Bộ y tế
Mỗi địa phương là một ‘chiến tuyến’ chống dịch
29/01/2021 - 337
Ngay sau cuộc họp với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, trong thời gian nghỉ của phiên thảo luận tại Đại hội Đảng lần thứ XIII, sáng 28/1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký Chỉ thị số 05/CT-TTg về một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19.
Ngày 28/01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc triệu tập cuộc họp khẩn về công tác phòng chống COVID-19 tại phòng họp thuộc Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, nơi Đại hội XIII đang diễn ra. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Còn nhớ, cách đây đúng 1 năm, ngày 28/1/2020, người đứng đầu Chính phủ cũng ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra sau khi chúng ta ghi nhận 2 ca nhiễm COVID-19 đầu tiên. Vì vậy, Chỉ thị 05/CT-TTg, năm 2021 cũng tương tự như hiệu lệnh để toàn thể hệ thống chính trị, chính quyền, các lực lượng và nhân dân bước vào giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19 với biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn nhiều.
Chỉ thị 05/CT-TTg năm 2021 với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng ngay sau khi có thông tin về những ca bệnh đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2, đó là: Chúng ta đã phản ứng cương quyết, kịp thời, thái độ dứt khoát, mạnh mẽ hơn; cần khoanh vùng, cách ly truy vết thần tốc trên diện rộng nhưng cũng phải hết sức bình tĩnh; tiếp tục thực hiện biện pháp hành chính mạnh mẽ...
Ngoài những chỉ đạo hết sức cụ thể đối với tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Chỉ thị 05/CT-TTg đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm và giao quyền chủ động cho lãnh đạo các địa phương. Bởi vì, với tốc độ lây lan của biến thể mới, thì những ổ dịch như ở Hải Dương hay Quảng Ninh có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, do đó, tốc độ phản ứng là vô cùng quan trọng. Với Chỉ thị 05/CT-TTg, lãnh đạo các địa phương đã được giao quyền để có thể quyết định ngay việc phong tỏa hay giãn cách xã hội ở những khu vực có nguy cơ thay vì chờ xin ý kiến Trung ương.
Mặc dù việc phong toả hay giãn cách xã hội sẽ gây nhiều bất tiện cho người dân nhưng rõ ràng nếu e ngại, không kiên quyết ngay từ đầu thì với tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 có thể gây hậu quả khó lường đối với sức khỏe thậm chí tính mạng của nhân dân cũng như các hoạt động kinh tế-xã hội của đất nước. Còn nếu thực hiện nghiêm túc, quyết liệt ngay từ những giờ phút đầu tiên chúng ta có thể kiểm soát được dịch và sớm trở lại trạng thái bình thường mới.
Đáng lưu ý, theo Chỉ thị 05/CT-TTg, các địa phương phải yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các giải pháp về đeo khẩu trang, hạn chế tụ tập đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Có thể nói đây là những biện pháp hết sức căn bản để ngăn chặn, làm chậm tốc độ lây lan của dịch bệnh. Mỗi người dân thực hiện nghiêm túc Thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế”, chính là bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình, sát cánh cùng cộng đồng, xã hội phòng chống dịch bệnh.
Chỉ thị cũng nêu rất rõ các địa phương phải rà soát, siết chặt việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trên địa bàn, đặc biệt tại các cơ sở y tế, trường học, khu công nghiệp, nhà máy xí nghiệp, các khu vực thường xuyên có hoạt động tập trung đông người. Đây là giải pháp rất căn bản để chúng ta có thể chung sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến rất phức tạp, nhất là sự xuất hiện của biến thể mới có tốc độ lây lan nhanh hơn trước khoảng 70%. Rà soát định kỳ việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch không chỉ siết lại, “lên dây cót” từng mắt xích trong hệ thống mà còn giúp từng cá nhân luôn tự nhắc nhở bản thân và lan tỏa đến những người khác tinh thần cảnh giác, không chủ quan với dịch bệnh.
Sau 1 năm chiến đấu chống lại “giặc” COVID-19 như lời Thủ tướng, hơn lúc nào hết lãnh đạo các địa phương cần bình tĩnh, tỉnh táo để đưa ra những quyết định chính xác, nhanh chóng, tranh thủ từng giờ, từng phút với tinh thần, trách nhiệm vì sự an toàn, hạnh phúc của người dân./.
Nguồn: Chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT