Bộ y tế
Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã và đang đóng góp tích cực trong chẩn đoán điều trị ung thư phổi
23/06/2024 - 108
Đó là thông tin được PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết tại hội nghị nghiên cứu viên ung thư phổi toàn quốc diễn ra vào ngày 22/6/2024 tại Hà Nội.
Tham dự hội nghị có đại diện một số Vụ, Cục, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế cùng hơn 100 chuyên gia y tế trong lĩnh vực điều trị ung thư, đặc biệt là chuyên gia về ung thư phổi đến từ các trung tâm ung thư có uy tín trên thế giới và các trung tâm ung thư lớn ở Việt Nam.Hội nghị nghiên cứu viên ung thư phổi toàn quốc với chủ đề: Những tiến bộ từ nghiên cứu lâm sàng. Hội nghị nhằm thúc đẩy sự trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư phổi tại Việt Nam và thế giới, hướng tới việc nâng cao năng lực nghiên cứu lâm sàng (NCLS) tại các bệnh viện.
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế phát biểu.
Phát biểu tại hội nghị, được PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết cho biết: Chiến lược số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2038, trong đó một trong các định hướng chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, là: “Phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức khoa học công nghệ khác trở thành các chủ thể nghiên cứu mạnh”.
Trong thời gian qua, trên cơ sở chủ trương, chính sách, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, công tác nghiên cứu khoa học, đặc biệt là nghiên cứu phát triển sản phẩm mới và thử nghiệm lâm sàng.
“Nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã và đang đóng góp tích cực vào việc phát triển và áp dụng những phương pháp mới trong chẩn đoán và điều trị ung thư như trong điều trị ung thư phổi, chúng ta đã chứng kiến một sự tiến bộ mạnh mẽ, từ các phương pháp hóa trị truyền thống đến các loại thuốc nhắm trúng đích và thuốc miễn dịch tiên tiến. Những thành tựu này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân”- Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu.
Thông qua việc phê duyệt đề cương nghiên cứu cho thấy các đơn vị thử nghiệm lâm sàng ở Việt Nam đã tham gia rất tích cực và đã được các tổ chức quốc tế tin tưởng lựa chọn là các điểm nghiên cứu. Số lượng nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, thể hiện sự nỗ lực và cam kết của các nhà khoa học, bác sĩ và cả hệ thống y tế.
Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đã tham gia triển khai thử nghiệm lâm sàng đa trung tâm, tiến hành theo các tiêu chuẩn quốc tế, bảo đảm tuân thủ thực hành lâm sàng tốt và các nguyên tắc đạo đức trong nghiên cứu y sinh học... Nhiều nghiên cứu ở Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thay đổi phương pháp thực hành lâm sàng, tìm ra những thuốc mới cải thiện kết quả điều trị bệnh nhân từ kéo dài thời gian sống, cải thiện chất lượng cuộc sống đến nâng cao cơ hội chữa bệnh.
Bên cạnh đó, thử nghiệm lâm sàng cũng góp phần tích cực vào công tác chẩn đoán, điều trị và tạo nên mảnh ghép còn thiếu cho thực hành lâm sàng thường quy, giúp cho nhiều người bệnh có thêm những cơ hội tiếp cận thuốc mới, giảm chi phí điều trị cho người bệnh và hệ thống y tế.
Quang cảnh hội nghị.
Bộ Y tế luôn nhìn nhận việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển sản phẩm mới là một trong những ưu tiên hàng đầu. Trong thời gian qua Bộ Y tế đã xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này, như trình Quốc hội ban hành Luật Dược năm 2016, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trình Chính phủ ban hành Nghị định 96/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và ban hành các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật về thử nghiệm lâm sàng thuốc, phương pháp mới, kỹ thuật mới, thiết bị y tế. Trên cơ sở đó thực hiện việc chuẩn hoá, đánh giá và cấp Giấy chứng nhận thực hành lâm sàng tốt (GCP) cho các cơ sở nhận thử nghiệm lâm sàng và tăng cường năng lực cho đội ngũ nghiên cứu viên để tạo điều kiện thúc đẩy triển khai các nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, thử nghiệm lâm sàng đảm bảo chất lượng và theo chuẩn quốc tế.
TS.BS.Nguyễn Ngô Quang, Quyền Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo phát biểu.
Theo TS.BS. Nguyễn Ngô Quang, Quyền Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo đánh giá cao sự hợp tác và trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị y tế trong nước với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong hoạt động NCLS, không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn mang lại hy vọng sống cho nhiều bệnh nhân
“Ở Việt Nam, số lượng nghiên cứu lâm sàng đã tăng nhanh chóng trong những năm gần đây, thể hiện sự nỗ lực và cam kết của các nhà khoa học, bác sĩ và cả hệ thống y tế. Sự tăng trưởng này là minh chứng cho tiềm năng và khát vọng phát triển của chúng ta trong lĩnh vực y tế, phản ánh một nền y tế đang phát triển mạnh mẽ, sẵn sàng hội nhập và cạnh tranh với khu vực và thế giới ”- TS.BS. Nguyễn Ngô Quang cho biết.
Ông Atul Tandon, Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam phát biểu.
Ông Atul Tandon, Tổng Giám đốc AstraZeneca Việt Nam chia sẻ “NCLS là nền tảng để mang lại những phương thuốc làm thay đổi cuộc sống, chính vì vậy, chúng tôi luôn ưu tiên đầu tư phát triển hoạt động này tại Việt Nam. Thông qua việc hợp tác với các tổ chức, các bệnh viện trên toàn quốc, đồng thời áp dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI), chúng tôi hướng tới việc mở rộng NCLS trên nhiều tỉnh thành hơn, tiếp cận được với nhiều nhóm bệnh nhân hơn để từ đó rút ngắn được thời gian phát triển các phương thuốc mới, góp phần làm thay đổi cuộc sống người bệnh và nâng cao chất lượng hệ thống y tế theo hướng bình đẳng và bền vững hơn”.
GS.TS.Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện K phát biểu.
Chia sẻ về NCLS tại Việt Nam, GS.TS.Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: “Trong số nhiều NCLS được thực hiện ở Việt Nam, nghiên cứu trên bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn bệnh tiến triển tại chỗ quá chỉ định phẫu thuật là một trong những nghiên cứu được báo cáo tại hội nghị ASCO 2024 vừa diễn ra tại Hoa Kỳ. Kết quả nghiên cứu vượt ngoài sự mong đợi với thời gian sống thêm cho bệnh nhân không tiến triển bệnh không chỉ là vài tháng mà đến 39,1 tháng. Đây là thành quả của sự hợp tác và nỗ lực chung của các nghiên cứu viên ở nhiều bệnh viện trên cả nước”.
PGS.TS.Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm tại hội nghị.
Tại hội nghị, nhiều kết quả nghiên cứu được đồng tổ chức triển khai tại Việt Nam đã được báo cáo với kết quả tích cực, đánh dấu sự tiến bộ rõ nét trong điều trị ung thư phổi nói riêng và trong phòng chống ung thư nói chung; đồng thời cập nhật các kết quả của NCLS lớn được báo cáo gần đây tại các hội nghị lớn trên thế giới.../.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT