Bộ y tế
Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS
29/11/2024 - 41
Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS
Ngày 29/11/2024, tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS năm 2024 với chủ đề “Công bằng, bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS - Hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030” nhằm phản ánh nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế và tạo điều kiện để mọi người có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách công bằng, bình đẳng và không bị phân biệt đối xử.
Mít tinh được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tại đầu cầu Trung ương, có sự tham dự của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan; Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương; các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm; Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương; đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam và các tổ chức quốc tế; đại diện người sống chung với HIV; đại diện Lãnh đạo 14 tỉnh phía Bắc và đầu cầu trực tuyến từ 49 tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu khai mạc buổi lễ
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, sau gần 35 năm triển khai thực hiện, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương, các địa phương, sự hỗ trợ to lớn của các tổ chức quốc tế, chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được nhiều kết quả tích cực, thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các tổ chức trong và ngoài nước, trở thành một trong những điểm sáng về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại khu vực và toàn cầu. Bộ Y tế đã cùng các địa phương trên cả nước triển khai mạnh mẽ và đồng bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo hướng tiếp cận toàn diện, cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ dự phòng, xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS; mở rộng độ bao phủ chương trình. Năm 2024, toàn quốc có gần 48.000 người tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, có gần 70.000 người được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). Năm 2023, Việt Nam là quốc gia dẫn đầu Châu Á - Thái Bình Dương về số người được điều trị PrEP, giúp kiểm soát được 97% người sử dụng tránh được nguy cơ lây nhiễm HIV. Chương trình tư vấn và xét nghiệm HIV được triển khai từ cơ sở y tế đến cộng đồng với nhiều mô hình đa dạng, hàng năm cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV cho khoảng hơn 2 triệu lượt người, phát hiện khoảng 11.000 trường hợp nhiễm HIV. Điều trị HIV/AIDS đạt được nhiều thành tựu, hiện tại toàn quốc có gần 183.000 bệnh nhân được điều trị ARV. Việt Nam cũng là một trong những nước đứng đầu Thế giới về chất lượng điều trị HIV với trên 97% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng HIV có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện.
Để đạt được những thành tựu vô cùng nổi bật, công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm vừa qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng và Nhà nước, Ban Bí thư đã 03 lần ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, gần đây nhất là Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cũng ban hành Nghị quyết 42-NQ/TW nêu rõ đến năm 2030 cơ bản chấm dứt dịch bệnh AIDS.
Toàn cảnh Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống AIDS năm 2024
Cùng với đó, đã thiết lập được một hành lang pháp lý đầy đủ và toàn diện từ Luật Phòng, chống HIV/AIDS đến các văn bản dưới Luật. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS, Nghị định này thay thế cho nội dung được quy định tại 05 Nghị định, bảo đảm sự thống nhất và tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Thời gian qua, Việt Nam cũng đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS nhất là việc chi trả các dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua quỹ bảo hiểm y tế, các địa phương cũng đã tăng cường ngân sách cho chương trình thông qua các đề án hoặc kế hoạch đảm bảo tài chính, đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào phòng, chống HIV/AIDS. Cùng với đó, chúng ta cũng đã và đang tiếp tục huy động và nhận được một nguồn lực đáng kể từ các tổ chức quốc tế. Nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực hỗ trợ quý báu này cũng như thể hiện cam kết đối với cộng đồng tài trợ quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, tổ chức có liên quan để kiện toàn Ban Điều phối quốc gia Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV, Lao và Sốt Rét - CCM.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đánh giá cao và hoan nghênh sự nỗ lực, lòng nhiệt huyết, sự tận tụy và sự hy sinh thầm lặng của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế và các tổ chức xã hội, các tổ chức cộng đồng trực tiếp tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS trong suốt thời gian qua. Đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Chính phủ và nhân dân các nước, các tổ chức đa phương, song phương đã dành cho Việt Nam sự hỗ trợ to lớn về kỹ thuật và tài chính trong nhiều năm qua.
Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Ngọc Quý phát biểu tại buổi lễ
Chia sẻ tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Ngọc Quý cho biết, ngay từ những ngày đầu của đại dịch HIV/AIDS, Đảng và Nhà nước đã xác định phòng, chống HIV/AIDS là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài và cần sự tham gia đồng bộ của toàn xã hội. Đầu tư cho công tác phòng, chống HIV/AIDS không chỉ bảo vệ sức khỏe Nhân dân, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Quyết tâm của Đảng được thể hiện trong nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: Chỉ thị số 52-CT/TW, ngày 11/3/1995; Chỉ thị số 54-CT/TW, ngày 30/11/2005 của Ban Bí thư; Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Và gần đây, tại Chỉ thị số 07-CT/TW, ngày 06/7/2021 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030.
Ông Marc. E. Knapper Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam phát biểu tại buổi lễ
Gửi lời chúc mừng Chính phủ Việt Nam và đặc biệt là Bộ Y tế vì đạt được những thành công đáng kể trong việc kiểm soát dịch bệnh và chuyển hoạt động ứng phó với HIV từ nguồn tài trợ nước ngoài sang nguồn tài chính trong nước, ông Marc. E. Knapper Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam khẳng định, Việt Nam nổi bật là quốc gia dẫn đầu thế giới về tài chính bền vững, với nguồn tài chính trong nước tăng đáng kể. Trên toàn cầu, Việt Nam sẽ tiếp tục là tấm gương sáng cho các quốc gia khác khi họ cũng tìm cách khẳng định vai trò lãnh đạo trong nước tốt hơn để duy trì ứng phó với HIV.
Ông Eamonn Murphy, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Đông Âu và Trung Á phát biểu tại buổi lễ
Tại buổi mít tinh, Giám đốc Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và khu vực Đông Âu và Trung Á, ông Eamonn Murphy kêu gọi Việt Nam cần dồn tổng lực để đẩy mạnh đáp ứng với HIV nhằm thực hiện được mục tiêu của quốc gia. Các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV có hiệu quả cao cần được mở rộng hơn nữa. Khoảng trống còn lớn giữa số người được chẩn đoán nhiễm HIV và số người tham gia điều trị kháng HIV cần được lấp đầy. Các hành động để giảm kỳ thị, phân biệt đối xử và đảm bảo mọi người dân có nhu cầu đều có thể tiếp cận dịch vụ phòng, chống HIV cần mạnh mẽ hơn nữa.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm phát biểu chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại mít tinh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Chủ tịch Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm đề nghị:
1. Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS bảo đảm phù hợp thực tế và đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan. Nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật, sáng kiến mới về phòng, chống HIV/AIDS trên toàn cầu; hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai đa dạng các mô hình phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả. Triển khai đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS, xác định các tồn tại, hạn chế của các tỉnh, thành phố triển khai công tác phòng, chống HIV/AIDS chưa hiệu quả, có nguy cơ không đạt được mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS, từ đó tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban quốc gia chỉ đạo các tỉnh, thành phố kịp thời;
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong việc thực hiện quản lý nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS;
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Căn cứ tình hình nhiễm HIV/AIDS thực tế, các mục tiêu, nhiệm vụ, giảp pháp chiến lược quốc gia về phòng, chống HIV/AIDS để đầu tư đảm bảo phân bổ đủ nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và giao các chỉ tiêu cụ thể đến với từng cấp xã, cấp huyện với tinh thần quyết tâm cao nhất đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS đối với các cơ quan và chính quyền các cấp;
4. Các tổ chức chính trị - xã hội: tiếp tục triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình. Phối hợp với Bộ Y tế, các tỉnh thành phố để đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS phù hợp tại các cơ sở giáo dục, khu công nghiệp có nhiều người trẻ, tại các địa bàn có nguy cơ cao lây nhiễm HIV;
5. Người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao: tiếp tục tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện và khả năng của mình;
6. Chính phủ các nước và các tổ chức quốc tế tiếp tục hỗ trợ tài chính và kỹ thuật, giúp Việt Nam cập nhật tiến bộ khoa học, ứng dụng thực hành tốt nhất để đạt mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT