Bộ y tế
Phòng chống lao giống với tinh thần phòng chống COVID-19
25/03/2021 - 225
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Cần sự vào cuộc của toàn xã hội, phòng chống lao giống với tinh thần phòng chống COVID-19, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Tối 23/3, tại Hà Nội diễn ra chương trình nghệ thuật Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh lao, Chương trình chống lao quốc gia đã ra mắt trang thông tin điện tử và phát động ủng hộ Quỹ hỗ trợ Người chiến thắng bệnh lao (PASTB).
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao đã gửi thông điệp tới chương trình rằng, so với 5 năm trước, mặc dù tại Việt Nam số người mắc lao mới đã giảm, nhất là số người mắc chưa phát hiện ra, tuy nhiên vẫn còn tới 50.000 mắc lao mà chưa được phát hiện. Số ca tử vong vì bệnh lao tương đương với số người chết vì tai nạn giao thông, “chúng ta không thể ngừng nỗ lực chấm dứt bệnh lao”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Năm 2020, Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 dù ảnh hưởng đó là nhỏ hơn rất nhiều so với thế giới, phát hiện bệnh lao cũng giảm đi hơn 3%. Theo các chuyên gia, có sự tương đồng giữa chống lao và chống COVID-19. Cần phải phát hiện ngay, phát hiện thật sớm người mắc bệnh lao, đây là nhiệm vụ trọng tâm nhất để tiến tới chấm dứt được căn bệnh này. Phó Thủ tướng cho rằng, bằng kinh nghiệm chống COVID-19, chúng ta kêu gọi toàn dân tham gia phòng chống lao, phấn đấu giảm số người tử vong do lao.
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại chương trình
Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS. TS Nguyễn Trường Sơn cho rằng, Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO 2020), khoảng 11.400 ca tử vong. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình người bệnh phải gánh chi phí lớn dành cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao, vượt quá 20% thu nhập của cả hộ gia đình. Đáng chú ý, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, đây là một vấn đề làm ảnh hưởng đến kinh tế từng gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tin tưởng rằng, nếu huy động được toàn xã hội vào cuộc, sự chung tay của cộng đồng, phòng chống lao giống với tinh thần phòng chống COVID-19, chúng ta chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Chính vì thế, năm 2021 Việt Nam lấy chủ đề Ngày phòng chống lao là: “Việt Nam Chiến thắng COVID-19 - Chấm dứt bệnh Lao” với mong muốn từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam
Theo TS Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, năm 2015 các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết chấm dứt đại dịch lao vào năm 2030. Tuy nhiên, việc tiếp cận công bằng, kịp thời với dịch vụ chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị và chăm sóc có chất lượng vẫn còn là một thách thức. Đầu tư toàn cầu hằng năm cho bệnh lao vẫn thấp hơn một nửa số tiền đã cam kết. Đại dịch COVID-19 gây ra nguy cơ cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, nó làm giảm tỷ lệ phát hiện bệnh lao. Dự kiến sẽ có nhiều trường hợp tử vong do lao hơn do giảm phát hiện bệnh lao và cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị lao. Chính vì thế WHO khuyến nghị chúng ta cần phải hành động nhanh để cứu sống mọi người, nỗ lực tạo ra sự thay đổi bằng việc thực hiện các ưu tiên. Trong đó, từ bài học thành công của mình trong ứng phó với COVID-19, Việt Nam có thể áp dụng cho công cuộc chấm dứt bệnh lao, TS Kidong Park cho biết.
Tại Việt Nam bệnh lao không chỉ xảy ra và tập trung ở một vài địa phương mà ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có người mắc lao và tử vong do lao. Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Từ khi COVID-19 được Tổ chức y tế thế giới (WHO) công bố là "Đại dịch toàn cầu" vào cuối tháng 1/2020, đã có tác động tiêu cực lớn đến sự phát triển của toàn xã hội, không chỉ Việt Nam mà trên toàn thế giới. Do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, tỷ lệ phát hiện bệnh nhân lao trên thế giới năm 2020 cũng đã giảm khoảng 20%. Ở 3 nước có gánh nặng bệnh lao cao (Ấn độ, Indonesia và Philippine), số bệnh nhân lao phát hiện giảm khoảng 25-30% so với năm 2019. Tại Việt Nam, tỷ lệ này cũng đã giảm 3,1%.
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến trình giảm gánh nặng bệnh lao trên toàn cầu. Số ca tử vong do lao trên toàn cầu có thể tăng khoảng 0,2–0,4 triệu người chỉ riêng vào năm 2020, nếu các dịch vụ y tế bị gián đoạn, số người mắc lao được phát hiện và điều trị giảm 25–50% trong thời gian 3 tháng (so sánh với mức độ phát hiện trước khi xảy ra đại dịch), sẽ có thêm 190.000 ca tử vong do lao được dự báo (tăng 13%), nâng tổng số ca tử vong do lao lên khoảng 1,66 triệu ca vào năm 2020.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống Lao quốc gia nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân
Nhân dịp này, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống Lao quốc gia vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, 39 tập thể và 48 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Nhân sự kiện Lễ kỷ niệm Ngày Thế giới phòng, chống lao 24/3/2021, Quỹ hỗ trợ Người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) cho ra mắt Cổng thông tin điện tử với tên miền http://quypastb.vn/ nhằm tạo thuận tiện cho người bệnh, các nhà hảo tâm có thể tìm hiểu rõ hơn về bệnh lao, truyền thông cập nhật thêm các thông tin, hoàn cảnh về bệnh lao cần được trợ giúp, các hoạt động của Quỹ. Đây sẽ là địa chỉ tin cậy kết nối người bệnh tới các cá nhân, tổ chức thiện nguyện, nhằm giúp đỡ những người bệnh lao có hoàn cảnh khó khăn nhanh chóng tiếp cận được với các nguồn trợ giúp cũng như có thêm động lực vượt qua được mặc cảm về bệnh và kiên trì chữa bệnh.
Với mong muốn, vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua những ảnh hưởng của bệnh tật, mặc cảm bệnh tật để chữa khỏi bệnh lao và hòa nhập với cộng đồng, Bệnh viện Phổi Trung ương - Chương trình Chống lao Quốc gia - Quỹ PASTB tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB:
- Thời gian: Bắt đầu từ 00h00 ngày 22/03/2021 đến 24h00 ngày 21/5/2021.
- Cú pháp soạn tin nhắn: TB gửi 1402
(20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn).
Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người bệnh lao được điều trị khỏi, giảm nguồn lây trong cộng đồng./.
Nguồn: Suckhoedoisong.vn
Nguồn: Cổng thông tin điện tử BYT