Bộ y tế
Khơi thông các điểm nghẽn; tiếp sức người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19
16/07/2021 - 216
Bộ Tài chính cần kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19,...
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Bộ Tài chính cần tập trung rà soát những điểm chồng chéo, tháo gỡ các rào cản cho sản xuất, kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững.
Thực hiện thành công "mục tiêu kép"
Sáng 16/7, Bộ Tài chính tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm. Hội nghị được kết nối trực tuyến từ Bộ Tài chính với điểm cầu tại 5 tổng cục thuộc Bộ và 62 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Sau khi xem clip báo cáo của Bộ Tài chính, ý kiến phát biểu của lãnh đạo các địa phương: Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bắc Giang, lãnh đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: 6 tháng đầu năm, dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại nhiều địa phương trong cả nước, hiện nay dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại TPHCM và một số địa phương lân cận đã ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực phấn đấu của toàn đảng, toàn quân và toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng đầu năm, chúng ta tiếp tục đạt được những kết quả rất quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội; thực hiện thành công mục tiêu “kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, kịp thời.
Cụ thể là, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tốc độ tăng trưởng GDP 6 tháng đạt 5,64%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2020 (1,81%), lạm phát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát, bình quân tăng 1,47%, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo. Thu ngân sách nhà nước tăng 16,3%; thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng ổn định; mặt bằng lãi suất cho vay bình quân tiếp tục giảm. Chính sách an sinh xã hội, chính sách đối với người có công được thực hiện tốt; an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.
Nhờ các kết quả đạt được trong phòng chống dịch, phát triển kinh tế, xã hội, Việt Nam là quốc gia duy nhất được cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia (S&P, Moody’s và Fitch’s) giữ nguyên hệ số tín nhiệm và nâng hạng triển vọng lên mức tích cực…
Cũng trong 6 tháng đầu năm, chúng ta cũng đã tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị quan trọng, như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Quản lý chặt chẽ, hiệu quả Quỹ vaccine
Phó Thủ tướng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bộ Tài chính và ngành tài chính trong việc triển khai các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhất là trong việc tham mưu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế, xã hội, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, người dân ứng phó với đại dịch; điều hành chính sách tài khóa chủ động, tích cực; thu đúng, thu đủ ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ chi ngân sách nhà nước; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác; góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép…
Bộ Tài chính đã nỗ lực, sáng tạo, nghiên cứu, tham mưu nhiều giải pháp huy động nguồn lực đẩy nhanh tiến độ mua vaccine phòng COVID-19 tiêm chủng trên diện rộng cho người dân, sớm tạo miễn dịch cộng đồng. Tổng nguồn lực đến nay đạt khoảng 25 nghìn tỷ đồng, trong đó từ ngân sách Trung ương khoảng 14,5 nghìn tỷ đồng, huy động của Quỹ vaccine trên 8 nghìn tỷ đồng.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính phải quản lý chặt chẽ, hiệu quả Quỹ vaccine, cập nhật kịp thời, công khai, minh bạch mọi hoạt động của Quỹ để nhân dân biết, theo dõi, ủng hộ,…
Kiên định mục tiêu tăng trưởng
Theo Phó Thủ tướng, tình hình thời gian tới còn nhiều khó khăn, thách thức do dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có thể còn tiếp tục lan rộng, kéo dài, tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các mặt của đời sống xã hội.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ vẫn kiên định thực hiện “mục tiêu kép”. Tùy từng địa phương, tùy từng thời điểm thực hiện linh hoạt, xác định ưu tiên mục tiêu phòng chống dịch bệnh hay ưu tiên mục tiêu phát triển kinh tế hoặc cân bằng giữa 2 mục tiêu này.
Nói chung, chúng ta ưu tiên cho phòng chống dịch, lấy kết quả của công tác phòng chống dịch là yếu tố tiền đề, nền tảng vững chắc để khôi phục và phát triển kinh tế, xã hội đất nước.
“Tới đây khi báo cáo ra Quốc hội, Chính phủ vẫn kiên định tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở mức 6-6,5%. Để đạt được mục tiêu này, chúng ta phải nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, phấn đấu cao hơn nữa, nhất là sự nỗ lực, phấn đấu của các bộ, ngành và địa phương, trong đó có vai trò quan trọng của ngành tài chính” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cơ bản nhất trí với mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ Bộ Tài chính đã nêu trong báo cáo, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, trong thời gian tới, đồng chí Bộ trưởng và lãnh đạo Bộ Tài chính cần tiếp tục tập trung chỉ đạo ngành tài chính thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh
Thứ nhất, Bộ Tài chính cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tài khóa, kể cả các giải pháp về thuế, phí để trình cấp có thẩm quyền quyết định, tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Phối hợp hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; rà soát kỹ, cập nhật các kịch bản tăng trưởng và các giải pháp chỉ đạo, điều hành trên các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng được giao; kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền các nhiệm vụ, giải pháp giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là những ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Phối hợp với Bộ LĐTBXH, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Bộ Tài chính cần tập trung rà soát những điểm chồng chéo, tháo gỡ các rào cản cho sản xuất, kinh doanh, huy động và khơi thông mọi nguồn lực để đất nước phát triển bền vững; tập trung rà soát, tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh nhất là trong lĩnh vực thuế, hải quan; đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc cho hoạt động đầu tư; hoàn thiện khung khổ pháp lý cho mô hình kinh doanh mới; ứng dụng chuyển đổi số, mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công, xử lý hồ sơ nghiệp vụ, thủ tục hành chính trên môi trường mạng. Định kỳ đối thoại với doanh nghiệp và nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế.
Phấn đấu tăng thu 3-5%
Thứ hai, Phó Thủ tướng đề nghị các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo sát sao thực hiện các giải pháp về tài chính ngân sách đã được Quốc hội, Chính phủ quyết định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với cơ quan Thuế, Hải quan, tăng cường quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế; dự báo và đánh giá mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn để có giải pháp chỉ đạo, điều hành thu phù hợp; phấn đấu tăng thu tối thiểu 3-5% so dự toán Quốc hội giao.
Thứ ba, Bộ Tài chính điều hành chi ngân sách trong phạm vi dự toán được giao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân công, phân nhiệm đi đôi với tăng cường phối hợp, giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện; linh hoạt, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về thể chế, thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng để đẩy mạnh việc giải ngân thực hiện dự án đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình… phấn đấu đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư theo Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ.
Thứ tư, Bộ Tài chính cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường nhất là các mặt hàng quan trọng thiết yếu, nguyên nhiên phụ liệu đầu vào đã tăng giá mạnh trong các tháng đầu năm, để kịp thời đề xuất các giải pháp cân đối cung – cầu, bình ổn giá cả thị trường. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện pháp luật về giá để kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp sai phạm. Bộ Tài chính, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo giá cần quán triệt tinh thần là chúng ta quyết tâm thực hiện điều hành giá theo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động chứng khoán, dự báo và có giải pháp kiểm soát tốt dòng tiền nóng, đảm bảo phát triển ổn định thị trường, khắc phục tình trạng nghẽn lệnh do lỗi kỹ thuật.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách
Thứ năm, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công, đất đai, tài nguyên,..; thực hiện các kết luận của các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán; chuyển đổi cơ chế kiểm tra, giám sát từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với trách nhiệm giải trình và minh bạch hóa các chế tài xử lý, đủ sức răn đe; kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp vi phạm.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy; đổi mới cơ chế tài chính đơn vị sự nghiệp công lập, giá dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, các chỉ đạo của trung ương, tạo cơ sở để thực hiện các mục tiêu về cải cách tiền lương và bảo hiểm xã hội,…
Thứ bảy, Bộ Tài chính cần, quan tâm, chú trọng công tác xây dựng dự toán NSNN năm 2022 trên cơ sở các chỉ tiêu, số liệu kinh tế xã hội, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên, tỷ lệ điều tiết và số bổ sung cân đối phù hợp cho từng địa phương bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương. Tăng cường công tác phối hợp với các bộ, cơ quan, nhất là Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để nâng cao hiệu quả phối hợp điều hành chính sách tài khóa-tiền tệ, thực hiện phân bổ vốn hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch vốn của các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả cho các dự án có nhu cầu sử dụng vốn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư của nhà nước.
Trong điều kiện vẫn còn khó khăn, thách thức, nhiệm vụ còn lại của năm 2021 rất lớn nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, sự đoàn kết, nhất trí trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp và toàn ngành tài chính, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Phó Thủ tướng tin tưởng Bộ Tài chính sẽ hoàn thành cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước cả năm 2021 đã đề ra, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tạo tiền đề tích cực cho công tác xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024 và kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025./.
Nguồn: chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT