zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, nhiều người trẻ tuổi mắc bệnh nguy hiểm này

05/11/2022 - 150

Hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong, tàn phế hàng đầu nhưng chỉ rất ít trường hợp đột quỵ ở Việt Nam đến bệnh viện trong 6 giờ đầu - thời gian vàng để cứu sống người bệnh.

Những thông tin trên được đưa ra tại hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022 với chủ đề "Thách thức và cơ hội" diễn ra ngày 5/11 ở Hà Nội.

Đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn không gian

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế, trong những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các bệnh lưu hành và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm.

Các báo cáo khoa học hàng năm cho thấy, tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% các ca tử vong nói chung, đây là một con số rất lớn trong điều kiện kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, 7,2 người dưới 45 tuổi mắc bệnh nguy hiểm này - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường đang gia tăng ở nước ta. (Ảnh: Phạm Vũ Cường)

Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là các bệnh/nhóm bệnh gây ra những hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế khá cao.

Đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ.

"Con số này thật đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội"- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Đào Xuân Cơ bổ sung thêm thông tin, đột quỵ xảy ra không chọn thời gian, không chọn giờ, không chọn không gian. Di chứng của đột quỵ để lại nặng nề. Việc phát hiện sớm, điều trị sớm giúp người bệnh được hồi phục, trở lại cuộc sống tốt hơn.

Đàn ông Việt Nam bị đột quỵ nhiều hơn 1,5 lần so với nữ

Tại hội nghị, PGS. TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã công bố nghiên cứu đa trung tâm về tình hình đột quỵ tại Việt Nam trong thời gian qua tại 10 Trung tâm đột quỵ trên toàn quốc từ Đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung và phía Bắc. Đây là nghiên cứu lớn có số lượng bệnh nhân tham gia lớn nhất từ trước đến nay của chuyên ngành đột quỵ với 2.310 người.

Kết quả bước đầu cho thấy, độ tuổi trung bình người dân Việt Nam hiện nay bị đột quỵ khoảng 65 tuổi; độ tuổi dưới 45 chiếm 7,2%. Điều đáng lưu ý là tỷ lệ nam gặp đột quỵ nhiều hơn nữ, gấp 1,5 lần so với nữ (ở nước ngoài là nữ bị đột quỵ nhiều hơn nam).

Về phân loại đột quỵ, ở các nước phát triển, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chiếm 85%, chảy máu não khoảng 15%, nhưng tại Việt Nam, kết quả nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não là 76% chảy máu não là 24%.

"Như vậy ở Việt Nam tỷ lệ chảy máu não khi bị đột quỵ cao hơn so với nước ngoài, tỷ lệ nhồi máu não thấp hơn và đặc biệt đáng lưu ý là tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi, tỷ lệ đột quỵ nhồi máu não chỉ chiếm 50%, còn chảy máu não chiếm đến 46%. Ở người trẻ, tỷ lệ chảy máu não gia tăng rất nhiều"- PGS.TS Mai Duy Tôn nhấn mạnh.

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca đột quỵ, 7,2 người dưới 45 tuổi mắc bệnh nguy hiểm này - Ảnh 3.

78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp, do đó cần thay đổi lối sống để kiểm soát tốt tăng huyết áp.

Tỷ lệ người bị đột quỵ được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong 6 giờ đầu vẫn còn thấp, mới có 33% số người được nghiên cứu. Trong đó mới có 14% người bệnh vào cấp cứu được điều trị tái tưới máu hoặc sử dụng thuốc tiêu huyết khối đường tĩnh mạch, sử dụng các dụng cụ cấy nối đường động mạch.

Cũng theo thông tin của PGS.TS Mai Duy Tôn, về các yếu tố nguy cơ của bệnh đột quỵ phần lớn là do tăng huyết áp, tại kết quả nghiên cứu này cho thấy có 78% số người bị đột quỵ là do tăng huyết áp.

"Từ kết quả nghiên cứu sẽ giúp cho chiến lược điều trị, đầu tiên đó là vấn đề về cấp cứu chung, ngay tại các bệnh viện cũng cần rút ngắn thời gian đánh giá để làm sao có thể mang được nhiều cơ hội cho người bệnh cấp cứu đột quỵ có thể được điều trị tái tưới máu trong khoảng thời gian cửa sổ từ 4,5 - 6h. Đồng thời cần thay đổi lối sống để kiểm soát chỉ số huyết áp tốt, nhằm ngăn ngừa bệnh đột quỵ có thể xảy ra trong tương lai"- PGS.TS mai Duy Tôn nói.

Hội nghị đột quỵ thế giới năm 2022 là nơi tập trung các nhà khoa học trong lĩnh vực đột quỵ đến từ các bệnh viện và các trường đại học y của các tỉnh thành trong nước và nhiều báo cáo viên nước ngoài là các giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia về đột quỵ đến từ các quốc gia như Anh, Áo, Úc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, cùng với 1500 hội thảo viên từ khắp mọi miền đất nước trong đó có 700 hội thảo viên tham dự online.

Tại hội nghị có nhiều báo cáo cập nhật mới nhất về chẩn đoán điều trị, can thiệp mạch não và các kỹ thuật chuyên sâu về đột quỵ, có tính ứng dụng thực tiễn cao trong lâm sàng.

Dịp này, Trường Đại học Y Dược – ĐH Quốc gia Hà Nội công bố quyết định thành lập Bộ môn Đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não được xây dựng trên cơ sở Trung tâm đột quỵ Bệnh viên Bạch Mai, đây là Bộ môn đào tạo chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên trên cả nước.

Đồng thời, hội nghị cũng là dịp Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai được nhận chứng nhận Kim Cương lần thứ 7 của tổ chức Đột quỵ thế giới và cá nhân PGS. TS Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Trưởng Bộ môn đột quỵ và Bệnh lý mạch máu não được Hội đột quỵ thế giới đề cử vào nhóm các cá nhân xuất sắc được vinh danh 2022.

Nguồn: Suckhoedoisong.vn




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.