Bộ y tế
Nâng cao chất lượng công tác dân số góp phần phát triển kinh tế - xã hội
12/07/2023 - 177
Ngày 11/7/2023, đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn đã đến làm việc tại Tây Ninh về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình.
Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương- Thứ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn làm việc tại Tây Ninh.
Tham gia đoàn công tác có ông Nguyễn Doãn Tú- Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc.
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong, lãnh đạo Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố, thị xã và các sở, ban, ngành liên quan.
Tây Ninh có mức sinh thấp
Báo cáo tại buổi làm việc, bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện.
Trên cơ sở đó, Sở Y tế (Thường trực Ban Chỉ đạo công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tỉnh) đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương xây dựng các kế hoạch phù hợp tình hình thực tế để triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, chương trình, đề án, chỉ tiêu đề ra.
Tuy nhiên, những năm gần đây, công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tại Tây Ninh gặp nhiều khó khăn, chủ yếu thiếu nhân sự thực hiện công tác dân số ở các cấp. Trong khi đó, địa phương không đủ nhân lực và kinh nghiệm chuyên môn để nghiên cứu, tham mưu thực hiện công tác dân số trong tình hình mới. Về thực hiện Chương trình điều chỉnh mức sinh đến năm 2030, Tây Ninh được đánh giá là tỉnh có mức sinh thấp, tổng tỷ suất sinh bình quân 5 năm gần đây là 1,6 con/phụ nữ.
Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc sinh đủ hai con, vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ hai con, với khẩu hiệu “Mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ hai con”. Nhờ vậy, kết quả tổng tỷ suất sinh của tỉnh từng bước được nâng lên, năm 2021 đạt 1,65 con/phụ nữ, năm 2022 đạt 1,8 con/phụ nữ.
Tỉnh tập trung chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; truyền thông chuyển đổi hành vi, điều chỉnh mức sinh, khuyến khích mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con; mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; tập trung kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; nâng cao chất lượng dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, truyền thông tư vấn và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; củng cố và phát triển hệ thống thông tin chuyên ngành dân số...
Phó Giám đốc Sở Y tế chia sẻ: “Tây Ninh là một trong những tỉnh, thành có mức sinh thấp, chỉ đạt 1,8 con/phụ nữ vào năm 2022, trong tương lai sẽ để lại hệ quả xấu như tỷ lệ già hoá, tác động đến chương trình an sinh xã hội. Tuy nhiên, Tây Ninh đã nỗ lực hoàn thành một số chỉ tiêu kế hoạch được giao trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, như: tỷ lệ sinh thô, tỷ lệ sàng lọc trước sinh, số người mới sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại...”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong phát biểu tại buổi làm với Đoàn công tác của Bộ Y tế.
Một số chỉ tiêu không đạt nhưng vẫn cao so với cả nước
Theo Chi cục Dân số-Kế hoạch hoá gia đình, đến tháng 6.2023, kho dữ liệu của tỉnh đã quản lý gần 306.000 hộ, với 1,2 triệu người. Tỷ số giới tính khi sinh 108,1 bé trai/100 bé gái (kế hoạch năm 2023 ≤107 bé trai/100 bé gái). Số trẻ em sinh ra được sàng lọc sơ sinh 1.393/5.552, đạt 25,09% (kế hoạch năm 2023 giao 50%).
Tỷ lệ người cao tuổi khám sức khoẻ định kỳ đạt 15,29% (26.137/170.991 người, tăng 15 điểm % so với năm 2022). Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khoẻ trước kết hôn đạt 2,88% (72/2.501 người, đạt 25,42%, tăng 10 điểm % so năm 2022).
Ông Phạm Minh Sơn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình) nhận định: “Mặc dù một số chỉ tiêu không đạt kế hoạch nhưng vẫn cao so với mặt bằng chung cả nước, như tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, tỷ lệ người cao tuổi khám sức khoẻ định kỳ. Đây được xem là điểm sáng trong công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tỉnh Tây Ninh”.
Mặc dù địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức người dân về công tác dân số, nhưng trên thực tế, vẫn còn một bộ phận không nhỏ chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của việc này, làm cho những giải pháp đặt ra chưa đạt như kỳ vọng.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường- Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số (Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình), tỷ suất cân bằng giới tính khi sinh của Tây Ninh đang ở mức cao hơn tự nhiên theo chỉ số trung bình từ 103-105 bé trai/100 bé gái. Đây là con số không thể chủ quan.
Tác động của sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh không dễ nhận thấy ngay, nhưng những năm tiếp theo sau sẽ gây ra tình trạng “nam thừa, nữ thiếu”. Vì vậy, để cải thiện tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh cần có thời gian, lộ trình và sự vào cuộc, chung tay của các cấp, ngành, địa phương và của chính người dân.
Đồng thời, phát triển các mô hình tư vấn khám sức khoẻ tiền hôn nhân, thêm tỷ lệ nam nữ được tư vấn, giúp thay đổi cách nghĩ của một bộ phận giới trẻ về vấn đề khám sức khoẻ tiền hôn nhân, góp phần hạn chế tình trạng nạo phá thai, giảm tỷ lệ trẻ bị dị tật bẩm sinh.
Tạo tiền đề quan trọng cho việc nâng cao chất lượng dân số tại địa phương. Song song đó, cần triển khai chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, xây dựng và mở rộng mô hình chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng.
Bà Hoàng Thị Khánh Phương- Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông, giáo dục sức khoẻ Trung ương đề nghị ngành Y tế Tây Ninh quan tâm đổi mới công tác truyền thông về hình thức, nội dung, phương thức đến nhân dân trong tình hình mới.
Bác sĩ Đỗ Hồng Sơn- Phó Giám đốc Sở Y tế báo cáo công tác DS-KHHGĐ với Đoàn công tác của Bộ Y tế.
Góp phần đưa nghị quyết vào cuộc sống
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về công tác dân số trong tình hình mới, công tác DS-KHHGĐ trên địa bàn tỉnh đã có những chuyến biến tích cực. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm, chất lượng dân số được nâng lên, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong bày tỏ: “Trên cơ sở các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Sở Y tế và các địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện, từng bước đưa Nghị quyết 21-NQ/TW vào cuộc sống”.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và đề xuất giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Riêng về nguồn nhân lực, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nhân viên y tế, đặc biệt là đào tạo trình độ chuyên môn lĩnh vực dân số cho cán bộ tại địa phương.
Tây Ninh tập trung đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của việc sinh đủ hai con, vận động không kết hôn muộn, không sinh con muộn và sinh đủ hai con.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đánh giá cao những nỗ lực của Tây Ninh trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân thời gian qua. Thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW của Trung ương về triển khai công tác dân số trong tình hình mới, các cấp uỷ Đảng, địa phương cũng đã quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành tỉnh triển khai các nhiệm vụ được giao để bảo đảm công tác dân số.
Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: “Tỉnh Tây Ninh cần đặc biệt chú trọng đến tỷ lệ sinh đang ở mức thấp so với nhu cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Công tác dân số phải có sự phối hợp của tất cả các sở, ban, ngành. Bộ Y tế với vai trò tham mưu cũng ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn về công tác dân số trong tình hình mới. Do đó, Tây Ninh cần tham khảo và đưa ra các giải pháp phù hợp với đặc thù của tỉnh”.
Thứ trưởng đề nghị Tây Ninh cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về DS-KHHGĐ để bảo đảm thực hiện Nghị quyết 21, kế hoạch hành động của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành trong công tác dân số, bảo đảm thực hiện đủ các chỉ tiêu, mục tiêu đề ra, đặc biệt thực hiện đầy đủ 42 đề án đã đặt ra.
Rà soát kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, tăng cường họp Ban Chỉ đạo, trao đổi, cung cấp thông tin, tham mưu đầy đủ cho lãnh đạo tỉnh, các cấp uỷ Đảng, HĐND hỗ trợ, tạo điều kiện giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Tổ chức các tổ công tác liên ngành chỉ đạo, đôn đốc, giám sát, hướng dẫn công tác dân số trong tỉnh. Nghiêm túc xem xét, sắp xếp lại vị trí việc làm ở địa phương phù hợp với cán bộ làm nhiệm vụ dân số để bảo đảm các chính sách phụ cấp.
“Căn cứ khả năng cân đối ngân sách, tỉnh cần rà soát, tham mưu thực hiện các chế độ cho công tác dân số, cán bộ làm công tác dân số. Những khó khăn, vướng mắc của tỉnh, đoàn sẽ trình Bộ Y tế để được hỗ trợ giải đáp, giải quyết”- Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Trước đó, đoàn công tác của Bộ Y tế đã có buổi làm việc với UBND huyện Châu Thành về công tác dân số - kế hoạch hoá gia đình tại địa phương năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023./.
Theo: baotayninh.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT