Nữ điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai ôm chia tay chồng để vào làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 4. Ảnh: H.Dung |
Với trách nhiệm của người thầy thuốc, hàng trăm y, bác sĩ của nhiều bệnh viện trong tỉnh đã không quản ngại khó khăn, nguy hiểm, xung phong vào tâm dịch để chung sức điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với mong muốn một ngày không xa, dịch bệnh sẽ được đẩy lùi.
* Gác lại hạnh phúc riêng
Sáng 18-7, dược sĩ Nguyễn Duy Long, khoa Dược Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai hồ hởi cùng 17 y, bác sĩ của bệnh viện làm lễ xuất quân đến làm nhiệm vụ tại Bệnh viện Dã chiến số 4 của tỉnh, đặt tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh tỉnh Đồng Nai (xã Tân An, H.Vĩnh Cửu).
Trước khi lên đường, dược sĩ Long được đồng nghiệp là điều dưỡng Nguyễn Văn Đông cắt trọc tóc để “chiến đấu” trong 14 ngày sắp tới. Dược sĩ Long chia sẻ, anh mới vào làm việc tại bệnh viện được hơn nửa năm. Sau khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ phụ trách hoạt động của Bệnh viện Dã chiến số 4 của tỉnh, anh ngay lập tức xung phong lên đường ra tuyến đầu chống dịch.
Để đáp ứng công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, sắp tới đây, Bệnh viện Da liễu Đồng Nai sẽ sử dụng luôn khu A để mở rộng cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19. Ngoài 100 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất, ngành Y tế sẽ sử dụng một phần của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành làm cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. |
Vào tâm dịch, dược sĩ Long chỉ mang theo vài bộ đồ và một số vật dụng, nhu yếu phẩm cần thiết. Nhiệm vụ của anh tại bệnh viện dã chiến là cấp phát thuốc và vật tư y tế cho các nhân vên y tế để phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Tạm xa vợ và con nhỏ mới gần 2 tuổi trong những ngày tới, BS Nguyễn Văn Sửu, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai tâm sự, ngay khi anh nói với vợ sẽ vào Bệnh viện Dã chiến số 4 của tỉnh để làm nhiệm vụ, vợ anh không chút ngần ngại, đã đồng ý và động viên anh cố gắng làm tốt nhiệm vụ để góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Cô con gái nhỏ hằng ngày thủ thỉ với cha khi nghe cha nói đi chống dịch, ban đầu không chịu, nhưng sau đó, nghe cha tỉ tê, em đã đồng ý và còn đòi vào bệnh viện để cùng cha “chiến đấu” với “giặc” Covid-19.
Buổi sáng trước khi lên đường làm nhiệm vụ, vợ BS Sửu cũng như nhiều vợ/chồng của các y, bác sĩ khác đã đến bệnh viện, trao cho vợ/chồng/người yêu những lời động viên, những cái ôm thật chặt và tin tưởng dịch bệnh sớm được đẩy lùi để gia đình họ sớm được đoàn tụ, mọi người sẽ có được cuộc sống bình thường như trước đây.
Đang trực tiếp chỉ đạo, điều hành hoạt động chuyên môn tại Bệnh viện Dã chiến số 2 của tỉnh (cơ sở 3 Trường đại học Lạc Hồng, TP.Biên Hòa), BS Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay, chỉ sau 3 ngày đi vào hoạt động, bệnh viện đã nhận đủ số bệnh nhân so với số giường điều trị. Đến nay, 20 nhân viên y tế của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành đang cố gắng, nỗ lực thực hiện công tác điều trị cho 364 bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
“Các nhân viên y tế, dân quân, công an làm nhiệm vụ tại bệnh viện được làm xét nghiệm Covid-19 2 ngày/lần. Đến nay, tất cả nhân viên phục vụ tại bệnh viện đều an toàn. Mặc dù gặp rất nhiều áp lực, nhớ gia đình nhưng ai cũng sẵn sàng gác lại hạnh phúc riêng để vì hạnh phúc chung của cộng đồng” - BS Phước nói.
* Cố gắng bảo toàn quân số ngày trở về
Trân trọng tinh thần tình nguyện và nhiệt huyết của đội ngũ y, bác sĩ xung phong đến Bệnh viện Dã chiến số 4 làm nhiệm vụ, BS Nguyễn Lê Đa Hà, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai nhấn mạnh, những ngày tới đây, “cuộc chiến” với Covid-19 dự báo sẽ rất khốc liệt. Do vậy, các y, bác sĩ cần duy trì năng lượng tích cực để động viên chính bản thân mình, động viên đồng nghiệp và động viên các bệnh nhân.
BS Đa Hà thông tin thêm, thống kê cho thấy, có 5% bệnh nhân Covid-19 không có triệu chứng trở nặng rất nhanh; khoảng 80% bệnh nhân không có triệu chứng, còn lại là bệnh nhân có triệu chứng. Nhiệm vụ của các y, bác sĩ tại Bệnh viện Dã chiến số 4 của tỉnh là sàng lọc để phát hiện những bệnh nhân có triệu chứng nặng để chuyển về các bệnh viện chuyên điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng; đồng thời, phát hiện những ca có triệu chứng để điều trị và chăm sóc các bệnh nhân không có triệu chứng từ xa.
Lãnh đạo các bệnh viện được giao phụ trách hoạt động tại Bệnh viện Dã chiến số 1, số 2, số 3 và số 4 trong tỉnh lưu ý các y, bác sĩ làm việc tại các bệnh viện này phải đặc biệt lưu ý vấn đề kiểm soát nhiễm khuẩn, hạn chế đến mức thấp nhất, cố gắng không để bị lây nhiễm chéo để bảo toàn quân số khi trở về.
TS-BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cho hay, đã có 2 nhân viên y tế của bệnh viện tăng cường cho Bệnh viện Phổi Đồng Nai được xác định nhiễm Covid-19. Đây là điều mà các cơ sở y tế đều lo ngại. Đặc biệt, những bác sĩ mắc bệnh lại là những người sử dụng thành thạo các loại máy móc như máy thở để điều trị bệnh nhân nặng. Do đó, khi bệnh viện được giao nhiệm vụ phụ trách hoạt động chuyên môn tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (tại cơ sở Trường đại học Mở TP.HCM, đóng tại P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa), lãnh đạo bệnh viện quán triệt tất cả cán bộ, nhân viên y tế làm việc tại đây phải thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, bởi chỉ khi nhân viên y tế an toàn mới có điều kiện tốt nhất để chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
Hạnh Dung
Nguồn: baodongnai.com.vn