zalo chat
Đường dây nóng: (Giờ hành chánh) (0251).388.3660
THÔNG ĐIỆP 2K CỦA BỘ Y TẾ                                                                                                 Khuyến khích đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.                                                                                                  Bắt buộc đeo khẩu trang đối với một số đối tượng cụ thể.                                                                                                  Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh.                                                                                                  Vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                                        BỆNH VIỆN ĐA KHOA THỐNG NHẤT - ĐỒNG NAI CHUNG TAY PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID – 19.                                                                                                                                                                                                                                                                                        

Bộ y tế

Nghiên cứu khoa học y học phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội

25/10/2024 - 53

Ngày 23/10/2024, Tổng hội Y học Việt Nam phối hợp Bộ Y tế tổ chức Hội nghị khoa học năm 2024 với chủ đề “Nghiên cứu và ứng dụng trong y học”. GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế dự và phát biểu tại hội nghị.

 

Tham dự hội nghị có PGS.TS Trần Thị Trung Chiến, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS.Nguyễn Viêt Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện WHO tại Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế; các Bộ, ban, ngành liên quan.

Về phía Tổng hội Y học Việt Nam có PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam; các Phó Chủ tịch, các hội thành viên, các viện nghiên cứu, trường đại học, bệnh viện, các Sở Y tế...

Đoàn chủ tọa hội nghị.

Phát biểu tại hội nghi, PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết: Y học dựa vào bằng chứng là phương pháp tiếp cận sử dụng kết quả từ các nghiên cứu lâm sàng, chia sẻ các mô hình thực hành, đánh giá kinh tế y tế trong việc đưa ra các quyết định nhằm nâng cao chất lượng điều trị, dự phòng chăm sóc sức khoẻ và nâng cao hiệu quả quản lý bệnh nhân.

“Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung và y dược học nói riêng đã đóng góp rất lớn đưa nền khoa học y học Việt Nam tiếp cận với thế giới, mang lại hiệu quả kinh tế và ý nghĩa xã hội sâu sắc ở nhiều lĩnh vực...”- PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên phát biểu.

Trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng, trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực y tế, đến nay Việt Nam đã và đang trở thành một trong các điểm nghiên cứu quan trọng, tiếp cận trình độ các nước tiên tiến trên thế giới, tham gia vào chương trình phát triển lâm sàng toàn cầu trên nhiều lĩnh vực với sự đóng góp nhiều đối tượng cho các nghiên cứu bản lề, đặc biệt là các nghiên cứu và ứng dụng trong y học thực hành.

PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam phát biểu.

Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cũng cho biết thêm, ngoài phiên toàn thể, hội nghị có năm phiên chuyên đề về các bệnh: Ung thư, hô hấp, khớp, sản phụ khoa, da liễu. Có 26 bài trình bày của các báo cáo viên là các chuyên gia đến từ: Tổng hội Y học Việt Nam, Trường đại học Y Hà Nội, Trường đại học Dược Hà Nội, Viện Chiến lược và chính sách y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Quân đội 108, Phổi Trung ương, Phụ sản Trung ương...

GS.TS.Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, GS.TS. Trần Văn Thuấn chia sẻ, bệnh không lây nhiễm gây ra hơn 70% tổng số ca tử vong tại Việt Nam. Đây là một con số đáng lo ngại, cho thấy gánh nặng mà các bệnh này đang gây ra đối với hệ thống y tế và xã hội.

Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra những mục tiêu, giải pháp hết sức cụ thể để củng cố hệ thống y tế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống dự phòng cũng như hệ thống khám chữa bệnh, và công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong y học là một trong những mục tiêu then chốt, được chú trọng nhất trong chiến lược trên.

Các bệnh không lây nhiễm cũng là những thách thức không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Trên phương diện y tế công cộng, các bệnh này đang gia tăng cả về số lượng ca mắc cũng như mức độ nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn tới sức khỏe cộng đồng.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Để đối phó với những thách thức trên, Bộ Y tế đã xây dựng và đang triển khai các chiến lược toàn diện, hướng tới mục tiêu nâng cao sức khỏe toàn dân. Một trong những ưu tiên hàng đầu là công tác nghiên cứu và ứng dụng trong y học, tập trung vào một số định hướng như:

Nghiên cứu khoa học y học phục vụ nhu cầu thiết yếu của xã hội. Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, việc định hướng các nghiên cứu y học phải ưu tiên các lĩnh vực có tác động lớn đến sức khỏe cộng đồng. Trong đó, tập trung vào các nghiên cứu về bệnh dịch, sức khỏe dân số, quản lý bệnh tật, và phát triển các phương pháp điều trị mới.

Ứng dụng các tiến bộ của công nghệ trong y học. Sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), và công nghệ thông tin, đang mở ra những cơ hội mới cho y học. Định hướng phát triển y học tại Việt Nam cần chú trọng đến việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến này trong nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị bệnh. Công nghệ sinh học đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu dược phẩm, phát triển các loại vaccine và liệu pháp điều trị cá thể hóa, trong khi AI có tiềm năng lớn trong việc hỗ trợ chẩn đoán nhanh và chính xác.

Phát triển hệ thống y học dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu cần được củng cố, với sự kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền và y học hiện đại; các chương trình tiêm chủng, phòng, chống dịch bệnh, và sàng lọc sớm cần được đẩy mạnh, đồng thời kết hợp với việc nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của y tế dự phòng là những nhiệm vụ quan trọng và xuyên suốt của ngành Y tế Việt Nam.

GS.TS. Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng đại diện lãnh đạo Tổng Hội Y học Việt Nam trao Chứng nhận cho các báo viên tham gia hội nghị.

Phát triển nhân lực nghiên cứu y học chất lượng cao. Nhân lực là yếu tố then chốt trong mọi vấn đề. Cần chú trọng đến việc đào tạo về nghiên cứu khoa học, phương pháp nghiên cứu lâm sàng, và ứng dụng công nghệ mới.

Bên cạnh đó, việc hợp tác với các cơ sở đào tạo y tế hàng đầu thế giới để gửi cán bộ, sinh viên đi học tập và nghiên cứu tại nước ngoài, hay tham gia các dự án nghiên cứu quốc tế, hợp tác với các tổ chức y tế và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới cũng là hướng đi quan trọng để nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng sáng tạo, giúp Việt Nam tiếp cận với các công nghệ, phương pháp điều trị tiên tiến, đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học Việt Nam.

“Hợp tác quốc tế còn giúp chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức trong việc đối phó với các thách thức y tế toàn cầu, như biến đổi khí hậu, các dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi và các bệnh mãn tính phức tạp…”- Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị.

Hội nghị khoa học năm 2024 là diễn đàn để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cán bộ y tế tiếp tục cập nhật kiến thức y khoa, chia sẻ những kinh nghiệm thực tiễn từ nghiên cứu y học đến thực hành ứng dụng trong chẩn đoán, điều trị và dự phòng các bệnh…/.

 

 




Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT

× Thành công! Câu hỏi của bạn đã được tiếp nhận. Cảm ơn quý vị đã gửi tin nhắn, vì tính chất công việc, câu hỏi của quý vị sẽ được trả lời trong thời gian sớm nhất có thể. Xin cám ơn. Trân trọng.