung ương nay là Bệnh viện Phổi Trung ương đã nêu rõ “Chỉ có nắm vững tình hình bệnh phổi trong nước mới chẩn đoán bệnh lao ít sai lầm”. Trải qua hơn 65 năm hình thành và phát triển, Bệnh viện Phổi Trung ương luôn nỗ lực để thực hiện hai sứ mệnh này: thanh toán bệnh lao và chăm sóc nâng cao sức khỏe phổi cho Nhân dân.
Năm 2018, Bệnh viện Phổi Trung ương với hai nhiệm vụ chiến lược là thanh toán bệnh lao và chăm sóc sức khỏe phổi cho Nhân dân đã có những hợp tác rất sâu rộng với trường ĐH UCSF của Hòa Kỳ. Với sự giúp đỡ, hỗ trợ rất có giá trị của Trường ĐH UCSF – Trung tâm Y học uy tín hàng đầu ở Hoa Kỳ và trên thế giới, các chuyên gia hàng đầu ở đây, cụ thể là GS Jaslee Kukreja, Bệnh viện Phổi Trung ương đã có các chuyên gia được đào tạo, hướng dẫn rất tận tâm, tinh thần trách nhiệm rất cao và miễn phí hoàn toàn chi phí học tập.
Năm 2020, Bệnh viện Phổi Trung ương đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép phổi cho người bệnh bị xơ phổi giai đoạn cuối. Ca phẫu thuật được thực hiện chặt chẽ, bài bản theo quy trình tiêu chuẩn quốc tế từ Trung tâm ghép phổi UCSF - 1 trong 9 trung tâm ghép phổi lớn và có uy tín nhất tại Hoa Kỳ. Toàn bộ quy trình chuẩn bị từ người chết não cho tạng và người chờ ghép phổi đều được đánh giá, chẩn đoán, điều trị chặt chẽ theo tiêu chuẩn của Trung tâm ghép tim phổi Trường Đại học UCSF. Sau gần 3 năm được thực hiện ghép phổi, người bệnh phục hồi tốt và hoàn toàn khỏe mạnh, chức năng hô hấp ổn định. Đây là ca phẫu thuật được các chuyên gia đánh giá là thành công nhất từ trước đến nay, trong bối cảnh Việt Nam đã triển khai nhiều ca ghép phổi từ người cho bị chết não nhưng tỷ lệ thành công không cao, thời gian sống của người được cho sau ghép phổi không dài.
Tại Hội thảo các đại biểu sẽ được nghe các bài trình bày của các báo cáo viên quốc tế và trong nước về các nội dung: Tổng quan về tình hình ghép phổi tại Đại học UCSF; Tình hình ghép mô tạng tại Việt Nam; Tình hình ghép phổi tại Việt Nam; Vai trò của tế bào gốc và tế bào miễn dịch trong điều trị bệnh phổi giai đoạn cuối; Ứng dụng ECMO trong phẫu thuật tim phổi, ghép phổi tại UCSF; Tình hình phẫu thuật tim hở tại Việt Nam; Ghép phổi: cơ hội cho bệnh nhân xơ phổi, bệnh phổi kẽ giai đoạn muộn./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT