Chiều ngày 17/02/2022 tại Hà Nội đã diễn ra lễ ký kết Quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện “Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025” giữa 04 Bộ, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Tham dự lễ ký có các đồng chí Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội; đồng chí Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Ngô Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Lễ ký kết Quy chế phối hợp liên ngành về thực hiện Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong nhưng năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2018-2025
Vấn đề phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời đóng vai trò quan trọng trong thực hiện các quyền của trẻ em cũng như những việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2023 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện. Đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong tương lai.
Trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam đã nỗ lực thực hiện mục tiêu nhằm đảm bảo sự phát triển toàn diện trẻ em. Việt Nam đã nội luật[MCV1] hóa tất cả các quyền, các nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền trẻ em của Công ước, từ Hiến pháp năm 2013 đến Luật trẻ em năm 2016 và các Bộ luật, các luật có liên quan.
Trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, cá nhân, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế về đảm bảo trẻ em được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, được giáo dục và học tập, được bảo vệ an toàn, được vui chơi, giải trí được luật phápquy định cụ thể. Trong đó, đầu tư hỗ trợ vì sự phát triển toàn diện của trẻ là quan điểm xuyên suốt tại các quy định phát luật và các chính sách an sinh xã hội của Việt Nam.
Phương hướng nhiệm vụ, giải pháp trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021-2030 đã đưa việc thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, tạo môi trường lành mạnh, thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần, đạo đức và các mối quan hệ xã hội…
Theo đó, quy chế bao gồm các nội dung chính như sau: Phối hợp triển khai công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức năng lực cho đội ngũ cán bộ triển khai Đề án; Nghiên cứu rà soát và thực hiện chính sách pháp luật; Công tác thanh tra, kiểm tra việc triển khai thực hiện Đề án; Phối hợp triển khai Chương trình tư vấn giáo dục cho cha mẹ, người chăm sóc phát triển toàn diện cho trẻ em; Xây dựng mạng lưới kết nối dịch vụ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em tại gia đình và cộng đồng; Phối hợp triển khai mô hình chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em; Phối hợp việc thống kê, cung cấp thông tin và báo cáo tình hình triển khai Đề án… Quy chế cũng phân công cụ thể trách nhiệm của các Bộ trong việc phối hợp triển khai, thực hiện Đề án.
Thứ trưởng Bộ Lao đông- Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, việc các Bộ cùng nhau thống nhất và triển khai Quy chế liên ngành sẽ góp phần quan trọng để hoàn thành mục tiêu Chính phủ giao đồng thời góp phần quan trọng trong thực hiện Chương trình nghị sự toàn cầu về phát triển bền vững đến năm 2023 mà Việt Nam đã cam kết thực hiện.
“Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với các Bộ/ ngành/ đoàn thể thực hiện tốt nhiệm vụ hướng dẫn, điều phối triển khai Đề án”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại lễ ký kết
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao sự chủ động của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng dự thảo Quy chế liên ngành giữa 04 Bộ.
“Quy chế cũng tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ để mỗi cơ quan hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng và làm tổn thương nặng nề đối với trẻ em, hàng nghìn trẻ em bị mồ côi do dịch bệnh COVID-19 gây ra mất mát đối với cha mẹ các cháu và ngay cả bản thân các cháu cũng phải hứng chịu bị mắc COVID-19”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề cao vai trò của các bậc cha mẹ đối với quá trình chăm sóc phát triển trẻ em, góp phần thực hiện tốt mục tiêu chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ em. Đồng thời làm cho cha mẹ, cộng đồng hiểu về tầm quan trọng của việc chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời, từ đó có sự thống nhất trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em từ nhà trường, gia đình và xã hội. Ngay sau khi đề án được ban hành, Bộ Giáo và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-BGDĐT ngày 05/42019 để thực hiện hóa các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của Đề án.
“Trong giai đoạn tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan thực hiện tốt các nhiệm vụ có tác động đến việc nâng cao chát lượng nuôi dưỡng, chăm sóc vì sự phát triển toàn diện của trẻ em trong những năm đầu đời. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, nhiều cơ sở giáo dục mầm non bị ảnh hưởng nặng nề do trẻ em trong đến trường, không học trực tuyến, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tập trung trình Chính phủ các chính sách và giải pháp cấp bách nhằm hỗ trợ giáo dục mầm non, đặc biệt là giáo dục mầm non ngoài công lập để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở giáo dục mầm non, bảo đảm chất lượng phát triển toàn diện trẻ em như mục tiêu Đề án đặt ra”- Thứ trưởng Ngô Thị Minh khẳng định.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết: Chăm sóc, phát triển toàn diện trẻ em là quá trình lâu dài, liên tục nhưng trong đó, cơ sở khoa học và thực tiễn cho thấy, những năm đầu đời là giai đoạn quan trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển thể chất, não bộ cũng như tính cách, sự trưởng thành của mỗi người.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá cao việc các Bộ tham gia ký kết và triển khai Quy chế phối hợp liên ngành để thống nhất trong triển khai các chính sách về chăm sóc toàn diện trẻ em. Trong chức năng, nhiệm vụ được giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành có liên quan để triển khai có hiệu quả Quy chế trên”- Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ, hợp tác liên ngành là tâm điểm quan trọng để thúc đẩy phát triển toàn diện trẻ em mà vốn dĩ không thuộc trách nhiệm của chỉ riêng một Bộ, ngành nào, đồng thời Quy chế cũng là nền tảng giúp dịch vụ phát triển toàn diện trẻ em mở rộng một cách bền vững ở Việt Nam./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT