zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Mít tinh hưởng ứng ngày Sức khỏe tâm thần thế giới ngày 10/10

11/10/2022 - 166

Chiều ngày 10/10/2022 tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khỏe tâm thần thế giới 10 tháng 10 với chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người là một ưu tiên hàng đầu”. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu.

Tham dự có GS.TS. Nguyễn Kim Việt, Chủ tịch Hội Tâm thần học Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Mai Hiên, Phó Chủ tịch thường trực Hội tâm lý trị liệu Việt Nam; BS. Mya Ngon, Trưởng phòng Kiểm soát dich bệnh và Y tế khẩn cấp, Văn phòng WHO tại Hà Nội và đại diện một số Vụ, Cục, Văn phòng thuộc Bộ Y tế và một số đơn vị liên quan.

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu

Phát biểu khai mạc lễ mit tinh, GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: hiện nay vấn đề rối loạn tâm thần đang có chiều hướng gia tăng. Tại Việt Nam, tỉ lệ mắc 10 rối loạn tâm thần thường gặp là 14,9% dân số, nghĩa là có gần 15 triệu người. Tuy nhiên đa số người dân cho rằng rối loạn tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt (dân gian thường gọi là điên). Thực tế tỉ lệ tâm thần phân liệt là 0,47% dân số; trầm cảm, lo âu chiếm tỉ lệ cao, tới 5-6% dân số, còn lại là các rối loạn tâm thần khác như rối loạn cảm xúc lưỡng cực, rối loạn tâm thần liên quan tới sử dụng rượu bia, ma túy và các chất gây nghiện khác… Ở trẻ em các vấn đề sức khỏe tâm thần vào khoảng 12%, tương đương hơn 3 triệu trẻ em có nhu cầu về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần. Ai cũng có thể mắc rối loạn tâm thần, ít nhất là ở một giai đoạn, thời điểm nào đó của cuộc đời.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết thêm: mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh không lây nhiễm và rối loạn sức khỏe tâm thần giai đoạn 2022 – 2025 với mục tiêu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng, phát hiện sớm và quản lý điều trị các bệnh tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm, sa sút trí tuệ và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác... Bên cạnh đó, Bộ Y tế đang xây dựng đề án “Tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần” để trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở triển khai công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần trong giai đoạn sắp tới.

Đông đảo đại biểu tham dự sự kiện

Tại lễ mit tinh thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đề nghị:

1. Các cơ quan của Bộ Y tế và các đơn vị liên quan cần đẩy nhanh việc xây dựng các văn bản luật pháp, chính sách, hướng dẫn chuyên môn để tăng cường chăm sóc sức khỏe tâm thần bao gồm cả chuyên khoa sâu và chăm sóc sức khỏe tâm thần cơ bản trong các cơ sở y tế khác và tại cộng đồng, cả chữa trị bằng thuốc và không bằng thuốc;

2. Sở Y tế tỉnh, thành phố, các cơ sở y tế: bên cạnh củng cố các bệnh viện chuyên khoa tâm thần cần thúc đẩy chăm sóc sức khỏe tâm thần trong các bệnh viện đa khoa, các bệnh viện chuyên khoa khác có nhiều người mắc rối loạn tâm thần kèm theo như sản khoa, nhi khoa, lão khoa, ung bướu…, lồng ghép chăm sóc sức khỏe tâm thần trong chăm sóc sức khỏe ban đầu;

3. Các cấp chính quyền và ngành đoàn thể xã hội cần chủ động tích cực tham gia dự phòng và nâng cao sức khỏe tâm thần cho người dân, đồng thời phối hợp chặt chẽ cùng ngành Y tế trong chăm sóc cho những người bệnh rồi loạn tâm thần nặng, nhất là ngành Lao động và Thương binh xã hội và các tổ chức tại cộng đồng;

4. Các cơ quan truyền thông: tích cực tham gia tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động của người dân trong dự phòng, nâng cao sức khoẻ tâm thần, phát hiện sớm các rối loạn tâm thần;

5. Đối với người dân: cần tăng cường nhận thức về sức khoẻ tâm thần để tự chăm sóc cho mình, cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Tuyệt đối không kỳ thị, phân biệt với người có vấn đề về sức khỏe tâm thần, bởi mỗi chúng ta đều có thể có những rối loạn tâm thần nhất định cũng như có như vậy thì việc điều trị người bệnh tâm thần mới đạt được những hiệu quả khả quan. Bên cạnh đó cần thực hiện lối sống lành mạnh, có chế độ làm việc, học tập và nghỉ ngơi phù hợp, tự theo dõi sức khỏe và có những sẻ chia với mọi người xung quanh.

BS. Mya Ngon - Trưởng phòng Kiểm soát dich bệnh và Y tế khẩn cấp - Văn phòng WHO tại Hà Nội phát biểu

Đại diện WHO tại Hà Nội, BS. Mya Ngon, Trưởng phòng Kiểm soát dịch bệnh và Y tế khẩn cấp cho biết: Năm 2019, WHO ước tính cứ 8 người thì có 1 người đang sống chung với rối loạn tâm thần. Ở các nước có thu nhập thấp, hơn 75% rối loạn tâm thần không được điều trị. Hàng năm, gần 3 triệu người chết do lạm dụng chất kích thích. Cứ sau 40 giây lại có một người chết do tự sát. Khoảng 50% các rối loạn tâm thần bắt đầu từ năm 14 tuổi.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần (SKTT) toàn cầu, làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng ngắn hạn và dài hạn và phá hủy SKTT của hàng triệu người. Vào năm 2020, số người sống chung với rối loạn lo âu và trầm cảm đã tăng lên đáng kể vì đại dịch COVID-19: ước tính khoảng hơn 25% trong năm đầu tiên của đại dịch và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử. Trong khi các dịch vụ phòng ngừa và điều trị hiệu quả sẵn có, nhưng nhiều người bị rối loạn tâm thần không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc hiệu quả, làm gia tăng khoảng trống điều trị cho các vấn đề SKTT: chỉ khoảng 29% số người bị rối loạn tâm thần và chỉ 1 phần 3 số người bị trầm cảm được chăm sóc SKTT chính thức.

Đại diện WHO cũng cam kết mạnh mẽ đồng hành cùng ngành Y tế thực hiện các mục vì sức khỏe mọi người dân Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện

10 hành động của mỗi người dân để dự phòng và nâng cao sức khoẻ tâm thần:

  1. Nhận ra và chia sẻ về cảm xúc của bản thân;
  2. Tăng cường hoạt động thể chất;
  3. Ăn uống lành mạnh;
  4. Nghỉ ngơi đầy đủ:
  5. Sử dụng đồ uống hợp lý;
  6. Giữ liên lạc với người xung quanh;
  7. Làm những công việc mà mình có khả năng;
  8. Chấp nhận bản thân dù bạn là ai;
  9. Đề nghị sự trợ giúp khi cần;
  10.  Quan tâm đến những người khác.

 




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.