Một số người dân ở TP.Biên Hòa phải cách ly y tế vì là F2, F3 của các ca bệnh Covid-19 cho biết, khi bị cách ly y tế tại cơ sở y tế tập trung hoặc tại nhà, nỗi lo của họ không chỉ là nguy cơ bị lây nhiễm bệnh mà còn là bị một số người có thái độ kỳ thị.
* Nỗi lo bị kỳ thị, xa lánh
Những thông điệp chống kỳ thị người nhiễm Covid-19 của Tổ chức Y tế thế giới. Nguồn: Bộ Y tế |
Chị N.T.T.M. (ngụ P.Bình Đa, TP.Biên Hòa) kể lại, trong một cuộc họp với đối tác kinh doanh, chồng chị vô tình ngồi chung phòng họp với một trường hợp F1 nên cả gia đình chị đã tự giác khai báo y tế và được cho cách ly y tế tại nhà. Sau khi danh sách những người F1 có tên chồng chị bị rò rỉ và phát tán trên mạng xã hội (MXH) thì gia đình chị không được “yên thân”.
Thay vì đồng cảm và chia sẻ, một số người hàng xóm của chị M. đã có những lời bàn ra tán vào, có người còn nói nhà chị là ổ dịch, hãy tránh xa. Chưa hết, Facebook của vợ chồng chị có nhiều người lạ vào tương tác. “Bên cạnh những lời động viên, chia sẻ cũng có không ít comment bằng thái độ xách mé, thậm chí họ còn gửi cho tôi dòng chữ mỉa mai: “Tao mà ho một tiếng, cả nhà mày chạy mất dép...”, khiến cả nhà tôi rất buồn” - chị M. tâm sự.
Tương tự, anh Võ Thành Trung (quê tỉnh Bắc Giang, ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) kể, vào đầu tháng 5-2021, khi quê anh trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước, có không ít người đã ví von Bắc Giang là “Vũ Hán của Việt Nam”. Mỗi khi có người thân đến nhà anh chơi, hàng xóm đều ra vào dòm ngó. Có người đứng xa hỏi với sang với thái độ dò xét, nghi ngại: “Người nhà anh ở Bắc Giang vào à? Thế đã đi khai báo chưa? Cẩn thận kẻo lây dịch cho cả xóm thì chết”, khiến gia đình anh cảm thấy bị tổn thương.
Anh Trung chia sẻ: “Trước tình hình dịch bệnh hoành hành và chưa có đủ vaccine để phòng ngừa thì việc hạn chế tiếp xúc với người khác hoặc cẩn trọng để bảo vệ mình và gia đình là tâm lý hoàn toàn bình thường. Nhưng thái độ thái quá của một số người đã tạo thêm sự lo lắng, phiền toái, tạo không khí căng thẳng không cần thiết”.
* Kỳ thị làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh
Dịch Covid-19 nguy hiểm và đang có những diễn biến khó lường với những ca nhiễm tăng nhanh từng ngày. Những khu vực bị phong tỏa, giãn cách cũng ngày một rộng hơn. Trong bối cảnh phức tạp này, có thể chỉ trong một sáng một chiều ai đó cũng có thể trở thành F0 hay F1, F2, F3... Trước thực tế này, mỗi người dân nên hiểu đúng về dịch bệnh và cách phòng ngừa để có thái độ ứng xử phù hợp với những người xung quanh mình. Tốt nhất nên thực hành theo khuyến cáo phòng dịch của Bộ Y tế.
Giám đốc Sở Y tế, TS-BS Phan Huy Anh Vũ cho biết, để chiến đấu với dịch bệnh Covid-19 cần cả cộng đồng vào cuộc, chia sẻ những vất vả của lực lượng nơi tuyến đầu phòng dịch bằng sự ý thức hơn trong việc thông tin, kiểm chứng thông tin và cách ứng xử phù hợp trong cộng đồng. Tuy nhiên, hiện nay trên MXH đã và đang xuất hiện nhiều thông tin về những khu vực, những người nghi nhiễm thiếu chính xác. Những thông tin này được đăng tải và chia sẻ với tốc độ chóng mặt, làm nhiễu loạn dư luận. Đáng buồn là những tin tức giật gân, “câu view” theo kiểu đào bới đời tư của những người bị nhiễm và nghi nhiễm vẫn được đăng tải tràn lan trên MXH.
Theo TS-BS Phan Huy Anh Vũ, trước hết phải thấy rằng, người bệnh hoặc có liên quan đến ca bệnh Covid-19 là nạn nhân của bệnh dịch toàn cầu. Khi mắc bệnh, họ cũng như bao người khác phải chịu tổn hại về sức khỏe, tâm lý, đối mặt với nguy cơ tính mạng bị đe dọa; còn những người F1, F2, F3... thì phải cách ly với muôn vàn khó khăn khi sinh hoạt, công việc bị đình trệ cho nên cộng đồng đừng “khoác” thêm cho họ căn bệnh tinh thần không đáng có. Bởi, những người bị kỳ thị có thể bị cô lập hoặc rối loạn lo âu khi bị “bêu rếu” trên MXH.
Một trong những tác hại lớn nhất của việc kỳ thị các trường hợp có liên quan đến Covid-19 theo TS-BS Phan Huy Anh Vũ chính là việc người có tiếp xúc với những ca nhiễm sẽ trốn tránh khai báo hoặc khai báo không trung thực... dẫn đến khó kiểm soát nguồn lây lan dịch bệnh trong cộng đồng. Vì thế, mỗi người dân ngoài việc ý thức phòng dịch cũng nên thông cảm, chia sẻ, động viên và có thái độ ứng xử phù hợp với những nạn nhân của dịch Covid-19, dù họ nhiễm hay chưa nhiễm.
Ngược lại, những trường hợp thuộc F2, F3 phải cách ly tại nhà cần tự giác giữ gìn cho mình và cộng đồng để tránh gây bức xúc cho những người xung quanh. Một trong những điều quan trọng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 chính là sự đồng sức, đồng lòng của toàn dân để cùng nhau vượt qua đại dịch này.
Những thông điệp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về chống kỳ thị: - Không ai có lỗi khi đại dịch Covid-19 bùng phát và tất cả chúng ta phải cùng nhau đoàn kết để chấm dứt đại dịch này; - Hãy hiểu rằng bản thân ta cũng có thể bị nhiễm Covid-19 bất cứ lúc nào; - Đừng đổ lỗi cho người khác về nỗi sợ hãi dịch bệnh của chính mình; - Hãy lên tiếng khi thấy người nhiễm, người nghi nhiễm bị kỳ thị; - Hãy đối xử với người khác bằng sự tôn trọng... |
Phương Liễu
Nguồn: baodongnai.com.vn