Bộ y tế
Năm 2022, ngành y tế đã vượt và đạt cả 3 chỉ tiêu Quốc hội giao
24/02/2023 - 160
Sáng 24/2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến triển khai công tác y tế năm 2023 đúng dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2).
Theo báo cáo tại Hội nghị, ngành y tế đã đạt và vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu được Quốc hội giao và 13/16 chỉ tiêu cụ thể về y tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới dự Hội nghị toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Tham dự Hội nghị tại các điểm cầu trực tuyến có lãnh đạo UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Theo Bộ Y tế, năm 2022, tình hình thế giới, trong nước diễn biến phức tạp hơn so với dự báo; khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế ngày càng tăng, tạo sức ép rất lớn lên công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô, tác động lớn đến sự phục hồi, phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực và đời sống nhân dân.
Trên thế giới, đầu năm 2022, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nhà khoa học và các quốc gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023 và có thể xuất hiện các chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường. Việc bao phủ vaccine và có thuốc điều trị giúp giảm số ca nặng, tử vong, giảm tỉ lệ mắc. Do vậy, đã có nhiều quốc gia thay đổi chiến lược ứng phó dịch bệnh từ cố gắng dập tắt dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị toàn quốc triển khai công tác y tế năm 2023
Trong nước, dịch bệnh được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; cả nước chuyển sang giai đoạn "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ.
Cùng với dịch COVID-19, sự bùng phát của dịch sốt xuất huyết, nguy cơ xâm nhập của các bệnh dịch nguy hiểm mới nổi như bệnh đậu mùa khỉ, viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân... Hệ thống y tế còn những tồn tại, hạn chế chưa được giải quyết triệt để trong giai đoạn trước, đã nảy sinh thêm những khó khăn, vướng mắc trong giai đoạn "hậu COVID-19", ảnh hưởng trực tiếp đến công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Quán triệt và tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Bộ Y tế ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ với phương châm "Đoàn kết kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển"; trong đó cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 và Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/01/2022 với 19 chỉ tiêu, 5 trọng tâm chỉ đạo điều hành, 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn, hạn chế, biến cố trong năm 2022, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, sự cố gắng phấn đấu vượt khó khăn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành y tế, công tác y tế năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.
Trong các chỉ tiêu chủ yếu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 theo Nghị quyết số 32/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ, ngành y tế được giao 3 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, chỉ tiêu số bác sĩ/10.000 dân đạt 9,4 bác sĩ, thực hiện đạt 11,5 bác sĩ, vượt chỉ tiêu được giao; chỉ tiêu số giường bệnh/10.000 dân đạt 29,5 giường bệnh, thực hiện là 31 giường bệnh, vượt chỉ tiêu được giao; tỉ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% dân số, thực hiện được 92,03% dân số, đạt chỉ tiêu được giao.
Hội nghị được tổ chức trực tuyến từ điểm cầu Trụ sở Chính phủ (Hà Nội) tới điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Năm 2023, Bộ Y tế đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.
Các chỉ tiêu chủ yếu được giao tại Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 và Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ: Tỉ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,2%; số bác sĩ/10.000 dân đạt 12 bác sĩ; số giường bệnh/10.000 dân đạt 32 giường bệnh…
Nguồn: chinhphu.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT